Bản tin thời sự sáng 10/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng loạt địa phương đề xuất quy hoạch sân bay không được chấp thuận; cách ly Bệnh viện Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng đến hết ngày 3/6; Quảng Ngãi xin làm sân bay ở đảo Lý Sơn; Đà Nẵng dừng vận tải khách đến Thừa Thiên Huế từ 0h ngày 9/5; đường sắt Bắc - Nam chỉ chạy 3 đôi tàu khách Thống nhất do Covid-19…

Hàng loạt địa phương đề xuất quy hoạch sân bay không được chấp thuận

Đề xuất quy hoạch sân bay của các địa phương Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh không được chấp thuận.

Máy bay xếp hàng cất cánh tại sân bay Nội Bài do sửa đường băng

Máy bay xếp hàng cất cánh tại sân bay Nội Bài do sửa đường băng

Trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 5, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030; đến năm 2050 bổ sung thêm sân bay Cao Bằng. Như vậy, đề xuất quy hoạch sân bay trước đó của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều chưa được chấp thuận.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), số lượng sân bay đã được xem xét kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo tờ trình thẩm định quy hoạch cảng hàng không đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị, đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương; 14 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Đến năm 2050, cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng.

Cách ly Bệnh viện Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng đến hết ngày 3/6

Bệnh viện Đa khoa Medlatec 42-44 phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình (Hà Nội) phải cách ly đến hết ngày 3/6, sau khi một điều dưỡng dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cách ly Bệnh viện đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng đến hết ngày 3/6

Cách ly Bệnh viện đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng đến hết ngày 3/6

Quyết định thiết lập vùng cách ly được Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đưa ra. Lực lượng công an lập chốt kiểm soát tại khu vực.

Bệnh viện đa khoa Melatec cơ sở Nghĩa Dũng thông báo dừng khám chữa bệnh do có "bệnh nhân 3092" và "bệnh nhân 3093" ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đến xét nghiệm.

Đến chiều 8/5, Sở Y tế Hà Nội thông báo một nữ điều dưỡng của bệnh viện là F1 của "bệnh nhân 3092", có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo điều tra dịch tễ, 46 trường hợp F1 tại Bệnh viện đã cách ly tập trung.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Đa khoa Medlatec lập danh sách theo dõi tất cả bệnh nhân đến khám và bệnh nhân điều trị nội trú từ ngày 3/5 đến 12 giờ ngày 7/5.

Medlatec là bệnh viện thứ 9 trên cả nước bị cách ly y tế vì liên quan ca mắc Covid-19 trong những ngày qua. Hà Nội có ca mắc nhiều nhất với 94 người, có 3 bệnh viện đang cách ly y tế là: Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Quân y 105.

Quảng Ngãi xin làm sân bay ở đảo Lý Sơn

Quảng Ngãi đề xuất xây sân bay chiều dài đường cất hạ cánh 2.400 m, phục vụ 3 - 3,5 triệu hành khách mỗi năm để phát triển đảo Lý Sơn.

Đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, hiện chỉ có thể đến bằng đường biển

Đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, hiện chỉ có thể đến bằng đường biển

Quảng Ngãi vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Tỉnh cần có giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển vị trí đắc địa có tiềm năng du lịch như huyện đảo Lý Sơn. Song, trở ngại lớn nhất của Tỉnh là hạ tầng giao thông. Hiện để đến được đảo chỉ đi được bằng đường biển nên bất tiện với du khách.

Do đó, Quảng Ngãi đề xuất xây cảng hàng không quốc tế cấp 4C ở xã An Hải, theo hình thức BOT. Sân bay đáp ứng các phi cơ A320, 321 và tương đương.

Đồng thời, tỉnh này kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cập nhật Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn vào quy hoạch tổng thể phát triển hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.

Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 5, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030; đến năm 2050 bổ sung thêm sân bay Cao Bằng. Một loạt đề xuất xây sân bay của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh... đều chưa được chấp thuận.

Đảo Lý Sơn diện tích khoảng 10 km2, là huyện đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Hòn đảo gắn với lịch sử của đội hùng binh Hoàng Sa, nơi cha ông theo lệnh vua giữ chủ quyền biển đảo đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng những năm gần đây với 200.000 lượt khách mỗi năm. Gần đảo hiện có sân bay Chu Lai, Quảng Nam (cách khoảng 45 km) và sân bay Phù Cát, Bình Định, cách Lý Sơn 160 km.

Đà Nẵng dừng vận tải khách đến Thừa Thiên Huế từ 0h ngày 9/5

Xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi và xe buýt từ Đà Nẵng đến Huế và ngược lại sẽ dừng hoạt động từ 0h ngày 9/5.

Đà Nẵng dừng vận tải khách đến Thừa Thiên Huế từ 0h ngày 9/5

Đà Nẵng dừng vận tải khách đến Thừa Thiên Huế từ 0h ngày 9/5

Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng không cấm người dân di chuyển bằng xe cá nhân qua lại giữa hai địa phương. Người di chuyển bằng xe máy không được trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân, phải đi đường đèo.

Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế ngăn cách bởi đèo Hải Vân. Người dân hai địa phương thường xuyên qua lại trao đổi hàng hóa, học tập và sinh sống. Theo Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, việc dừng hoạt động vận tải khách là giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trước đó, chiều 6/5, Thừa Thiên Huế đã lập chốt giám sát dịch tễ tại trạm trung chuyển hầm Hải Vân (huyện Phú Lộc) để kiểm soát người từ Đà Nẵng và các tỉnh phía nam.

Những người hoàn thành cách ly ở Đà Nẵng, nếu ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế có thể di chuyển bằng xe riêng về và thông báo trước cho cơ quan địa phương; tuyệt đối không được di chuyển bằng xe khách.

Đường sắt Bắc - Nam chỉ chạy 3 đôi tàu khách Thống nhất do Covid-19

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn tàu khách Thống nhất sau khi tạm dừng hàng loạt tàu do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn tàu khách Thống nhất sau khi tạm dừng hàng loạt tàu do ảnh hưởng dịch Covid-19

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn tàu khách Thống nhất sau khi tạm dừng hàng loạt tàu do ảnh hưởng dịch Covid-19

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tiếp tục dừng chạy các mác tàu khu đoạn còn lại trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Cụ thể, tuyến TP. Hồ Chí Minh - Phan Thiết, dừng tàu SPT2 ngày 9/5 và đôi tàu SPT1/SPT2 từ ngày 10/5 đến ngày 27/5/2021.

Tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, tạm dừng chạy đôi tàu SE21/SE22 từ ngày 10/5 đến ngày 26/5/2021.

Trước đó, công ty này dừng tàu tuyến TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang: Tạm dừng tàu SNT2 Sài Gòn - Nha Trang từ ngày 9/5 đến 26/5. Chiều ngược lại Nha Trang - Sài Gòn, tạm dừng tàu SNT1 từ ngày 10/5 đến ngày 27/5; Tạm dừng tàu SNT5 xuất phát các ngày 16, 23/5.

Còn ở khu vực phía Bắc, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội dừng chạy đôi tàu NA1/NA2 tuyến Hà Nội - Vinh từ ngày 6/5/2021.

Như vậy, hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn 3 đôi tàu Thống nhất chạy giữa Hà Nội - TP.HCM là SE3/SE4, SE5/SE6 và SE7/SE8.

Bốn cựu thanh tra giao thông Hà Nội bị cáo buộc bảo kê sắp ra toà

Bốn cựu thanh tra giao thông bị truy tố nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng, một chai rượu, để bỏ qua vi phạm cho xe tải có logo của nhóm môi giới.

Bốn cựu thanh tra giao thông Hà Nội bị cáo buộc bảo kê sắp ra toà ngày 11/5. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Bốn cựu thanh tra giao thông Hà Nội bị cáo buộc bảo kê sắp ra toà ngày 11/5. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Vụ án đưa và nhận hối lộ dự kiến được TAND Hà Nội xét xử 11 - 12/5.

Bốn nghi phạm bị VKS truy tố về tội Nhận hối lộ, theo Khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự, đều là cựu thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các quận huyện, gồm Lê Bá Dũng, Trần Sỹ Cương, Nguyễn Quốc Cương và Hoàng Văn Lân.

Ba người còn lại bị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo Khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự gồm: Nguyễn Ánh Hào, Phạm Văn Vinh và Lê Văn Cường, cựu cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6 thuộc Cục Quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Cáo trạng xác định, giữa năm 2016, Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh, cùng Cường, Hào bàn nhau tìm kiếm, mời các chủ ôtô tải thường chở hàng quá tải trọng đóng tiền bảo kê để không bị kiểm tra, được bỏ qua lỗi vi phạm, hoặc xử phạt nhẹ.

Các xe sẽ dán logo của Tuấn Vinh và hằng tháng, Vinh sẽ dùng tiền đi quan hệ với các cán bộ giao thông vận tải. Từ tháng 6/2016 - 10/2018, nhóm bị can đã thu hơn 6,2 tỷ đồng của các tài xế xe tải để đưa hối lộ và hưởng lợi riêng.

VKS xác định, Hào hưởng lợi 250 triệu đồng, Cường 180 triệu đồng và Vinh 140 triệu đồng.

Bốn cựu thanh tra giao thông nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng, trong đó Dũng 96 triệu đồng; Quốc Cương 63 triệu đồng; Sỹ Cương 136 triệu đồng; còn Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu đồng cùng một chai rượu.

Công an Đồng Nai bắt thêm 3 lãnh đạo công ty bất động sản vẽ dự án “ma”

Sau khi bắt giam giám đốc công ty bất động sản lừa bán dự án “ma” ở Đồng Nai, công an tiếp tục bắt thêm 3 lãnh đạo khác để điều tra.

Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản nhà đất Đồng Nai bị bắt hồi tháng 8/2020

Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản nhà đất Đồng Nai bị bắt hồi tháng 8/2020

Theo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Cơ quan CSĐT vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 lãnh đạo Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai (trụ sở tại TP Biên Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3 bị can bị bắt gồm: Hà Huy Huyền (Giám đốc điều hành), Phạm Thành Lộc (Phó giám đốc tổng hợp), Lê Hữu Trung (Giám đốc truyền thông).

Trước đó, vào tháng 8/2020, cơ quan công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đỗ Sơn Tùng (quê Hà Nam), là Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai (Dona house Land) để điều tra cùng hành vi trên.

Theo điều tra, Đỗ Sơn Tùng đã thành lập ra Công ty Dona house Land, sau đó công ty này tự “vẽ” dự án dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép rồi bán cho khách hàng với các tên gọi như Happy Town 2, Happy Town 3, Green Town và Nice Town.

Các dự án “ma” do công ty này rao bán cho khách hàng tập trung ở khu vực huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đến nay đã có khoảng 600 khách hàng mua đất với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Chuyên đề