Bản tin thời sự sáng 10/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu; đối tác Apple rót thêm hơn 330 triệu USD vào Bắc Giang; tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau về đích cuối tháng 11; cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay; phấn đấu đến năm 2030 có 50% nhà dân ở TP.HCM dùng điện mặt trời mái nhà…

Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước ngày 9/11 không ghi nhận việc phát hành tín phiếu mới, đồng nghĩa việc ngừng hút tiền, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 9.

Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu

Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước cập nhật chiều 9/11. Ngày 8/11, cơ quan quản lý vẫn hút về 5.000 tỷ đồng qua kênh này, với ba thành viên trúng thầu, lãi suất 1%.

Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền qua kênh tín phiếu từ cuối tháng 9 đến nay, với quy mô tính tới phiên 8/11 là hơn 360.000 tỷ đồng. Sau những phiên đầu hút ròng ở mức 10.000 - 20.000 tỷ đồng, từ cuối tháng 10, khối lượng bắt đầu giảm bớt. Từ đầu tháng 11 đến nay, quy mô phát hành tín phiếu mỗi phiên giảm về dưới 10.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng có đợt hút tiền qua kênh tín phiếu với tổng quy mô gần 400.000 tỷ đồng trong một tháng.

Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng cho vay lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.

Theo các chuyên gia, việc hút tiền qua tín phiếu sẽ khiến một lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại vào Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà chỉ gián tiếp tác động lên tỷ giá.

Nếu Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện chào thầu tín phiếu, nhà điều hành sẽ tái kiểm soát lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định (không để giảm sâu), từ đó tác động tới chênh lệch lãi suất VND - USD, gián tiếp ảnh hưởng lên tỷ giá. Việc này có thể giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lãi suất, còn được gọi là "carry trade" khi chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao 4 - 5 điểm %.

Việc Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu có phần trái ngược với dự báo của giới phân tích.

Đối tác Apple rót thêm hơn 330 triệu USD vào Bắc Giang

Đối tác lắp ráp của Apple - Luxshare ICT - vừa đăng ký tăng vốn đầu tư lên 504 triệu USD tại Bắc Giang, tăng thêm 330 triệu USD so với trước đây.

Đối tác lắp ráp của Apple - Luxshare ICT - vừa đăng ký tăng vốn đầu tư lên 504 triệu USD tại Bắc Giang. Ảnh minh họa

Đối tác lắp ráp của Apple - Luxshare ICT - vừa đăng ký tăng vốn đầu tư lên 504 triệu USD tại Bắc Giang. Ảnh minh họa

Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ 10 Dự án thành lập Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam.

Tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh là 504 triệu USD, tăng thêm 330 triệu USD, tương đương hơn 7.850 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện vốn đầu tư 12 - 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Dự án này nằm tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên với quy mô gần 30 ha. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại Bắc Giang và các địa phương lân cận.

Đây là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Luxshare ICT (Trung Quốc), chuyên lắp ráp các sản phẩm cho Apple và một số hãng công nghệ khác. Công ty đầu tư vào Bắc Giang từ năm 2019. Bên cạnh cơ sở ở Khu công nghiệp Quang Châu, Luxshare ICT cũng có nhà máy tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên.

Với số vốn vừa đăng ký tăng thêm, Luxshare ICT Việt Nam là doanh nghiệp FDI có vốn điều chỉnh tăng lớn thứ hai tại thủ phủ công nghiệp Bắc Giang từ đầu năm nay. Đứng đầu là Công ty TNHH JA Solar Việt Nam với mức tăng 378 triệu USD.

Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau về đích cuối tháng 11

Sau hai lần gia hạn, tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau, kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng, đạt khoảng 99% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối tháng này.

Cầu Gành Hào nằm trên tuyến đã hoàn thành

Cầu Gành Hào nằm trên tuyến đã hoàn thành

Ngày 9/11, hơn 100 m mặt bằng đoạn cuối tuyến đã được bàn giao cho đơn vị thi công sau nhiều tháng vướng. Hàng chục nhân công cùng nhiều máy móc đang tất bật làm việc đảm bảo tiến độ.

Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7, hiện cơ bản xong các hạng mục trên tuyến, hệ thống an toàn giao thông đã lắp xong, đang căn chỉnh, sơn, kẻ chữ, dự kiến hoàn thành trước 25/11. Riêng đoạn 150 m nút giao cuối tuyến hiện địa phương mới giao mặt bằng, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 (thuộc Ban Quản lý dự án 7), Ban đang hoàn thiện thủ tục để bàn giao đưa Dự án vào sử dụng trước 31/11.

Đường tránh dài 14,3 km, rộng 12 m, vận tốc 80 km/h. Tuyến có điểm đầu tại Phường 6, TP. Cà Mau; điểm cuối tại xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước; tổng kinh phí đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 1.200 tỷ đồng.

Dự án khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Sau đó khó khăn về tài chính, mặt bằng, vật liệu, thời tiết, tuyến được điều chỉnh thời gian về đích đến hết quý III năm nay, song không thể thực hiện do vướng mặt bằng.

Cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay

Bộ Tài chính cấm các nhà băng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày nhằm hạn chế tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay.

Một hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư được bán qua kênh ngân hàng

Một hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư được bán qua kênh ngân hàng

Nội dung này được đề cập trong Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm cải thiện quy trình tư vấn bảo hiểm của đại lý cá nhân và tổ chức.

Theo đó, Thông tư mới quy định, nhà băng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Việc cấm này áp dụng với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp... không được Bộ Tài chính đề cập tại Thông tư này.

Bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị có điểm chung là kết hợp yếu tố bảo hiểm và đầu tư. Dòng bảo hiểm liên kết chung có cam kết lãi nhưng ở mức rất thấp, do chủ yếu dòng tiền được phân bổ vào các sản phẩm tài chính an toàn như tiền gửi hay trái phiếu chính phủ. Còn bảo hiểm liên kết đơn vị là loại phổ biến trong vài năm gần đây, có tỷ suất sinh lời cao hơn đồng thời cũng có rủi ro, không cam kết lãi suất do dòng tiền phân bổ vào các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu...

Quy định mới được Bộ Tài chính đưa ra sau hàng loạt phản ánh của người dân cho biết bị ép mua kèm bảo hiểm nhân thọ khi đi vay suốt thời gian qua. Nhiều người vay phải chấp nhận mua kèm bảo hiểm nhân thọ như một "luật ngầm" dù Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều có các văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng.

Ngoài quy định về hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), Bộ Tài chính cũng đưa thêm nhiều ràng buộc với đại lý tư vấn bảo hiểm nói chung.

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% nhà dân ở TP.HCM dùng điện mặt trời mái nhà

So với công suất cực đại lưới điện TP.HCM, điện mặt trời mái nhà hiện chiếm 7,82%. Sở Công Thương tính tham mưu UBND TP.HCM phấn đấu đến 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân dùng điện mặt trời mái nhà.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 có 50% nhà dân ở dùng điện mặt trời mái nhà

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 có 50% nhà dân ở dùng điện mặt trời mái nhà

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều ngày 9/11, ông Nguyễn Phương Duy - Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP.HCM, đã trình bày tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Thành phố và định hướng phát triển sắp tới.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, từ khi Thủ tướng có chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời, ngày càng có nhiều người dân doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

Chia sẻ về định hướng phát triển, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Thành phố luôn ưu tiên và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, việc phát triển điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển điện mặt trời trong kế hoạch triển khai, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và nghị định về cơ chế phát triển điện mặt trời do Bộ Công thương đang chủ trì, soạn thảo trình Chính phủ ban hành.

Sau khi cơ chế phát triển điện mặt trời được Chính phủ ban hành, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND TP.HCM triển khai thực hiện nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Mục tiêu trên được đưa ra dựa theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng ngày 8/6/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Theo nguồn số liệu từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính đến nay, toàn Thành phố có 14.210 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 358,3 MWp, chiếm tỷ lệ 3,71% so với tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà của cả nước. So với công suất cực đại của lưới điện Thành phố, điện mặt trời mái nhà chiếm tỷ trọng 7,82%.

Thanh Hóa nâng cấp, điều chỉnh gần 100km đường

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc nâng cấp tuyến đường nối Quốc lộ 47, Quốc lộ 47C, Quốc lộ 45 với Quốc lộ 217 thành đường tỉnh và điều chỉnh Đường tỉnh 516, Đường tỉnh 516B.

Các tuyến đường nối bốn quốc lộ đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được điều chỉnh thành đường tỉnh. Ảnh minh hoạ

Các tuyến đường nối bốn quốc lộ đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được điều chỉnh thành đường tỉnh. Ảnh minh hoạ

Theo ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hoá cho biết, UBND Tỉnh vừa có quyết định nâng cấp tuyến nối Quốc lộ 47, Quốc lộ 47C, Quốc lộ 45; Quốc lộ 217 với tổng chiều dài hơn 26km.

Cụ thể, 14,66km thuộc Dự án đường giao thông nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47 do Sở GTVT làm chủ đầu tư; 4,179 km thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 45 đi xã Định Tăng do UBND huyện Yên Định quản lý; 7,25 km thuộc ĐT.516B đoạn Km 14+500 - Km 21+750.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng điều chuyển 14,5 km ĐT516B đoạn Km 0+00 - Km 14+500 thành ĐT516. Điều chỉnh tuyến ĐT516B trên tuyến đường thị trấn Quán Lào - Nông trường Thống Nhất - Phố Châu có điểm đầu Km 0+00 giao Quốc lộ 45 tại Km 49+910 (thuộc địa phận thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định) và điểm cuối Km 36+800 giao đường Hồ Chí Minh tại Km 549+400, (thuộc địa phận Phố Châu, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc) với tổng chiều dài tuyến 36,8 km.

Ông Trịnh Huy Triều cho biết, hiện nay các tuyến đường nối với quốc lộ chưa hoàn thành. Theo quyết định, Sở GTVT sẽ quản lý, bảo trì, khai thác đoạn nối từ Quốc lộ 47C, Quốc lộ 45 với Quốc lộ 217 (20,755 km) kể từ ngày 1/1/2024; quản lý, bảo trì, khai thác đoạn Quốc lộ 47 - Quốc lộ 47C (5,334 km) sau khi đoạn tuyến hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

65% lao động nhận trợ cấp thất nghiệp không bằng cấp

Lao động không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm gần hai phần ba trong số 291.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, quý III/2023.

Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TP.HCM

Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TP.HCM

Quý III/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận hơn 291.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 66.000 người so với quý II. Trong số này, 65% lao động không có bằng cấp chứng chỉ, 15% trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm 6%, trung cấp 6% và sơ cấp 7%.

Lao động may, thêu và các thợ liên quan thuộc nhóm nghề nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, trên 26%; tiếp theo là thợ lắp ráp, kế toán, nhân viên bán hàng và kỹ thuật viên điện tử.

Đây là hệ quả của làn sóng cắt giảm việc làm kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay, khi hàng loạt doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ cắt giảm nhân công. Song so với quý trước, lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đơn hàng quý này đã giảm khiến lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng giảm theo.

Lao động mất việc còn 118.000, giảm gần một nửa, chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương. Lao động nghỉ giãn việc còn 54.000, giảm 187.000 người, phần lớn trong doanh nghiệp FDI. Trong đó, da giày chiếm gần 32% và dệt may chiếm 31%.

Dữ liệu từ hơn 18.300 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và 73.000 người đi tìm việc cho thấy một nửa vẫn chuộng lao động có trình độ đại học trở lên, trong khi vị trí quản lý bậc trung và cấp cao chỉ chiếm 13 - 15%. Một phần cầu "bắt gặp" cung khi gần 46% người đi tìm việc có trình độ đại học trở lên. Song hơn 22% lao động mong muốn công việc quản lý bậc trung, gấp đôi số cần tuyển dụng.

Đình chỉ nhà thầu thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt để sập cống, chết người

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan đình chỉ nhà thầu thi công gói thầu tại dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, để làm rõ trách nhiệm xảy ra vụ tai nạn làm 2 công nhân tử vong. Đây là sự cố nghiêm trọng thứ 2 xảy ra trong quá trình thi công dự án cao tốc này.

Hiện trường vụ tai nạn sập cống đường gom dân sinh cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt làm 2 công nhân tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn sập cống đường gom dân sinh cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt làm 2 công nhân tử vong.

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 6; liên danh nhà đầu tư BOT; doanh nghiệp dự án - Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng khẩn trương giải quyết sự cố sập cống hộp đường gom của Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1). Sự cố xảy ra sáng 8/11 làm 2 công nhân tử vong.

Để đảm bảo an toàn lao động, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thực hiện bảo vệ hiện trường; phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết sự cố theo quy định; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên kịp thời gia đình 2 công nhân tử vong.

Bộ GTVT yêu cầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xem xét đình chỉ đơn vị thi công để xảy ra tai nạn, báo cáo kết quả xử lý về Ban Quản lý dự án 6 và các cơ quan liên quan. Trong đó, các bên cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và giải pháp khắc phục; các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa không xảy ra trường hợp tương tự trong quá trình thi công.

Ban Quản lý dự án 6 được giao trách nhiệm kiểm tra kết quả xử lý, khắc phục sự việc của nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường của doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công dự án.

Hà Nội vừa công nhận cấp thành phố đối với Khu du lịch Nhật Tân

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc công nhận khu du lịch cấp thành phố đối với khu du lịch Nhật Tân, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.

Hà Nội vừa công nhận cấp thành phố đối với Khu du lịch Nhật Tân

Hà Nội vừa công nhận cấp thành phố đối với Khu du lịch Nhật Tân

Khu du lịch Nhật Tân có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa hấp dẫn. Đón du khách từ năm 1999, đến nay, khu du lịch này đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi, khám phá, thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương và các vùng miền.

Khu du lịch Nhật Tân khai thác các sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch văn hóa, kiến trúc, lịch sử; du lịch sinh thái, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm...

Các điểm đến tham quan chính trong khu du lịch gồm: Đình Nhật Tân, chùa Tảo Sách, hồ Tây, làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, thung lũng hoa Hồ Tây, Công viên nước Hồ Tây, nhà hàng Sen Tây Hồ…

Làng Hoa Nhật Tân luôn là nơi thu hút nhiều khách du lịch với hàng trăm loại hoa khác nhau khoe sắc rực rỡ. Đặc biệt, nơi đây hấp dẫn nhiều du khách nhất là vào những dịp Tết đến.

Trong khu du lịch Nhật Tân hiện có 19 cơ sở lưu trú du lịch với 102 phòng. Các dịch vụ vui chơi, giải trí trong nhà và ngoài trời với diện tích 100.000 m2.

Theo quyết định này, UBND phường Nhật Tân có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển khu du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

Chuyên đề