Bản tin thời sự sáng 10/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam; TP.HCM kiến nghị hỗ trợ hơn 500 quân y; giá xăng ngày 10/12 có thể giảm tới 1.700 đồng một lít; Thừa Thiên Huế tổ chức phố đi bộ quanh Đại nội Huế; gia cố kè hồ di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị…

Nhiều nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam

Nhật, Mỹ, Anh, Australia và Belarus đã công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam, một số nước đang xem xét tích cực, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Nhật, Mỹ, Anh, Australia và Belarus đã công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhật, Mỹ, Anh, Australia và Belarus đã công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam. Ảnh minh họa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, tính đến đầu tháng 12, một số đối tác, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia và Belarus đã công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine.

Bà Hằng cho biết, Việt Nam đang trao đổi với hơn 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine, trong đó Ấn Độ và Canada đã nhất trí về mặt nguyên tắc.

Một số đối tác khác, trong đó có các nước ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, đều xem xét tích cực đề nghị công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Các đối tác này đang chờ Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.

Bà Hằng cho biết, tính đến ngày 8/12, Việt Nam đang tạm công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được giới thiệu đến Bộ Ngoại giao.

Đây là cơ sở để người mang giấy tờ được trực tiếp sử dụng ở Việt Nam và giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh.

Nhiều quốc gia đã áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.

TP.HCM kiến nghị hỗ trợ hơn 500 quân y

Chính quyền TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ 537 quân y để tăng cường cho 179 trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Tổ quân y cơ động ở Phường 11, quận Bình Thạnh tiến hành lấy mẫu, hướng dẫn test nhanh cho người dân

Tổ quân y cơ động ở Phường 11, quận Bình Thạnh tiến hành lấy mẫu, hướng dẫn test nhanh cho người dân

Thông tin này được đề cập trong công văn do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình gửi Bộ Quốc phòng, nhằm chăm sóc, điều trị số F0 đang cách ly tại nhà khá cao ở Thành phố.

Theo Giám đốc Sở Y tế Thành phố Tăng Chí Thượng, từ 1/10, khi Thành phố bỏ giãn cách xã hội, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong giảm khá rõ so với giai đoạn bùng phát trước đó. Tuy nhiên, từ 20/10 tới nay những con số này có dấu hiệu tăng dần.

Hiện Thành phố quản lý và chăm sóc hơn 85.000 F0. Trong đó, 66.500 F0 đang điều trị tại nhà, gần 5.300 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84%; tại tầng 2, số F0 đang điều trị là gần 11.700, chiếm 13%; tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 trường hợp, chiếm 2%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn. Số ca mắc tăng dần trong 3 tuần vừa qua.

Trước đó, chính quyền Thành phố đã đề xuất Bộ Quốc phòng cho duy trì 85 trạm y tế lưu động với 153 nhân viên đến cuối năm nay do số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng ở một số quận, huyện.

Trong cao điểm đợt dịch thứ 4, quân đội đã huy động 34.000 quân nhân, hơn 98.000 dân quân tự vệ cùng 2.000 y bác sĩ và học viên quân y, chia làm 5 mũi đồng hành với TP.HCM chống dịch từ 23/8.

Trong đó, quân y đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 6 bệnh viện và cơ sở dã chiến. Lực lượng này cũng triển khai 530 tổ quân y cơ động với 1.590 người làm nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, cấp cứu, chuyển viện cho F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.

Giá xăng ngày 10/12 có thể giảm tới 1.700 đồng một lít

Theo các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng ngày 10/12 có thể giảm tới 1.700 đồng một lít do giá xăng dầu thế giới điều chỉnh mạnh.

Giá xăng ngày 10/12 có thể giảm mạnh

Giá xăng ngày 10/12 có thể giảm mạnh

Dữ liệu của Bộ Công Thương 15 ngày qua chỉ cập nhật duy nhất giá đầu vào ngày 6/12 với RON 92 ở mức 80,06 USD một thùng, còn RON95 ở mức 82,57 USD một thùng. Mức giá này có xu hướng giảm mạnh so với thời điểm trước đó.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết, 15 ngày qua có thời điểm giá xăng giảm xuống dưới 80 USD một thùng. Do đó, kỳ điều hành này, giá bán lẻ trong nước có thể giảm mạnh.

Theo tính toán, nếu không trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm quanh mốc 1.400 - 1.700 đồng một lít, còn dầu giảm 700 - 900 đồng. Trường hợp nhà điều hành trích Quỹ bình ổn với xăng theo tỷ lệ 50/50, giá xăng sẽ giảm 700 - 900 đồng một lít.

Đồng quan điểm, giám đốc công ty đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, giá xăng và dầu 2 ngày qua có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, theo tính toán, bình quân 15 ngày qua mức giảm lớn nên nhà điều hành có thể cân nhắc trích Quỹ để mức giảm không quá cao.

Thừa Thiên Huế tổ chức phố đi bộ quanh Đại nội Huế

Bốn tuyến đường quanh Đại nội Huế gồm 23 tháng 8, Đặng Thái Thân, Lê Huân và Đoàn Thị Điểm sẽ trở thành tuyến phố đi bộ từ đầu năm 2022.

Mô hình gian hàng ở phố đêm Hoàng thành Huế

Mô hình gian hàng ở phố đêm Hoàng thành Huế

Phố đi bộ sẽ hoạt động từ ngày 1/1/2022, khung giờ 19 - 23h thứ Sáu, thứ Bảy. Trước mắt, Thành phố tổ chức phố đi bộ từ cửa Thể Nhơn đến đường 23 tháng 8 và tuyến đường Lê Huân từ pháo đài Nam Thắng đến đường Yết Kiêu.

Theo kế hoạch, phố đi bộ sẽ có 28 quầy hàng và 4 khu vực diễn ra các hoạt động văn hóa, trải nghiệm tại công viên đường Lê Huân. Các quầy hàng sẽ trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống Huế như đèn lồng, dệt, hoa giấy Thanh Tiên, nghệ thuật trúc chỉ, các sản phẩm từ sen, tranh làng Sình, pháp lam. Các quầy hàng ẩm thực như chè Huế, trà và bánh truyền thống.

Khu vực trình diễn sẽ do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đảm nhận với các hoạt động quảng diễn đường phố trên tuyến đường 23 tháng 8 và Lê Huân; không gian cửa Chương Đức; không gian Tây Khuyết Đài và trải nghiệm các trò chơi tại công viên đường Lê Huân.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế dự kiến tổ chức lễ đổi gác từ cổng Ngọ Môn đến cửa Chương Đức, múa mặt nạ tuồng ở cửa Chương Đức, biểu diễn ca Huế, trình diễn áo dài ngũ thân ở Tây Khuyết Đài. Các trò chơi cung đình như đầu hồ, thư pháp, bài vụ, xăm hường sẽ được diễn ra tại công viên Lê Huân.

Chủ tịch Thành phố Huế Võ Lê Nhật khẳng định, phố đi bộ quanh Đại nội Huế sẽ mang đặc trưng văn hóa, điểm nhấn là nghệ thuật cung đình Huế. Du khách và người dân được tìm hiểu văn hóa Huế thông qua hoạt động mô phỏng lễ hội triều Nguyễn, nghệ thuật dân gian, lễ hội đường phố…

Gia cố kè hồ di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị

126 m kè bờ hồ di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị được gia cố thí điểm, trước khi mở rộng toàn bộ kè quanh di tích.

Nhà thầu đổ bê tông cốt thép gia cố chân móng bờ kè bao quanh Thành cổ Quảng Trị

Nhà thầu đổ bê tông cốt thép gia cố chân móng bờ kè bao quanh Thành cổ Quảng Trị

Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị Nguyễn Quang Chức cho biết, đoạn thí điểm dự kiến được thi công trong 45 ngày.

Bờ kè cũ được giữ nguyên, ốp thêm đá hộc ở bên ngoài theo phương xiên dần xuống dưới, chân móng đổ bê tông ra mép ngoài. Ở khu vực thi công, nhà thầu dùng bao cát chất thành con đập ngăn 2 đầu để hút nước, trong khi đoạn hồ còn lại vẫn còn nước để giữ cảnh quan, nuôi cá.

Sau khi hoàn thành đoạn thí điểm, nhà chức trách sẽ kiểm định chất lượng, mỹ thuật, hiệu quả... trước khi gia cố thêm 3.140 m kè còn lại. Riêng 2 đoạn kè giáp với đường Phan Đình Phùng và Minh Mạng không thi công do còn chắc chắn. Tổng mức đầu tư của công trình là 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Bờ kè cũ xây dựng cách đây 15 năm bằng đá hộc, theo phương thẳng đứng, rộng 60 cm. Những năm 2017 - 2020, nhiều đoạn kè bị sạt lở, đổ sập do mưa bão...

Thành cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách Quốc lộ 1A khoảng 2 km về phía đông, cách bờ sông Thạch Hãn 200 m về phía nam. Thành được xây dựng vào đầu đời vua Gia Long, năm 1809 được đắp bằng đất, năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Bao quanh bên ngoài thành là hào nước.

Mùa hè năm 1972, tại đây diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm. Thành cổ Quảng Trị được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1986; đầu năm 2015 được nâng lên thành di tích quốc gia đặc biệt.

TP.HCM duyệt dự án 4.800 tỷ đồng giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt báo cáo xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa là một trong những dự án quan trọng được kỳ vọng nhất nhằm giảm tải giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa là một trong những dự án quan trọng được kỳ vọng nhất nhằm giảm tải giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Dự án bao gồm phần đường, phần cầu (trước Nhà ga T3), hầm chui, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.

Theo phương án thiết kế, chiều dài toàn tuyến hơn 4 km, điểm đầu tại nút giao đường Trần Quốc Hoàn - đường Phan Thúc Duyện và điểm cuối tại đoạn giao đường C12 - đường Cộng Hòa - đường Trường Chinh. Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024.

Đoạn trước nhà ga T3 sẽ xây dựng cầu cạn với chiều dài gần 1 km có 4 làn xe. Dọc tuyến có 2 hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Tới tổng mức đầu tư của công trình hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng.

Đây là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2023 nhằm phục vụ cho việc kết nối giao thông của Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các khu vực lân cận.

Chuyên đề