Bản tin thời sự sáng 10/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là HoSE tiếp tục hoạt động sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19; người dân Hà Nội xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường theo quy định mới; TP.HCM huy động gần 500 taxi, xe khách chở bệnh nhân Covid-19; di tích Thái Tổ miếu, nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn sẽ được khai quật khảo cổ; giáng chức Phó văn phòng ĐBQH và HĐND Đà Nẵng vì tát nhân viên y tế…

HoSE tiếp tục hoạt động sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19

Phát hiện một số ca dương tính Covid-19 trong quá trình xét nghiệm sàng lọc, HoSE khẳng định mọi hoạt động giao dịch chứng khoán vẫn diễn ra bình thường.

Từ ngày 9/8, HoSE tiếp tục hoạt động bình thường sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19

Từ ngày 9/8, HoSE tiếp tục hoạt động bình thường sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, qua quá trình xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với lực lượng nhân viên "3 tại chỗ", HoSE đã phát hiện một số ca dương tính.

Nhằm đảm bảo an toàn và hoạt động liên tục của thị trường chứng khoán, từ ngày 9/8, Sở áp dụng quy trình, giải pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh và tổ chức hoạt động.

Việc xử lý thông tin liên quan đến doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán và các bên có liên quan được HoSE thực hiện hoàn toàn trực tuyến, từ xa.

Đồng thời Sở cũng khẳng định, hoạt động giao dịch chứng khoán vẫn được duy trì bình thường theo các kịch bản phòng chống dịch đã được chuẩn bị.

Theo đánh giá của UBCK, HoSE đã xây dựng các phương án tính toán kỹ mọi rủi ro có thể xảy ra.

Đại diện Hose cho biết thêm, hệ thống của Sở có khả năng thiết lập trung tâm điều hành ở các vị trí địa lý khác nhau chứ không nhất thiết phải cố định tại một địa điểm. Ngoài ra, HoSE còn một trung tâm dự phòng thảm hoạ ở cách xa trụ sở chính. Toàn bộ nhân viên của Sở từ khi chớm dịch đã đươc chia thành các nhóm hoạt động độc lập theo ca kíp. Trong mọi tình huống, các Sở vẫn luôn đảm bảo giao dịch thông suốt trên thị trường.

Người dân Hà Nội xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường theo quy định mới

Chiều 9/8, nhiều người dân đến trụ sở phường trên địa bàn Hà Nội xếp hàng, chờ cả tiếng đồng hồ để xác nhận giấy đi đường theo quy định mới.

Người dân Hà Nội xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường theo quy định mới

Người dân Hà Nội xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường theo quy định mới

Ngày 9/8 là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện quy định mới siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Chiều ngày 8/8, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ban hành văn bản về nội dung này, nêu rõ ngoài giấy đi đường theo mẫu, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Xã, phường, thị trấn ở thủ đô có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giấy đi đường với nguyên tắc "chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn". Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải phối hợp UBND cấp xã nơi đơn vị hoạt động để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường; hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo.

Chiều ngày 9/8, hai hàng dài người dân xếp hàng chờ xin xác nhận tại trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu (86, Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy),

Mọi người đứng tràn ra phía ngoài đường Trần Thái Tông. Ước tính mỗi hàng khoảng 20 người, hai hàng từ 40 - 50 người. Cán bộ tại trụ sở phường thường xuyên đi lại nhắc nhở "đảm bảo giãn cách".

Những người đến xếp hàng hầu hết là nhân viên các công ty trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu. Tuy nhiên, sau nhiều tiếng chờ đợi, một số người ra về mà chưa xin được xác nhận.

Còn tại trụ sở UBND phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy), lúc 16h, gần trăm người dân đứng chờ để xin dấu vào mẫu giấy đi đường. Để đảm bảo phòng dịch, phường Yên Hòa chỉ cho 5 người mỗi đợt vào bên trong khuôn viên.

Sáng ngày 9/8, nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội đã xuất hiện ùn ứ cục bộ khi lực lượng chức năng kiểm soát giấy đi đường.

TP.HCM huy động gần 500 taxi, xe khách chở bệnh nhân Covid-19

Gần 500 taxi, ôtô khách tại TP.HCM được chuyển đổi công năng thành xe cứu thương đưa bệnh nhân Covid-19 đến nơi điều trị, ngăn chuyển nặng, hạn chế tử vong.

Xe taxi chở F0 đi cấp cứu tại bệnh viện Quận 4

Xe taxi chở F0 đi cấp cứu tại bệnh viện Quận 4

Việc huy động taxi, ôtô khách tham gia công tác cấp cứu diễn ở đợt dịch lần thứ tư, khi số ca nhiễm liên tục tăng cao khiến nguồn lực y tế quá tải, nhất là xe cứu thương vận chuyển ca bệnh. Toàn bộ xe cứu thương tại các cơ sở y tế công lập, tư nhân ở Thành phố được điều động tham gia cấp nhưng chưa đáp đủ khi ca bệnh tăng nhanh.

TP.HCM cũng vừa triển khai hệ thống cấp cứu 115 đến từng cơ sở chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 tại các quận huyện, khu dân cư, nhằm đưa ca bệnh nặng đến nơi điều trị kịp thời.

Đại diện Tập đoàn Mai Linh cho biết, trong 200 taxi, hiện 80 xe đã được hoán cải chở các bệnh nhân. Số taxi còn lại đang chờ cung cấp trang thiết bị y tế và đưa vào hoạt động.

Ngoài hai đơn vị trên, Công ty CP Xe khách Sài Gòn (SaigonBus) cũng phối hợp điều động 40 ôtô 10 - 45 chỗ hỗ trợ ngành y tế.

Bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, việc tăng cường xe những ngày qua đã giúp tăng năng lực cấp cứu bệnh nhân ở Thành phố. Trong đó, hãng Phương Trang huy động 220 xe loại 16 chỗ, phân bổ cho các quận huyện để chủ động điều phối. Những xe này túc trực tại cơ sở y tế, nơi cách ly tập trung ở phường xã để kịp thời đưa ca bệnh nặng lên tuyến trên.

Trong khi với taxi thuộc Mai Linh, ông Long cho biết Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ điều phối và các xe đều có nhân viên y tế đi theo, cấp cứu bệnh nhân một cách nhanh nhất trước khi chuyển tới nơi điều trị... Tất cả xe này đều có các thiết bị y tế cơ bản là bình oxy, máy xét nghiệm nhanh.

Theo bác sỹ Long, Thành phố vừa thành lập 5 trung tâm cấp cứu vệ tinh dã chiến đặt ở các Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức và Phú Thọ (Quận 11). Mỗi trạm có quy mô 20 xe cấp cứu với 280 nhân viên y tế và những người có chuyên môn…

Di tích Thái Tổ miếu, nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn sẽ được khai quật khảo cổ

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ tổ chức khai quật khảo cổ Thái Tổ miếu, nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn từ ngày 10/8 - 10/10, trước khi trùng tu công trình.

Di tích Thái Tổ miếu nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn

Di tích Thái Tổ miếu nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép đơn vị khai quật khảo cổ học công trình Thái Tổ miếu ở trong Đại nội Huế.

Việc khai quật sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tiến hành trên diện tích 952 m2 với 9 hố, mỗi hố rộng 50-200 m2.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế trong quá trình khai quật phải bảo vệ địa tầng di tích, không công bố kết luận khảo cổ chính thức khi chưa thống nhất với Cục Di sản. Những hiện vật thu được sẽ tạm lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế để tránh hư hỏng.

Thái Tổ miếu là công trình kiến trúc gỗ quy mô lớn nhất trong Hoàng thành Huế, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1804 với 15 gian 2 chái, dài gần 70 m. Thái Tổ miếu thờ chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 chúa triều Nguyễn.

Trước sự xuống cấp của công trình, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã lên kế hoạch trùng tu với tổng kinh phí hơn 265 tỷ đồng. Việc khai quật khảo cổ học nhằm phục vụ cho việc trùng tu công trình.

TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca sáng 9/8

TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca từ Viện Pasteur sau khi Thành phố thông tin hôm 8/8 rằng chỉ còn chưa tới 500.000 liều vaccine để tiêm cho người dân.

TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca sáng 9/8

TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca sáng 9/8

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, Thành phố đã nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca từ Viện Pasteur vào sáng ngày 9/8. Ông Nam cho biết sau khi nhận được lượng vaccine này, Thành phố phân bổ cho 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức để tiếp tục tiêm chủng cho người dân như kế hoạch.

Sở Y tế TP.HCM cho hay từ 22/7 đến hết 8/8, TP.HCM đã tiêm được 2.295.773 liều vaccine.

Trong khi đó, số vaccine TP.HCM đã nhận từ ngày 22/7 đến nay là hơn 2,59 triệu liều. Với tốc độ tiêm hiện nay, Sở Y tế bày tỏ lo lắng nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine thì đến hết 9/8, TP.HCM sẽ đối diện với tình trạng thiếu vaccine để tiêm diện rộng.

Ngày 3/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản khẩn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về đề nghị phân bổ cho TP.HCM 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài việc tiêm mũi 1 cho người dân, Thành phố còn phải tính toán tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1.

TP.HCM hiện có thể đạt tốc độ tối đa 300.000 liều/ngày theo công suất của 1.200 đội tiêm hiện nay. Nếu được cấp vaccine đúng tiến độ, Thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Giáng chức Phó văn phòng ĐBQH và HĐND Đà Nẵng vì tát nhân viên y tế

Ngoài việc bị giáng chức, ông Trần Vinh bị cảnh cáo về mặt Đảng và xử lý vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người thi hành công vụ, cung cấp thông tin sai cho báo chí.

Ông Trần Vinh bị khống chế, đưa về Công an phường Nại Hiên Đông vào ngày 1/8

Ông Trần Vinh bị khống chế, đưa về Công an phường Nại Hiên Đông vào ngày 1/8

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, ông Trần Vinh - Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng bị giáng chức vì tát nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 1/8.

Ngoài ra, Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng ủy cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố cũng kỷ luật ông Vinh với hình thức cảnh cáo.

Ngoài 2 hình thức kỷ luật trên, ông Vinh bị Công an quận Sơn Trà xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người thi hành công vụ.

Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vinh vì cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nhận định sự việc ông Trần Vinh tát nữ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 1/8 trong lúc địa phương đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã khiến dư luận bức xúc.

Sáng ngày 1/8, chị P.T.L. (nhân viên Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đang lấy mẫu xét nghiệm cho ông Vinh tại phường Nại Hiên Đông thì người này đánh vào mặt chị L. trước sự chứng kiến của nhiều người. Ông Vinh sau đó bị lực lượng chức năng đưa đến công an phường.

Tại đây, ông Vinh và chị L. đã hòa giải. Tuy nhiên, chị L. và các nhân viên y tế bức xúc vì sau đó ông Vinh đã nói về sự việc không đúng sự thật.

Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM được ra đường sau 18h

Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng bình ổn ở TP.HCM được chạy trên đường từ 18h đến 6h sáng trong thời gian tăng cường biện pháp giãn cách xã hội.

Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM được ra đường sau 18h

Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM được ra đường sau 18h

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hoá; vệ sinh, khử khuẩn ở khu vực kinh doanh.

Lãnh đạo Thành phố giao Sở Công Thương phối hợp các bên liên quan xác định danh sách nhân viên được phân công và cập nhật vào hệ thống dữ liệu dùng chung trên cổng thông tin điện tử của Sở. Theo danh sách được xác nhận, giám đốc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ cấp thẻ công tác hoặc giấy xác nhận cho nhân viên để được chạy trên đường từ 18h đến 6h sáng...

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 và siết chặt quy định, thu hẹp nhiều lĩnh vực được phép ra đường từ 24/7. Từ chiều 26/7, người dân được yêu cầu hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h sáng. Trong khung thời gian này, chỉ một số trường hợp được ra đường như: cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; phóng viên, phát hành báo.

Ngoài ra còn công nhân vệ sinh môi trường; xử lý sự cố điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; xe chở hàng thiết yếu, đưa đón lực lượng làm nhiệm vụ phòng dịch….

Ngày 3/8, chính quyền Thành phố nới lỏng yêu cầu với dịch vụ bưu chính, cho xe chạy trên đường từ 18h đến 6h sáng nhằm không gây gián đoạn dịch vụ bưu chính, hành chính công, hàng hóa thiết yếu... khi Thành phố đang tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, từ 0h ngày 2/8.

Chuyên đề