Bản tin thời sự sáng 10/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Robot đào hầm Metro Nhổn - ga Hà Nội về đến Việt Nam; hơn 31.000 tỷ đồng khép kín Vành đai 3 TP.HCM; đề xuất Phù Cát là sân bay quốc tế; Hà Nội rà soát, xử lý vi phạm trang trại nghỉ dưỡng - Farmstay…

Robot đào hầm Metro Nhổn - ga Hà Nội về đến Việt Nam

Các bộ phận của robot đào hầm (TBM) cập cảng Hải Phòng, dự kiến hoàn thành lắp đặt để bắt đầu thi công đào ngầm vào giữa tháng 1/2021.

Robot đào hầm giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7-17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành

Robot đào hầm giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7-17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành

Ngày 9/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, cuối tháng 10 những bộ phận đầu tiên của máy TBM tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã cập cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng).

Sau khoảng năm ngày hoàn thành thủ tục tại cảng, các bộ phận của máy TBM sẽ được vận chuyển theo đường bộ, vượt qua quãng đường 193 km để tới ga ngầm S9 - Kim Mã. Dự kiến việc vận chuyển và lắp đặt toàn bộ máy sẽ kéo dài khoảng hai tháng.

Để có thể đưa máy xuống lòng đất ở ga ngầm S9 - Kim Mã, MRB và các nhà thầu dùng cần cẩu nặng 500 tấn đưa dần từng bộ phận xuống tầng đáy của ga để lắp ráp.

Sau khi lắp ráp xong, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - Ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4 km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.

Máy đào hầm metro đầu tiên của thành phố Hà Nội do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55 m. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm.

Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông vận tải. Đoạn đi ngầm khoảng 4 km sẽ khai thác vào cuối năm 2022

Hơn 31.000 tỷ đồng khép kín Vành đai 3 TP.HCM

Ba đoạn dài 65 km thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM tổng vốn hơn 31.000 tỷ đồng được đề xuất ưu tiên đầu tư khép kín trong giai đoạn 2021 - 2025.

Sơ đồ quy hoạch Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ quy hoạch Vành đai 3 TP.HCM

Ngày 9/11, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) cho biết đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần chưa khép kín của tuyến Vành đai 3 TP.HCM.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 90 km, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km hoàn thành và đưa vào khai thác.

Ở 3 đoạn còn lại, riêng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần: 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dài 8,7 km) và 1B (từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao trạm 2 xa lộ Hà Nội, dài gần 9 km), đã xác định được nguồn vốn đầu tư tổng chi phí gần 9.300 tỷ đồng. Các đoạn còn lại dài 65 km được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, chia ra nhiều dự án thành phần.

Trước đó, hôm 27/10, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3, Tổng công ty Cửu Long đề xuất gộp các dự thành phần 2 (gồm 2A, 2B), đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức, thành một dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 3 TP.HCM, để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua.

Bình Định: Đề xuất Phù Cát là sân bay quốc tế

UBND tỉnh Bình Định kiến nghị sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế để đón khách đến các điểm du lịch.

UBND tỉnh Bình Định kiến nghị sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế

UBND tỉnh Bình Định kiến nghị sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế

Tỉnh Bình Định đã đưa ra kiến nghị trên khi đóng góp ý kiến cho dự thảo quy hoạch cảng hàng không, sân bay đến năm 2030.

Sân bay Phù Cát hiện đón khách nội địa, có 7 vị trí đỗ máy bay, nhà ga có thể phục vụ 600 hành khách mỗi giờ cao điểm, đáp ứng khai thác 1,5 triệu hành khách mỗi năm.

Theo UBND tỉnh Bình Định, sân bay Phù Cát đã được nâng cấp sân đỗ, nhà ga nội địa, thông tin, tín hiệu phục vụ bay, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách nội địa và quốc tế.

Năm 2020, Tỉnh đã đầu tư xây dựng các dự án Quốc lộ 19, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1; đường nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội và đang triển khai đầu tư xây dựng dự án đường ven biển, theo quy hoạch hệ thống đường ven biển của quốc gia.

Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đã xây dựng kế hoạch và tổ chức khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ đến sân bay Phù Cát đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Dự kiến, các hãng mở chuyến bay quốc tế phục vụ khách du lịch từ Quy Nhơn đi các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ngược lại.

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo quy hoạch cảng hàng không, sân bay đến năm 2030. Một số tỉnh thành đề xuất xây sân bay mới như Cao Bằng, Hà Tĩnh, Hà Nội.

Hà Nội rà soát, xử lý vi phạm trang trại nghỉ dưỡng - Farmstay

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản về kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (Farmstay).

Rà soát, xử lý vi phạm trang trại nghỉ dưỡng - Farmstay ở Hà Nội

Rà soát, xử lý vi phạm trang trại nghỉ dưỡng - Farmstay ở Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã…

UBND Thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đối với mô hình kinh doanh trên; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng đến chính quyền cơ sở và người dân để tránh xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất để thực hiện mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng.

Được biết, đây là chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội sau khi nhận được văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng.

TP.HCM công khai 108 dự án 'treo' bị hủy bỏ, điều chỉnh

108 dự án tổng diện tích hơn 473 ha bị hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các quận, huyện do không triển khai theo phương án được duyệt.

Một phần khu đất 158 ha thuộc dự án Khu nhà ở của Công ty CP Sài Gòn Gôn tại phường Long Trường, Quận 9

Một phần khu đất 158 ha thuộc dự án Khu nhà ở của Công ty CP Sài Gòn Gôn tại phường Long Trường, Quận 9

Nội dung này được đề cập trong văn bản khẩn của UBND TP.HCM vừa gửi các sở Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng và các quận huyện. Đây là những dự án không thuộc trường hợp có Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 - 2018.

Trong đó, một số dự án có diện tích lớn như: khu nhà ở của Công ty CP Sài Gòn Gôn tại phường Long Trường (158 ha, Quận 9). Dự án này được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 nhưng đã 3 năm chưa thực hiện, chủ đầu tư không đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2019.

Khu phức hợp Đầm Sen do Công ty CP Quốc tế C&T làm chủ đầu tư, rộng 5,46 ha ở Phường 3, Quận 11 được duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015.

Cụm dự án liên quan khu đại học rộng hơn 240 ha tại các xã An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long (huyện Bình Chánh) được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016, điều chỉnh, hủy bỏ các dự án riêng lẻ để gộp chung và đấu thầu chọn nhà đầu tư làm hạ tầng đồng bộ cho toàn khu vực.

Ngoài ra, còn có một số dự án khác ở khu trung tâm thành phố như: 235B Nguyễn Văn Cừ (do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật - Bộ Công an làm chủ đầu tư); 93 Lê Thánh Tôn (Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà thành phố); Dự án cao ốc văn phòng cho thuê phục vụ ngoại giao đoàn và các tổ chức kinh tế (Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài) ở Quận 1.

Đà Nẵng: Kẻ cầm đầu đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng bị truy nã

Bùi Mạnh Trí bị Cơ quan Cảnh sát điều tra truy nã đặc biệt với cáo buộc cầm đầu đường dây cá độ bóng đá qua mạng, tổng tiền giao dịch hơn 10.000 tỷ đồng.

Nghi phạm Bùi Mạnh Trí đang bị truy nã

Nghi phạm Bùi Mạnh Trí đang bị truy nã

Bùi Mạnh Trí, bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc, theo điều 322 Bộ luật Hình sự. Trước khi bỏ trốn, Trí trú tại nhà 21 đường Phần Lăng 17, phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Đường dây của Trí bị Công an Đà Nẵng triệt phá ngày 13/10. Đây là vụ án đánh bạc qua mạng với số tiền giao dịch lớn nhất từ trước đến nay được triệt phá ở Đà Nẵng.

Theo cáo buộc, Trí liên hệ với "nhà cái" nước ngoài để nhận các tài khoản cá cược trị giá hàng triệu USD. Nghi phạm sau đó chia các tài khoản cho "đại lý" cấp dưới.

Giúp sức đắc lực cho Trí là Lê Hà Việt Hưng (trú phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) với việc quản lý, xử lý vấn đề kỹ thuật và phân phối các tài khoản cho con bạc. Bùi Văn Nhẫn (trú phường Hoà Khê, quận Thanh Khê) hỗ trợ Trí, Hưng đi thu, chung tiền thắng thua và đòi nợ. Hưng và Nhẫn đã bị bắt.

Chuyên đề