Bản tin thời sự sáng 10/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 10/9, đã 8 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng; quận Hoàn Kiếm dự kiến cho phép nhiều dịch vụ xuyên đêm; “siết” cấp phép đầu tư xây dựng condotel; đề nghị công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới...

Sáng 10/9, đã 8 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Sáng ngày 10/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận. Đến hôm nay cũng đã 8 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng.

Sáng 10/9, đã 8 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Sáng 10/9, đã 8 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 10/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 9/9 đến 6h ngày 10/9 không có ca mắc mới.

Hôm nay đã sang ngày thứ 8 Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng, tính từ ca bệnh tại Hải Dương, Ban Chỉ đạo đã công bố chiều ngày 2/9.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.126 người. Trong đó, 621 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.874 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 19.631 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 890 bệnh nhân Covid-19/1.059 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 18 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Quận Hoàn Kiếm dự kiến cho phép nhiều dịch vụ xuyên đêm

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dự kiến không giới hạn thời gian hoạt động của các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm để phát triển kinh tế đêm.

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm) về đêm

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm) về đêm

Ngày 9/9, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, "Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm" đang được Quận lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Theo Đề án, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Quận được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần; riêng hoạt động ngoài trời và các điểm di tích, di sản phục vụ du lịch sẽ hoạt động đến 24h00.

Không gian đi bộ trong khu phố cổ, không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu được tổ chức đồng bộ với thời gian diễn ra phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Hiện không gian đi bộ Hồ Gươm duy trì hoạt động từ 19h00 thứ Sáu đến 24h00 Chủ nhật hàng tuần.

Hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch; vận chuyển và các hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho kinh tế đêm.

Đề án kinh tế đêm của quận Hoàn Kiếm đặt ra lộ trình từ tháng 9/2020 đến 31/8/2021, tập trung phát triển các không gian văn hoá, kinh tế tạo động lực cho kinh tế đêm phát triển. Từ 1/9/2021, quận Hoàn Kiếm sẽ phát triển kinh tế đêm ở tất cả các lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn.

Hiện nay, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội hoạt động đến 24h. Một số cơ sở kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm tham gia thí điểm mở rộng thời gian kinh doanh, được hoạt động đến 2h sáng hôm sau.

“Siết” cấp phép đầu tư xây dựng condotel

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xem lại việc cấp phép mới cho đầu tư condotel, officetel do loại hình này còn nhiều vấn đề.

“Siết” cấp phép đầu tư xây dựng condotel

“Siết” cấp phép đầu tư xây dựng condotel

Quá trình thẩm định, phê duyệt bất động sản "con lai" gồm căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (offcicetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), nhà thương mại liên kết (shophouse) sẽ được địa phương quản chặt trong thời gian tới, theo yêu cầu từ Bộ Xây dựng.

Theo ghi nhận của bộ này, tại một số đồ án quy hoạch xây dựng chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình bất động sản trên. Việc nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng, vận hành bất động sản tạo ra nhiều bất cập, vướng mắc. Quy định pháp lý ràng buộc trong quan hệ hợp đồng giữa các nhà đầu tư ban đầu và thứ cấp còn thiếu. Các địa phương còn lúng túng trong việc cấp giấy tờ sở hữu condotel, officetel, shophouse...

Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, khi thị trường khó khăn, một số chủ đầu tư xin chuyển đổi condotel, officetel sang căn hộ tạo thành áp lực lên hệ thống hạ tầng của khu vực.

Cả nước đang có khoảng 82.900 condotel, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án condotel tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... với tổng nguồn vốn đầu tư ước khoảng 100.000 tỷ đồng.

Đề nghị công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới

Hệ thống đường hầm hơn 200 km được xây dựng phức tạp, bí ẩn ở Củ Chi sẽ được đệ trình lên UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Phòng họp Bộ tư lệnh Quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dưới địa đạo Củ Chi

Phòng họp Bộ tư lệnh Quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dưới địa đạo Củ Chi

Nội dung này vừa được UBND TP HCM đề cập trong văn bản xin ý kiến Bộ Quốc Phòng về chủ trương lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015 với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.

Cụ thể, đây là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Các lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... sống và làm việc tại đây, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Địa đạo Củ Chi là công trình khoa học quân sự được bảo tồn tốt, gồm một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, dài hơn 200 km; được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ…

Hà Nội xóa sổ một dự án "ôm" đất rồi bỏ hoang hơn thập kỷ

Hà Nội vừa có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khu đất rộng hàng nghìn m2 tại phường Mễ Trì đã giao cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam làm nhà ở để bán nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa giải phóng mặt bằng

Khu đất rộng hàng nghìn m2 tại phường Mễ Trì đã giao cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam làm nhà ở để bán nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa giải phóng mặt bằng

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa có quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Dự án này đã được UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6/2008 cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam.

Lý do chấm dứt hoạt động là do sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ được chấp thuận, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Đến thời điểm hiện tại, dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa khởi công xây dựng, trong khi giấy chứng nhận đầu tư đã hết hạn từ tháng 6/2011 và chưa được gia hạn mới.

Việc dự án kéo dài gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân, từ đó dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Đưa gần 280 công dân Việt Nam từ Pháp, Ma Rốc và Chile về nước

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã cử cán bộ tới sân bay để hỗ trợ trực tiếp công dân hoàn tất các thủ tục trước khi lên máy bay về nước.

Đưa gần 280 công dân Việt Nam từ Pháp, Ma Rốc và Chile về nước

Đưa gần 280 công dân Việt Nam từ Pháp, Ma Rốc và Chile về nước

Trong hai ngày 8 - 9/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Ma-rốc và Chile, các cơ quan chức năng trong nước, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan của sở tại đã tổ chức chuyến bay đưa gần 280 công dân Việt Nam từ các quốc gia nói trên về nước an toàn.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về chỗ ở, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động.

Trong suốt chuyến bay, hành khách và toàn bộ tổ bay chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh dịch tễ. Tất cả hành khách cũng đã được cách ly và kiểm tra y tế theo quy định khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư