Bản tin thời sự sáng 10/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam đề nghị hoãn SEA Games 31; HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống của Hàn Quốc từ tuần sau; giá xăng tăng trở lại vào ngày 11/6; phương án làm cao tốc TP.HCM - Bình Phước khởi công giai đoạn 2021 - 2025; cựu Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng bị khởi tố thêm ở 1 vụ án khác…

Việt Nam đề nghị hoãn SEA Games 31

Do diễn biến Covid-19 phức tạp ở nhiều nước Đông Nam Á, SEA Games 31 - dự kiến tổ chức vào cuối năm nay ở Việt Nam - nhiều khả năng phải dời lịch.

Nhiều khả năng SEA Games sẽ lần đầu trong lịch sử bị hoãn

Nhiều khả năng SEA Games sẽ lần đầu trong lịch sử bị hoãn

Ủy ban Olympic Việt Nam vừa đề xuất tổ chức SEA Games 31 vào tháng 7/2022. Đại diện của Ủy ban Olympic của các quốc gia khu vực Đông Nam Á đã tiếp nhận thông tin và sẽ báo cáo lên chính phủ của họ. Vấn đề này cũng cần được đưa lên Ủy ban thường vụ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, trước khi ra quyết định chính thức.

Dự kiến, hai tuần sau, các bên sẽ tiếp tục nhóm họp để thống nhất kế hoạch tổ chức SEA Games 31.

Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, với khoảng 6.000 ca lây nhiễm cộng đồng từ 27/4. Thực tế đó cộng với việc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khiến việc tập luyện của các VĐV bị ảnh hưởng, trong khi công tác vận động tiếp thị thương mại cũng khó đạt kết quả mong muốn.

Việc đảm bảo y tế cho khoảng 20.000 VĐV, HLV, quan chức, trọng tài, nhân viên hậu cần của các đoàn thể thao, chưa tính đến người hâm mộ, cũng là thách thức lớn cho ban tổ chức SEA Games 2021.

Nếu đề xuất hoãn được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi SEA Games ra đời năm 1959, Đại hội không diễn ra trong năm lẻ. SEA Games năm 2023 sẽ diễn ra tại Campuchia vào tháng Năm.

SEA Games 31 ban đầu dự kiến diễn ra từ 21/11/2021 đến 2/12/2021 ở 12 tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình và Quảng Ninh. Đại hội gồm 40 môn thi, phần lớn là các môn Olympic.

HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống của Hàn Quốc từ tuần sau

HoSE kết nối, thử nghiệm tính năng của hệ thống KRX từ 14/6 - 6/8 và dự kiến trong năm nay có thể vận hành chính thức.

HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống của Hàn Quốc từ tuần sau

HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống của Hàn Quốc từ tuần sau

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới thông báo cho các công ty chứng khoán thành viên về lộ trình kết nối thử nghiệm hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Theo đó từ cuối tuần này, HoSE gửi thông số kỹ thuật để các công ty chứng khoán theo dõi. Việc kết nối bắt đầu từ 14/6 - 23/7, sau đó 26/7 - 6/8 thử nghiệm chức năng.

Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà cho biết, đây là dự án có ba đơn vị thụ hưởng, gồm hai sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Dự kiến hệ thống sẽ vận hành chính thức trong năm nay với năng lực xử lý lệnh "gấp nhiều lần hiện tại". Hệ thống này sẽ thay thế hệ thống mới do Tập đoàn FPT triển khai với công suất xử lý 3 - 5 triệu lệnh mỗi phiên (dự kiến ra mắt vào tháng 7). Tuy nhiên, hệ thống FPT không kết thúc sứ mệnh ngay lập tức mà vẫn là giải pháp dự phòng trong một thời gian nhất định.

Gói thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin được HoSE ký với KRX vào năm 2012, trị giá 600 tỷ đồng. Năm ngoái, nhà thầu chưa thể sang Việt Nam do dịch bệnh nên Sở phải trao đổi và giải quyết vấn đề từ xa khiến tiến độ bị ảnh hưởng. Các công việc mới thực hiện là tiền thử nghiệm, đào tạo kiểm thử nội bộ, thực hiện kết xuất dữ liệu toàn thị trường để sẵn sàng kiểm thử...

Trong kế hoạch năm nay, HoSE khẳng định tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các giai đoạn còn lại.

Việc HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống KRX diễn ra trong bối cảnh hệ thống hiện tại bị quá tải, thường xuyên nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư khó khăn khi đặt lệnh mua bán. HoSE đã nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 để hạn chế tình trạng này, sau đó bổ sung cơ chế mềm yêu cầu các công ty chứng khoán tạm dừng tính năng huỷ và sửa lệnh.

Giá xăng tăng trở lại vào ngày 11/6

Giá xăng ngày 11/6 dự kiến tăng theo xu hướng giá thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 280 đồng/lít.

Giá xăng tăng trở lại vào ngày 11/6

Giá xăng tăng trở lại vào ngày 11/6

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/6 tăng so với kỳ tính giá ngày 27/5.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 75,78 USD/thùng, xăng RON 95 là 77,26 USD/thùng, cùng tăng gần 3% so với kỳ trước. Riêng xăng RON 95 có thời điểm lên 78,15 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 9/1/2020.

Tương tự, giá dầu cũng biến động đi lên, dầu thô có ngày chạm mức 74,33 USD/thùng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết, giá xăng thế giới những ngày qua tăng nhẹ. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành ngày 11/6, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 280 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 360 đồng/lít.

Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng tăng 320 đồng/lít; dầu hỏa tăng 300 đồng/lít và dầu mazut tăng 580 đồng/kg.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ tăng trở lại ngay sau khi có phiên đứng giá vào ngày 27/5. Trong nửa năm qua (từ ngày 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 4.541 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 4.830 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ít hơn hoặc không đổi. Tuy nhiên, chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đang cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 1.782 đồng/lít, xăng RON 95 là 875 đồng/lít).

Phương án làm cao tốc TP.HCM - Bình Phước khởi công giai đoạn 2021 - 2025

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được nghiên cứu kết nối từ Gò Dưa (TP. Thủ Đức) đến Bình Phước ở Quốc lộ 14, dài 69 km, khởi công giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với 4 cao tốc, tuyến đường từ TP.HCM đi Bình Phước sẽ giúp phát triển kinh tế vùng

Cùng với 4 cao tốc, tuyến đường từ TP.HCM đi Bình Phước sẽ giúp phát triển kinh tế vùng

Nội dung đề cập trong văn bản của Bộ Giao thông vận tải vừa gửi UBND TP.HCM, sau khi phương án hướng tuyến, quy mô, hình thức đầu tư tuyến đường được đơn vị tư vấn phối hợp các bên liên quan hoàn thiện.

Tuyến cao tốc sẽ đi qua TP.HCM dài 2 km, Bình Dương 60 km và 7 km thuộc địa phận Bình Phước. Công trình được đầu tư 4 làn xe và các cầu trên tuyến cũng được xây dựng đồng bộ bề rộng mặt đường. Dự án sẽ làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng sử dụng ngân sách các địa phương Dự án đi qua. Vốn hỗ trợ từ Trung ương sẽ được Chính phủ xem xét một phần.

Trong hai phương án hướng tuyến qua địa phận TP.HCM, đơn vị tư vấn đề xuất Dự án bắt đầu từ nút giao Gò Dưa trên đường Vành đai 2 rồi đi dọc Tỉnh lộ 43 dài 800 m, sau đó rẽ phải theo đường ĐT.743B. Phương án này nếu thực hiện cần điều chỉnh quy hoạch đất tại TP. Thủ Đức, gồm 400 m xây mới và 500 m mở rộng đường Bình Chiểu từ 30 m lên 60 m.

Đoạn qua Bình Dương, cao tốc được đề xuất bắt đầu từ đoạn giáp ranh TP.HCM rồi đi trùng các đường ĐT.743B, ĐT.743A và ĐT.747B tới khu vực cầu Khánh Vân. Từ đây tuyến men theo Suối Cái và đường ĐH.409 đến Cổng Xanh, sau đó chạy song song đường ĐT.741 lên phía Bắc. Khi qua địa phận Bình Phước, Dự án cơ bản đi theo đường Hồ Chí Minh.

Cựu Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng bị khởi tố thêm ở 1 vụ án khác

Đến nay, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải nhận 2 quyết định khởi tố bị can cùng tội danh trong 2 vụ án.

Khu đất vàng của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa nay đã thành khu chung cư, dịch vụ thương mại

Khu đất vàng của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa nay đã thành khu chung cư, dịch vụ thương mại

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa để điều tra tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo (nơi đặt trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa).

Đến nay, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải nhận 2 quyết định khởi tố bị can cùng tội danh trong 2 vụ án. Trước đó, tối 8/6, cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, thực hiện bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Chiến Thắng về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra trong quá trình cho triển khai thực hiện 2 dự án trên núi Chín Khúc là Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung.

Vụ án sai phạm về quản lý đất đai tại Trường Chính trị tỉnh đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Khánh Hòa khởi tố vào cuối tháng 3.

Năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa ở ngoại thành Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng và được hoàn vốn bằng quỹ đất của Trường Chính trị cũ tại số 1 Trần Hưng Đạo rộng gần 7.400 m2, được ví như "đất vàng". Từ khu đất dành cho giáo dục chính trị, khu dất này đã thành khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư để bán. Việc làm này trái quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau đó, ông Đào Công Thiên đã giao đất cho chủ đầu tư làm dự án mà không qua đấu giá.

Doanh nghiệp vận tải than khó đầu tư camera giám sát

Từ ngày 1/7, khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container phải có camera giám sát lái xe và hành khách, song nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư thiết bị này.

Do Covid-19, xe liên tỉnh đi Nghệ An từ bến xe Nước Ngầm chỉ có một hành khách

Do Covid-19, xe liên tỉnh đi Nghệ An từ bến xe Nước Ngầm chỉ có một hành khách

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH X.E VN, cho hay đang không thể chi trả lương nhân viên, lãi vay ngân hàng nên chưa có tiền đầu tư thêm camera cho 100 xe khách, phần lớn là xe limousine. Hiện nay, Công ty mới có 5 xe được lắp camera thí điểm. Nếu lắp hết doanh nghiệp phải đầu tư 1 tỷ đồng cho thiết bị và gần 200 triệu đồng mỗi năm để duy trì hệ thống và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, lắp camera trên xe chưa thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp hay cơ quan quản lý. Bởi cơ quan chức năng xử lý qua camera dạng "hậu kiểm", khi các lỗi vi phạm đã xảy ra. Nếu lái xe cố tình vi phạm như chở quá số khách thì họ sẽ che camera, đơn vị quản lý khó phát hiện. Hiện nay trên xe đã có thiết bị giám sát hành trình ghi lại tốc độ xe và thời gian làm việc của người lái, đảm bảo giám sát an toàn giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền ước tính với khoảng 200.000 xe khách, xe container cần lắp thiết bị camera, doanh nghiệp phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Hiện phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính nên Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải áp dụng lắp camera đúng kỳ hạn đối với xe đang hoạt động, chiếm khoảng 10%. Còn những xe đang dừng chạy thì có thể lùi lại sau một năm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Quyền cho biết, có khoảng 10.000 xe lắp camera theo công nghệ cũ, không có tính năng truyền dữ liệu, sẽ phải bỏ đi ngay gây lãng phí. Cơ quan quản lý cần cho phép các đơn vị vận tải giữ lại thiết bị này thêm 3 năm rồi thay thế dần.

Chuyên đề