Bản tin thời sự sáng 10/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Y tế ban hành Quyết định hủy thầu với gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm phát hiện sớm virus Covid-19.

Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu hủy gói thầu mua hệ thống xét nghiệm Covid-19

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định chỉ đạo xử lý các kiến nghị của Thanh tra tỉnh tại kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Covid-19.

Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động tại CDC Quảng Nam

Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động tại CDC Quảng Nam

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh thống nhất kết luận của Thanh tra Tỉnh tại kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động tại Sở Y tế và Sở Tài chính.

Căn cứ Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Y tế ban hành Quyết định hủy thầu với gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm phát hiện sớm virus Covid-19 trên địa bàn Tỉnh.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng giao Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ, tham mưu UBND Tỉnh điều chỉnh phân bổ dự toán chi ngân sách và giá gói thầu theo đúng quy định.

Về xử lý hành chính, đối với Sở Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức của Sở Y tế về những nội dung mà kết luận thanh tra đã nêu.

Đối với Sở Tài chính tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức của Sở Tài chính về những nội dung mà kết luận thanh tra nêu…

Hoàn tất bồi thường cho người dân thuộc 4,3 ha Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào tháng 9

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong tháng 9 tới, Thành phố sẽ hoàn tất bàn giao nền đất, căn hộ và chi trả bổ sung cho các hộ gia đình bị thu hồi đất trong khu 4,3 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đầu tư xây dựng

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đầu tư xây dựng

Báo cáo tại kì họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa IX, khai mạc ngày 9/7, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã có báo cáo chi tiết về kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 6/10/2019 của HĐND Thành phố về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An (Quận 2) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của 3 lô đất (ký hiệu 7 - 5, 7 - 9, G9) thuộc Khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 2 lô đất (ký hiệu III - HH8 và III - CC1) thuộc Khu đô thị chỉnh trang 192,6 ha kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm làm cơ sở để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong khu đất 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung trong phần diện tích 4,3 ha thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An được tổ chức thực hiện dự kiến như sau: Tháng 6/2020 công khai chính sách và chiết tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất; tháng 7 thực hiện tiếp xúc, vận động, hiệp thương đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất; xử lý, hoàn tất hồ sơ và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất hoàn tất trong tháng 8 và bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất hoàn tất trong tháng 9.

Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội lại bị đòi bồi thường chi phí phát sinh

Ngoài đội giá hàng trăm triệu đô, Dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội, còn vừa bị nhà thầu đòi bồi thường chi phí do kéo dài thời gian thực hiện một số gói thầu của dự án. Ngày 9/7, chủ đầu tư đã có thông tin về sự việc này.

Công trường thi công metro Nhổn - ga Hà Nội do nhà thầu Quốc tế đảm nhiệm

Công trường thi công metro Nhổn - ga Hà Nội do nhà thầu Quốc tế đảm nhiệm

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị hướng dẫn việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian các gói thầu xây lắp thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Cụ thể, đại diện UBND Thành phố cho biết, dự án được khởi công từ tháng 6/2010 và có mục tiêu hoàn thành tháng 9/2017, tuy nhiên đến nay sau hơn 10 năm thi công dự án mới đạt 62% khối lượng công việc, riêng đoạn đi trên cao đạt 73,28%. Thành phố đang yêu cầu đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác đoạn trên cao trong năm 2021 và toàn tuyến vào năm 2022.

Đề cập đến việc nhà thầu nước ngoài đòi bổ sung chi phí, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, do Dự án phát sinh thời gian thi công nên các nhà thầu quốc tế yêu cầu chủ đầu tư bổ sung chi phí lớn. Cụ thể, gói thầu xây lắp CP01 ký với Công ty TNHH Dealim (Hàn Quốc), thời gian thực hiện 30 tháng từ ngày khởi công (4/7/2014), tối đa sau 30 ngày kể từ ngày khởi công nhà thầu được quyền tiếp cận công trường. Song, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời công trình, Chủ đầu tư đã chậm bàn giao mặt bằng khoảng 18 tháng so với cam kết.

Tại gói CP07, Chủ đầu tư cũng phải thống nhất kéo dài thời gian thực hiện thêm 21 tháng so với hợp đồng gốc và bổ sung 1,47 triệu EUR chi phí cho Công ty Colas Rail (Pháp). Với các gói thầu khác như CP02 cũng phải kéo dài thời gian thực hiện thêm 24 tháng, giá trị bổ sung mà nhà thầu Posco E&C (Hàn Quốc) yêu cầu cho việc hoàn tất gói thầu CP02 là 7,22 triệu USD…

Về việc này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin: các chi phí phát sinh này trong dự toán các gói thầu, không vượt giá trị dự toán và tổng mức đầu tư được phê duyệt. Vừa qua chủ đầu tư đã đề nghị các nhà thầu chờ các hướng dẫn của bộ, ngành để tháo gỡ; tuy nhiên, các nhà thầu đều không chấp thuận và yêu cầu thành lập ban hòa giải, tiến tới khiếu kiện ra lên trọng tài quốc tế, đồng thời cho biết sẽ dừng huy động công trường nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm.

Lâm Đồng: Đề nghị rà soát, thu hồi đất đối với 44 dự án vi phạm

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án vi phạm, trong đó rà soát, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 44 dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không triển khai đầu tư.

Tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) tồn tại nhiều công trình phục vụ du lịch trái phép hoặc thi công sai giấy phép, cơi nới trái quy định, phá rừng...

Tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) tồn tại nhiều công trình phục vụ du lịch trái phép hoặc thi công sai giấy phép, cơi nới trái quy định, phá rừng...

Thanh tra Chính phủ vừa yêu cầu tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án vi phạm, trong đó rà soát, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 44 dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không triển khai đầu tư, vi phạm Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013; Khoản 3, Điều 6, Luật Đầu tư năm 2014. Tùy theo vi phạm cụ thể, UBND Tỉnh chịu trách nhiệm về hướng xử lý theo quy định.

Tiến hành rà soát, kiểm tra lại tiến độ, năng lực của chủ đầu tư, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với 123 dự án đã triển khai đầu tư hoàn thành một phần, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hết thời hạn đầu tư hoặc đã được gia hạn đầu tư trên 24 tháng, vi phạm quy định Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 và Khoản 3, Điều 46, Luật Đầu tư 2014", Thanh tra Chính phủ yêu cầu.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các dự án giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá; kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; chấm dứt việc gia hạn các dự án theo văn bản số 1034 ngày 11/3/2015 của Chủ tịch UBND Tỉnh; rà soát các dự án được gia hạn theo văn bản trên, nếu vẫn vi phạm về tiến độ, chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án.

COVID-19: Hơn 12.000 người Việt từ vùng dịch trở về

Ngày 9/7, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức 51 chuyến bay, đưa về nước hơn 12.000 công dân. Những công dân về nước đều được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo đó, thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện thế giới ghi nhận 12.162.680 người mắc; 551.976 người tử vong; 213 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc COVID-19.

Việt Nam đứng thứ 159 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế, tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước. Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức 51 chuyến bay, đưa về nước hơn 12.000 công dân. Những công dân về nước đều được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Đến nay, tổng số trường hợp mắc Covid-19 được chữa khỏi ở nước ta là 347 trên tổng số 369 bệnh nhân (chiếm 94% tổng số bệnh nhân), trong đó, toàn bộ 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam đã được điều trị khỏi. Bệnh nhân người nước ngoài nặng nhất và cũng là bệnh nhân điều trị dài ngày nhất tại Việt Nam là phi công người Anh sẽ ra viện vào ngày 11/7 và trở về nước vào ngày 12/7 trên chuyến bay của Việt Nam đi đón công dân ở Anh.

Trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia ghi nhận mức tăng kỷ lục số người mắc Covid-19, một số quốc gia, hoặc các khu vực đã bị phong tỏa trở lại do số ca mắc bệnh tăng lên. Có hơn 130 quốc gia ghi nhận có ca Covid-19 mới, 75 quốc gia có ca tử vong vì dịch bệnh, trong khi ở Việt Nam, đã 84 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Chuyên đề