Bản tin thời sự sáng 10/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng dầu sẽ giảm rất mạnh ngay từ 0h ngày 11/7; Thanh tra tỉnh Đắk Nông chuyển điều tra vụ mua sắm kit test của Việt Á; Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết Việt Nam đề xuất; Nha Trang tiếp tục thu hồi 22.000 m2 đất bờ biển; đề nghị truy tố bị can vụ nhập hàng gắn mác Asanzo từ Trung Quốc…

Giá xăng dầu sẽ giảm rất mạnh ngay từ 0h ngày 11/7

Sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu có thể giảm ở mức rất mạnh từ 3.700 đến 4.100 đồng mỗi lít nếu không trích quỹ bình ổn, bắt đầu từ 0h ngày 11/7.

Từ 11/7 thuế môi trường với xăng dầu sẽ giảm thêm 1.000 đồng một lít với xăng, 500-700 đồng một lít với các mặt hàng dầu

Từ 11/7 thuế môi trường với xăng dầu sẽ giảm thêm 1.000 đồng một lít với xăng, 500-700 đồng một lít với các mặt hàng dầu

Theo quy định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày 11/7. Việc áp dụng Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cũng sẽ có hiệu lực từ ngày này, nên thời gian điều chỉnh giá cũng bắt đầu từ 0h thay vì 15h.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 5/7, xăng RON 92 trên thị trường Singapore có giá bình quân là hơn 138 USD/thùng, còn RON 95 là 147 USD/thùng. Dầu diesel cũng về mốc hơn 150 USD/thùng. Có thể thấy, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới đã có xu hướng giảm so với chu kỳ trước.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, mức giảm giá trong kỳ điều chỉnh là rất mạnh. Vừa giảm giá cơ sở vừa kết hợp giảm thuế bảo vệ môi trường, xăng có thể giảm ở mức 4.000 đồng mỗi lít, dầu cũng giảm 3.700 đồng mỗi lít.

Tuy nhiên theo vị này, khả năng cơ quan điều hành sẽ trích lập quỹ bình ổn ở kỳ này để cân đối lại quỹ nên mức giảm có thể sẽ thấp hơn dự báo nêu trên.

Ngày 6/7, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giảm thêm 1.000 đồng, với dầu là 500 - 700 đồng, áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tới.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần, chủ yếu là tăng.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông chuyển điều tra vụ mua sắm kit test của Việt Á

Xác định có khuyết điểm, hạn chế, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển vụ việc mua sắm kit test của Công ty Việt Á sang cơ quan công an.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông chuyển hồ sơ mua sắm kit test của Việt Á sang công an

Thanh tra tỉnh Đắk Nông chuyển hồ sơ mua sắm kit test của Việt Á sang công an

Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển vụ việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông mua sắm 4 gói thầu sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) sang Công an tỉnh Đắk Nông để xác minh, xử lý theo quy định.

Theo tìm hiểu, trong năm 2020 - 2021, CDC Đắk Nông đã thực hiện mua sắm 22 gói thầu hóa chất, sinh phẩm, trong đó có 4 gói thầu liên quan đến Công ty Việt Á. Ở 4 gói thầu này, có 3 gói thầu được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; 1 gói thầu do Sở Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, với tổng giá trị hơn 743 triệu đồng.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục mua sắm 4 gói thầu hóa chất, sinh phẩm được xác định đã có một số khuyết điểm, hạn chế. Gói thầu số 1, 2, 3 chưa thực hiện công khai kết quả chỉ định thầu. Riêng gói thầu số 2 còn có việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước thời điểm ký biên bản thương thảo hợp đồng, trước thời điểm có kết quả thẩm định…

Cũng theo nguồn tin, hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã thu thập hồ sơ và yêu cầu CDC Đắk Nông báo cáo nội dung liên quan đến việc thực hiện 4 gói thầu mua sắm kit test của Công ty Việt Á.

Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết Việt Nam đề xuất

Hội đồng Nhân quyền thông qua nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đề xuất.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (bên trái) phát biểu trong phiên thảo luận chuyên đề tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (bên trái) phát biểu trong phiên thảo luận chuyên đề tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ

Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 13/6 - 8/7 đã thông qua tổng cộng 23 nghị quyết và một quyết định.

Trong số đó có Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Bangladesh, Philipines soạn thảo và đề xuất, tập trung vào quyền lương thực và vấn đề biến đổi khí hậu, được thông qua bằng đồng thuận, với nhiều nước tham gia đồng bảo trợ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Đây là nghị quyết được Việt Nam giới thiệu hàng năm với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư và quyền phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã phát biểu tại 18 phiên họp, như đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quản trị tốt trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong và sau đại dịch Covid-19, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm thúc đẩy bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ, quyền sức khỏe, quyền giáo dục.

Trong các cuộc thảo luận, đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân, trong đó đặt người dân vào trung tâm của các biện pháp và chính sách của chính phủ trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Các đại biểu Việt Nam kêu gọi Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ và các cơ chế nhân quyền LHQ hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.

Nha Trang tiếp tục thu hồi 22.000 m2 đất bờ biển

Sau khi thu hồi 28.000 m2 đất dọc đường Trần Phú của resort, chính quyền Khánh Hoà yêu cầu doanh nghiệp trả lại 22.000 m2 đất bờ biển Nha Trang để phục vụ người dân, du khách.

Phần đất dự án công viên Phù Đổng dự kiến thu hồi

Phần đất dự án công viên Phù Đổng dự kiến thu hồi

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tổ chức tiếp nhận hơn 22.000 m2 đất bờ biển Nha Trang tại dự án Công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư. Phần đất này dài khoảng 400 m bờ biển, nằm ở phía Đông đường Trần Phú, thuộc phường Lộc Thọ.

Theo chỉ đạo của UBND Tỉnh, chính quyền Nha Trang đề nghị doanh nghiệp ấn định thời gian giao mặt bằng cho địa phương. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, chính quyền Thành phố sẽ cưỡng chế thu hồi theo quy định. Tỉnh yêu cầu UBND TP. Nha Trang báo cáo kết quả thực hiện trước 20/7.

Năm 2012, Dự án Công viên Phù Đổng được tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang và Tổng công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư. Trong số 24.600 m2 được giao, gần 22.000 m2 chính quyền không thu tiền sử dụng đất, để chủ đầu tư xây công viên cây xanh, nhà vệ sinh công cộng. Phần còn lại doanh nghiệp được thuê, trả tiền từng năm, để làm nhà hàng, hồ bơi phục vụ kinh doanh du lịch. Thời hạn thuê đến năm 2042.

Sau khi được giao Dự án, chủ đầu tư đã xây dựng hạng mục nhà hàng, hồ bơi để phục vụ khách. Song phần xây dựng công viên (22.000 m2) chưa được chủ đầu tư làm hoàn thiện như thiết kế đã phê duyệt. Qua 10 năm, những hạng mục thuộc công viên chưa được chủ đầu tư bàn giao cho TP. Nha Trang quản lý.

Trước đó, hồi tháng 3/2021, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo sở, ngành rà soát thủ tục, tham mưu Tỉnh thu hồi diện tích đất nói trên. Dự án sau khi được lấy lại, Tỉnh giao cho TP. Nha Trang đầu tư, xây công viên phục vụ người dân, du khách như mục đích ban đầu.

Đề nghị truy tố bị can vụ nhập hàng gắn mác Asanzo từ Trung Quốc

Liên quan đến vụ buôn lậu 1.300 bộ lò nướng thủy tinh gắn nhãn mác Asanzo, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Trương Ngọc Liêm về tội "buôn lậu".

Số hàng hóa được xác định là buôn lậu

Số hàng hóa được xác định là buôn lậu

Cơ quan cảnh sát điều tra (Phòng PC03) Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Trương Ngọc Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Sa Huỳnh (Công ty Sa Huỳnh) về tội buôn lậu.

Trước đó, ngày 24/7/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra (Phòng PC03) Công an TP.HCM đã có quyết định khởi tố vụ án buôn lậu đối với Công ty Sa Huỳnh.

Hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Sa Huỳnh được Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố.

Theo đó, ngày 7/9/2018, lực lượng chức năng Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra một container chứa hàng hóa do Công ty Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc về cảng ICD Phước Long. Công ty này khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh, gồm nắp đậy bằng nhựa, chậu lò nướng bằng thủy tinh, thiết bị đếm thời gian của lò nướng... Tổng giá trị hàng hóa gần 213 triệu đồng.

Tuy nhiên khi kiểm tra thì phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo. Đặc biệt là trong thùng các tông đựng lò nướng còn có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" kèm số đường dây nóng 18001035.

Mặc dù hồ sơ hải quan thể hiện hàng hóa có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, toàn bộ lò nướng trong container này hoàn toàn không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ.

Công ty Sa Huỳnh đăng ký kinh doanh tại số 861/27/39 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM. Tuy nhiên, công an phường xác nhận với hải quan trên địa bàn không tồn tại địa chỉ này, tức là địa chỉ "ma".

Giá cà phê xuất khẩu tăng đột biến

5 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.250 USD một tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.

Một nông dân ở Kon Tum đang thu hoạch cà phê

Một nông dân ở Kon Tum đang thu hoạch cà phê

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,03 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua.

Trong đó, tăng đột biến là giá cà phê xuất đi Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, giá trung bình 5 tháng đầu năm tăng 42,3% lên mức 3.451 USD một tấn. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu cà phê Việt sang Mỹ bật tăng bất chấp sản lượng giảm.

Cùng với Mỹ, xuất khẩu cà phê sang Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan tăng 10 - 460% so với cùng kỳ. Trong đó, Đức, Bỉ và Italy 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh do thị trường thế giới tăng nhu cầu trong khi nguồn cung giảm.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê vối nhân xô (cà phê thô, chỉ trải qua khâu tách vỏ, chưa qua bất kỳ quá trình chế biến hoặc xử lý) của các tỉnh Tây Nguyên ở mức 42.800 - 43.300 đồng một kg, tăng 1.200 - 1.300 đồng một kg so với tháng trước. 6 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước tăng 1.700 - 2.000 đồng một kg so với cùng kỳ.

Chuyên đề