Bản tin thời sự sáng 1/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quận đầu tiên của Hà Nội chuyển từ “cam” sang “vàng”; Cục An ninh vận tải Mỹ đánh giá cao an ninh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất; thu hồi gần 9.000 m2 'đất vàng' ở trung tâm TP.HCM; trang thiết bị y tế sắp phải kê khai giá…

Quận đầu tiên của Hà Nội chuyển từ “cam” sang “vàng”

Sau ba tuần ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), số ca mắc cộng đồng ở quận Đống Đa giảm mạnh nên được hạ xuống cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình).

Cửa hàng ăn trên phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm) bán mang về do quận ở cấp độ 3

Cửa hàng ăn trên phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm) bán mang về do quận ở cấp độ 3

Theo công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19 của TP Hà Nội, tối 31/12, toàn Thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng); 18 quận, huyện và 278 xã, phường cùng cấp độ 2.

Ngoài huyện Phúc Thọ tiếp tục duy trì "màu xanh", tuần này Hà Nội có thêm huyện Phú Xuyên cũng ở cấp độ 1.

Số đơn vị cấp độ 3 tăng thêm 2 địa bàn so với tuần trước, gồm 8 quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và hai huyện Gia Lâm, Thanh Trì.

Riêng quận Đống Đa từ cấp độ 3 đã chuyển thành cấp độ 2. Số ca mắc mới trong hai tuần qua của quận này 961; tỷ lệ ca cộng đồng/100.000 dân là 127 (tỷ lệ này so với cách đây 3 tuần lần lượt là 1.300 và 177). Theo quy định, ở cấp độ 2 các hoạt động kinh doanh sẽ nới lỏng, được bán hàng ăn, uống tại chỗ. Hiện Đống Đa chưa ban hành hướng dẫn cụ thể sau khi quận giảm cấp độ dịch.

Cục An ninh vận tải Mỹ đánh giá cao an ninh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Cục An ninh vận tải Mỹ đã kiểm tra công tác an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nơi phục vụ các chuyến bay đến Mỹ.

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả đánh giá của Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) về công tác an ninh hàng không của Việt Nam, sau đợt kiểm tra từ 2/12 đến 13/12.

Đoàn giám sát viên an ninh hàng không của TSA đã kiểm tra công tác an ninh hàng không dân dụng tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo các tiêu chuẩn và khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là chương trình bảo đảm an ninh với các cảng hàng không có chuyến bay hành khách hoặc hàng hóa đến Mỹ.

Đoàn giám sát viên TSA đã kiểm tra công tác đảm bảo an ninh với hàng hóa của 10 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác tại hai sân bay và công tác an ninh đối với hành khách của Vietnam Airlines. Cùng với đó là kiểm tra các doanh nghiệp cung ứng suất ăn, xử lý hàng hóa, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay theo các tiêu chuẩn của chương trình an ninh của Mỹ.

Đoàn còn kiểm tra hồ sơ, tài liệu và phỏng vấn đại diện đơn vị liên quan, cùng quan sát, đánh giá tại chỗ việc thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau 12 ngày làm việc, đoàn giám sát viên TSA đã đánh giá cao sự đồng bộ trong việc thực hiện các quy trình an ninh hàng không của các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn các cảng hàng không.

Ngoài ra, đoàn giám sát viên TSA còn cho biết các hãng hàng không nước ngoài đều có đánh giá cao về chất lượng soi chiếu an ninh hàng không của hai sân bay với hàng hóa đi Mỹ. TSA không đưa ra khuyến nghị nào liên quan công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Thu hồi gần 9.000 m2 "đất vàng" ở trung tâm TP.HCM

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu thu hồi dự án gần 9.000 m2 đất gần Hồ Con Rùa, Quận 3, do không thực hiện đúng chủ trương và có nhiều sai phạm.

Khu đất gần 9.000 m2 gần Hồ Con Rùa do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Quảng trường Quốc tế làm chủ đầu tư

Khu đất gần 9.000 m2 gần Hồ Con Rùa do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Quảng trường Quốc tế làm chủ đầu tư

Nội dung đề cập trong thông báo kết luận của Thanh tra TP.HCM với Dự án Trung tâm thương mại - văn phòng - khách sạn (Số 1 Công trường Quốc tế, Số 7 Phạm Ngọc Thạch, Số 86 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), do Công ty CP Thương mại dịch vụ Quảng trường Quốc tế làm chủ đầu tư, công bố ngày 31/12.

Khu đất này có diện tích hơn 8.921 m2, do 3 đơn vị quản lý gồm: Công ty May Sài Gòn, Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Năm 2009, UBND TP.HCM đồng ý cho Saigon Co.op hợp tác 3 đơn vị trên thành lập Công ty Quảng trường Quốc tế để thuê 50 năm, trả tiền một lần. Thành phố ra quyết định thu hồi khu đất trên do 3 đơn vị đang quản lý sử dụng, tạm giao cho Công ty Quảng trường Quốc tế thực hiện Dự án. Công ty Quảng trường Quốc tế có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, Dự án gồm tòa nhà cao 25 tầng (khối tháp 5 tầng) và 2 tầng hầm... Kế hoạch, công trình được khởi công năm 2015 và đưa vào sử dụng năm 2018. Tuy nhiên đến nay Công ty Quảng trường Quốc tế (chủ đầu tư) vẫn chưa hoàn tất thủ tục để triển khai.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định cho thuê đất, 3 cổ đông chiếm 70% vốn điều lệ Công ty Quảng trường Quốc tế là Saigon Co.op, Công ty May Sài Gòn và Công ty CP Vận tải biển đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH bất động sản Thiên Thanh để thu lợi. Việc này được xác định là không đúng chủ trương của UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, Công ty Quảng trường Quốc tế dùng mặt bằng khu đất Dự án cho 9 đơn vị, cá nhân thuê thu được hơn 56 tỷ đồng trong khi chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai.

Máy bay Boeing 737 Max được phép khai thác ở Việt Nam

Cục Hàng không Việt Nam cho phép các hãng khai thác máy bay 737 Max trong lãnh thổ Việt Nam từ 31/12 trên cơ sở đánh giá an toàn sau cuộc điều tra với hai vụ tai nạn trên thế giới.

Một máy bay 737 MAX của American Airlines tại sân bay ở Dallas, Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Một máy bay 737 MAX của American Airlines tại sân bay ở Dallas, Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, quyết định được đưa ra trên cơ sở các biện pháp an toàn của Boeing sau điều tra đối với hai vụ tai nạn của tàu bay B737 MAX, cùng đánh giá từ các nhà chức trách hàng không trên thế giới và trong nước.

Hiện 178 trong tổng số 195 nhà chức trách hàng không trên thế giới đã dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với máy bay B737 Max; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tiêu chuẩn, cấp phép bay đi, đến và bay quá cảnh. Hơn 360 tàu bay Boeing 737 Max của 35 hãng hàng không thế giới đã khai thác trở lại.

Hiện Bộ Giao thông vận tải cho phép dòng máy bay này được bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

Từ tháng 12/2020, nhà chức trách hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã cho phép máy bay Boeing737 Max khai thác thương mại trở lại trên không phận Mỹ, sau khi hãng Boeing thực hiện các thay đổi về thiết kế.

3 phương án tìm vốn cho đường trên cao ở TP.HCM

Đơn vị nghiên cứu đưa ra 3 phương án tìm vốn khoảng 29.500 tỷ đồng cho tuyến đường trên cao dài hơn 14 km, nối Nam Sài Gòn với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Các tòa cao ốc trên tuyến đường trên cao được lên ý tưởng

Các tòa cao ốc trên tuyến đường trên cao được lên ý tưởng

Theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII - đơn vị nghiên cứu) cho biết, đơn vị vừa có báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường trên cao Bắc - Nam, đoạn từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Đây là tuyến không có trong quy hoạch của TP.HCM, nhưng CII đề xuất nghiên cứu và được UBND Thành phố chấp thuận. Trong 3 kế hoạch đầu tư, phương án một là Dự án triển khai theo hình thức đầu tư công hoặc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (ODA).

Phương án thứ hai, công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Song cách làm này, đơn vị tư vấn đánh giá mức phí 35.000 đồng mỗi lượt xe, nhân lượng phương tiện dự báo trong 26 năm, nhà đầu tư chỉ cân đối 5.500 tỷ đồng, chưa đến 20% tổng đầu tư. Do đó ngân sách phải bù 80% và điều này không khả thi bởi hiện quy định vốn góp nhà nước vào dự án PPP không quá 50%.

Phương án thứ ba, đơn vị nghiên cứu đề xuất vẫn triển khai Dự án theo hình thức PPP, nhưng nâng vốn góp nhà đầu tư lên 50%, trong đó sẽ xem xét lại mức thu phí, tìm nguồn vay lãi suất thấp; khai thác quỹ đất trên tuyến, chỉnh trang đô thị...

Với phương án này, lãnh đạo CII nêu ý tưởng khai thác không gian dọc tuyến đường bằng cách cho xây nhà, cao ốc... để sớm thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Cũng theo ý tưởng này, các công trình nhà, cao ốc, thương mại dọc tuyến khi xây dựng sẽ áp dụng hình thức cho thuê, không giao tư nhân sở hữu.

Chuyên đề