Bản tin thời sự sáng 10/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vịnh Hạ Long là một trong 25 điểm đến đẹp nhất 2023; hơn 58.000 doanh nghiệp TP.HCM nợ bảo hiểm xã hội; Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý 9 công trình không phép ở Cảng Hà Nội; Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ôtô lắp ráp trong nước…

Vịnh Hạ Long là một trong 25 điểm đến đẹp nhất 2023

Vịnh Hạ Long của Việt Nam đứng thứ 5 trong 25 điểm đến đẹp nhất hành tinh năm 2023 của CNN.

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao.

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao.

Vịnh Hạ Long, điểm đến ở tỉnh Quảng Ninh được miêu tả trong danh sách công bố ngày 8/3 là "một trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á", "mê hoặc du khách với gần 2.000 đảo đá vôi có hình thù khác nhau". Tham quan các làng nổi trên vịnh, chèo thuyền kayak trên mặt nước màu xanh ngọc bích, khám phá hang động là những trải nghiệm được gợi ý khi ghé thăm nơi này.

Vịnh Hạ Long nằm ở phía đông bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165 km, có diện tích hơn 1.550 km2, với 980 đảo đã được đặt tên. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Vịnh là nơi tập trung nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp, nổi tiếng.

Danh sách 25 điểm đến được bình chọn theo ý kiến cá nhân của các chuyên gia du lịch trên CNN. Các chuyên gia nhận định, thế giới là một nơi ngoạn mục, mọi ngóc ngách đều có các vẻ đẹp tiềm ẩn hoặc lộ rõ.

Hơn 58.000 doanh nghiệp TP.HCM nợ bảo hiểm xã hội

TP.HCM ghi nhận tổng số tiền nợ do doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội đã vượt 4.500 tỷ đồng với thời gian nợ, chậm đóng dao động từ 1 tháng đến hơn 12 tháng.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM nợ BHXH hàng tỷ đồng. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM nợ BHXH hàng tỷ đồng. Ảnh minh họa

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM vừa có văn bản cung cấp thông tin về tình hình nợ BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, Thành phố ghi nhận 58.092 doanh nghiệp nợ BHXH từ tháng 1 trở lên với tổng số tiền nợ hơn 4.537 tỷ đồng.

Trong đó, có hơn 41.000 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng với tổng số tiền nợ là 1.966 tỷ đồng. Khoảng 6.700 đơn vị nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng với tổng số tiền nợ gần 424 tỷ đồng.

Thành phố còn ghi nhận gần 3.550 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với tổng số tiền nợ trên 335 tỷ đồng và hơn 6.600 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 1.812 tỷ đồng.

Theo cơ quan BHXH TP.HCM, việc doanh nghiệp nợ BHXH ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia BHXH khi người lao động nghỉ việc, tức người lao động chỉ được xác nhận đến thời điểm đơn vị nộp đủ tiền.

Đồng thời, người lao động không được giải quyết kịp thời các chế độ BHXH như hưu trí, đau ốm, thai sản...

Trước đó, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cũng ghi nhận đến hết tháng 1 có gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tổng số tiền nợ do chậm đóng các loại bảo hiểm vượt 1.500 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý 9 công trình không phép ở Cảng Hà Nội

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm 9 công trình không phép với diện tích xây dựng 7.621 m2 ở cảng Hà Nội và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cảng Hà Nội

Cảng Hà Nội

Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, trên thực tế và bản án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng công ty Vận tải thủy và Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng thì Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng đã xây dựng 9 công trình không phép với diện tích xây dựng 7.621 m2.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị, UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc chậm có ý kiến phương án xử lý 3 lô đất khi cổ phần hóa VIVASO; không phát hiện, kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng trái phép, không phép trên khu đất tại cảng Hà Nội thuộc Tổng công ty Vận tải thủy.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm các vi phạm về xây dựng không phép nêu trên.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cho rằng, trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp VIVASO xác nhận, đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký biên bản đối chiếu. Điều này vi phạm quy định của Bộ Tài chính.

Cảng Hà Nội không theo dõi khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng trên sổ sách kế toán với số tiền gần 16,4 tỷ đồng, vi phạm Luật Kế toán...

Hàng loạt vi phạm, khuyết điểm đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện. Cơ quan thanh tra đã kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan này về nội dung cổ phần hóa đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì - Phú Thọ, cảng Ninh Phúc - Ninh Bình) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỷ đồng và việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền gần 16,4 tỷ đồng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ôtô lắp ráp trong nước

Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu ưu đãi phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô lắp ráp trong nước.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ôtô lắp ráp trong nước

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ôtô lắp ráp trong nước

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Các chính sách này cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.

Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh thị trường xe trong nước ảm đạm, doanh số sụt giảm. Chẳng hạn, Hyundai Thành Công dự tính toàn ngành giảm 17,5% (tương đương mất hơn 85.000 xe) so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay, các đại lý tung nhiều ưu đãi nhưng nhu cầu mua sắm xe con của người dân vẫn đi xuống khi lãi suất tăng, thu nhập sụt giảm.

Mới đây, các hiệp hội, địa phương đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe CKD để kích cầu. Hai chính sách hỗ trợ này được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ôtô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho biết, tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội.

107 công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cùng các đơn vị có liên quan về việc tăng cường xử lý các công trình xây dựng không phép trên hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch ở địa bàn Thành phố.

107 công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch ở TP.HCM

107 công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch ở TP.HCM

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM), hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, huyện Bình Chánh với 30 trường hợp, kế đến là huyện Nhà Bè (25 trường hợp), TP. Thủ Đức (18 trường hợp), Quận 7 (7 trường hợp), huyện Củ Chi (7 trường hợp), huyện Cần Giờ (5 trường hợp), huyện Hóc Môn (4 trường hợp) và quận Bình Thạnh (3 trường hợp).

Sở GTVT TP.HCM đề nghị, chính quyền các địa phương kể trên chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý.

Song song đó, các địa phương chỉ đạo phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ hoặc buộc tháo dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm.

Sở GTVT cũng đề nghị, Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng phối hợp UBND các địa phương kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm

Thiếu vật tư y tế, bệnh viện huyết học hoãn tiếp nhận hiến máu toàn ĐBSCL

Do không đủ số lượng túi máu, hóa chất, vật tư y tế nên Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ tạm hoãn tiếp nhận hiến máu trong tháng 3/2023.

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ không đủ vật tư y tế để tiếp nhận và sàng lọc máu

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ không đủ vật tư y tế để tiếp nhận và sàng lọc máu

Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt vừa ký ban hành văn bản về việc hoãn tiếp nhận tổ chức hiến máu tình nguyện.

Theo đó, hiện nay Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ (thuộc Sở Y tế TP. Cần Thơ) đã nhận lịch đăng ký hiến máu của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 3/2023.

Tuy nhiên, thời điểm này, công tác đấu thầu năm 2023 - 2024 mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện đang chờ kết quả đấu thầu, nên số lượng túi máu, hóa chất, vật tư y tế không đủ để tiếp nhận và sàng lọc máu.

Do đó, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ thông báo đến Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố tạm hoãn tiếp nhận hiến máu trong tháng 3/2023 cho đến khi nào có thông báo mới.

Đề xuất thêm một tầng trợ cấp với người không có lương hưu

Lao động đủ tuổi nghỉ hưu đến dưới 80, đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu có thể được nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng.

Người Hà Nội thể dục ven hồ Tây

Người Hà Nội thể dục ven hồ Tây

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dành một chương về trợ cấp hưu trí xã hội nhằm tạo hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, bao phủ đến nhóm hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.

Điều kiện hưởng loại trợ cấp này là người từ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi năm 2035), đóng BHXH dưới 15 năm mà không có lương hưu.

Theo dự thảo, người từ 60 đến dưới 80 tuổi, chưa đóng đủ 15 năm BHXH, nếu có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng. Nhóm này được cấp bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí... Mức trợ cấp được Chính phủ điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách. Mức hưởng cho nhóm này tùy vào thời gian tham gia và tiền lương tháng đóng BHXH.

Người từ 80 tuổi trở lên, không đóng BHXH và không có lương hưu, ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội 500.000 đồng mỗi tháng. Tuổi hưởng trợ cấp có thể thấp hơn, mức hưởng cao hơn và được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tùy vào ngân sách.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu mức trợ cấp cho người trên 80 tuổi nâng từ 360.000 đồng mỗi tháng như hiện nay lên 500.000 đồng thì mỗi năm kinh phí nhà nước chi thêm 2.200 tỷ đồng. Khoản này chưa bao gồm tiền mua thẻ BHYT, gia tăng người thụ hưởng, điều chỉnh mức hưởng hàng năm.

Chuyên đề