Bản tin thời sự sáng 10/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn nhập xăng dầu; đấu giá xe Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết thất bại lần hai; Cần Thơ chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm trong 7 gói thầu với Việt Á; biển tên phố ở Hải Phòng sẽ có mã QR…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn nhập xăng dầu

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng đáp ứng nhu cầu vay vốn để doanh nghiệp đầu mối mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước gửi tới các ngân hàng thương mại, đề cập xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế và hoạt động sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước. Ở góc độ ngành ngân hàng, Thống đốc yêu cầu các nhà băng khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, các nhà băng cần chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương) nhằm phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu. Việc cung ứng vốn kịp thời giúp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.

Thị trường xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn diễn ra thời gian dài tại TP.HCM, các tỉnh miền Nam và gần đây là cả Hà Nội. Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí kinh doanh chưa được tính đủ vào giá cơ sở bán lẻ, giá dầu thế giới trồi sụt trước biến động địa chính trị... khiến họ bị lỗ.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng. Room tín dụng đã hẹp, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội ngày 28/10, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ đồng. Hạn mức chưa sử dụng của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng.

Đấu giá xe Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết thất bại lần hai

Do không có người nộp tiền cọc 1,94 tỷ đồng nên công ty đấu giá tiếp tục thông báo đấu giá xe Rolls-Royce Ghost lần 3 với giá khởi điểm hạ tiếp 3%.

Đấu giá xe Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết không thành

Đấu giá xe Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết không thành

Theo đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp, buổi đấu giá chiếc Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết sáng 9/11 không thể diễn ra do những cá nhân và đơn vị đăng ký tham gia đấu giá đều không gửi tiền đặt cọc trước đúng thời gian quy định.

Trước đó, buổi đấu giá đầu tiên của chiếc xe này vào ngày 24/10 cũng không thành do sau thời gian đặt cọc ngày 21/10, không có người nộp tiền cọc 2 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, buổi lễ đấu giá lần hai sẽ diễn ra vào ngày 9/11, tại trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp ở TP.HCM. Theo quy định, người tham gia phải nộp tiền đặt trước 20% giá trị tài sản, tức 1,94 tỷ đồng trước 16h ngày 8/11. Song đến ngày 9/11 không có người cọc.

Đại diện công ty đấu giá cho biết, đơn vị đã thông báo kết quả đấu giá không thành cho Ngân hàng BIDV. Về việc tổ chức đấu giá, Công ty sẽ tiếp tục thông báo đấu giá tài sản này lần 3 và hạ giá khởi điểm thêm 3%.

Theo đó, giá khởi điểm xe này tiếp tục giảm 3% còn 9,4 tỷ đồng. Hiện, xe và giấy tờ đăng ký được lưu giữ ở Sơn Tùng Auto (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trước đó, đầu tháng 9, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quy Nhơn thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty CP Xây dựng FLC Faros nhằm xử lý nợ. Hiện tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8 của FLC Faros tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quy Nhơn lên tới gần 186 tỷ đồng.

Cần Thơ chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm trong 7 gói thầu với Việt Á

Công an Cần Thơ tạm đình chỉ điều tra, giải quyết kiến nghị làm rõ sai phạm trong 7 gói thầu mua sắm vật tư y tế với Việt Á, do các cơ quan, đơn vị chưa cung cấp tài liệu.

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Ngày 9/11, quyết định này được Công an TP. Cần Thơ đưa ra sau 4 tháng giải quyết tin báo, kiến nghị khởi tố của Thanh tra Thành phố về 7 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế của Công ty CP Công nghệ Việt Á có dấu hiệu sai phạm.

Theo một lãnh đạo Công an Cần Thơ, Cơ quan điều tra đã có văn bản gửi ngân hàng, cơ quan giám định, bộ, ngành, địa phương đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan các gói thầu với Việt Á nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, thời hạn xác minh, điều tra tin báo, kiến nghị khởi tố đã hết.

Ông này cũng cho biết thêm, theo quy định hết thời hạn nếu chưa thu thập đủ hồ sơ, tài liệu để chứng minh có tội phạm hay không thì phải tạm đình chỉ. Khi nào có kết quả trả lời, hồ sơ từ các đơn vị liên quan cùng với kết quả xác minh trước đó thì công an phục hồi điều tra và xem xét, quyết định có hay không khởi tố vụ án.

Trước đó, Thanh tra Cần Thơ kiến nghị lãnh đạo Thành phố chuyển hồ sơ 7 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế của Việt Á sang công an để điều tra dấu hiệu sai phạm.

Biển tên phố ở Hải Phòng sẽ có mã QR

Từ tháng 12, du khách đến Hải Phòng có thể tìm hiểu về các con đường, công trình bằng cách quét mã QR trên 2.800 biển hiệu.

Biển tên đường ở TP Hải Phòng sẽ có mã QR chứa thông tin cho khách du lịch tham khảo

Biển tên đường ở TP Hải Phòng sẽ có mã QR chứa thông tin cho khách du lịch tham khảo

Đây là dự án được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt và triển khai thực hiện trong tháng 11. Dự án được đánh giá phù hợp với xu hướng du lịch và food tour đang được ưa chuộng ở Thành phố.

Theo kế hoạch, sẽ có 450 đường phố, công trình được gắn mã QR. Trong đó có 13 cầu, 10 vườn hoa và quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, với khoảng 2.800 biển hiệu.

Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho biết, khi người dân và du khách dùng điện thoại thông minh quét mã QR lên các biển sẽ biết được thông tin về quy mô, tiểu sử danh nhân, danh thắng, di tích gắn với tuyến đường, công trình được đặt tên.

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 650 triệu đồng. UBND TP. Hải Phòng cùng Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị lên danh sách, sưu tập, biên soạn thông tin tiểu sử danh nhân hoặc nguồn gốc dùng, ý nghĩ tên được đặt cho 450 công trình rồi chuyển thành mã QR.

Căn cứ vào hiệu quả thực hiện thời gian đầu, TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng và dịch thông tin sang tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng giúp đô thị Hậu Giang giảm ngập

TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) sẽ được đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng thực hiện Dự án Phát triển đô thị xanh giúp toàn khu vực giảm ngập, cải thiện môi trường.

Triều cường gây ngập tại cửa ngõ TP. Ngã Bảy

Triều cường gây ngập tại cửa ngõ TP. Ngã Bảy

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hoà, Dự án sẽ thực hiện trong năm 2023 - 2026, từ nguồn vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hơn 780 tỷ đồng, phần đối ứng địa phương gần 390 tỷ đồng.

Dự án sẽ xây dựng 20 km đường ống thoát nước mưa cùng 22 cửa xả và hơn 3 km kè các kênh Xẻo Vong, Cái Cui và Sóc Trăng; xây hệ thống thu gom nước thải dài 13 km, 4 trạm bơm cùng nhà máy xử lý 3.800 m3 mỗi ngày đêm nhằm cải thiện môi trường.

Ngoài ra, Dự án còn cải tạo, nâng cấp, tạo cảnh quan hồ điều hòa (hồ Xáng Thổi); mua sắm trang thiết bị quan trắc, cảnh báo rủi ro thiên tai... Mục tiêu Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế TP. Ngã Bảy, làm động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.

Hồi tháng 4, Thủ tướng phê duyệt đề xuất về dự án này. Đến nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã lập báo cáo chủ trương đầu tư, có văn bản đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây Dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính cho ý kiến để hoàn thiện, trình HĐND Tỉnh phê duyệt.

Nguyên Chủ tịch huyện ở Bình Thuận bị kỷ luật do cho thuê đất trái quy định

Ông Lê Văn Long, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), bị kỷ luật đảng với hình thức cảnh cáo do đã ký quyết định cho thuê đất trái quy định.

Nguyên Chủ tịch huyện ở Bình Thuận bị kỷ luật do cho thuê đất trái quy định

Nguyên Chủ tịch huyện ở Bình Thuận bị kỷ luật do cho thuê đất trái quy định

Ngày 9/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, ông Lê Văn Long, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình vào năm 2015 đã ký quyết định cho thuê đất nuôi tôm tại xã Hòa Thắng không đúng thẩm quyền theo Luật Đất đai.

Cụ thể, 6 người ở Khánh Hòa và Bình Thuận được thuê gần 64 ha trong 50 năm, từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2065 với giá 54 đồng/m2. Phần lớn đất này được UBND huyện Bắc Bình cho thuê chồng lấn với quy hoạch loại đất khai thác khoáng sản mà Chính phủ đã phê duyệt.

Chính quyền Bình Thuận đã chỉ đạo xử lý chồng lấn quy hoạch, nhưng UBND huyện Bắc Bình chậm triển khai. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, khuyết điểm và sai phạm trên của ông Long ảnh hưởng hoạt động đầu tư tại địa phương.

Ông Long làm chủ tịch UBND huyện Bắc Bình từ năm 2015 - 2020, sau đó xin nghỉ hưu trước tuổi.

Hai biệt thự xây trái phép ở Phú Quốc bị đập bỏ

Cơ quan chức năng tháo dỡ 2 biệt thự trong tổng số 79 căn xây trái phép trên đất công tại xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), sáng 9/11.

Máy xúc của đoàn cưỡng chế đập bỏ biệt thự xây trái phép

Máy xúc của đoàn cưỡng chế đập bỏ biệt thự xây trái phép

Hai biệt thự trên của ông Vũ Đình Khánh và Lê Xuân Hồng, xây trái phép trên diện tích hơn 1.000 m2. Quá trình tháo dỡ, một số người chống đối, song bị lực lượng chức năng khống chế.

Ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ cho biết, chính quyền địa phương đã thực hiện đầy đủ các bước: xác minh nguồn gốc, xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, yêu cầu tháo dỡ hoàn trả hiện trạng ban đầu đối với hai căn biệt thự này. Đã quá thời hạn nhưng chủ biệt thự không chấp hành nên cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế.

Ông Nhân cho biết thêm, 77 căn còn lại đang trong quá trình xác minh, xử phạt. Dự kiến trong năm nay việc tháo dỡ sẽ hoàn thành để trả lại hiện trạng ban đầu.

Sau khi hoàn thành tháo dỡ công trình, cơ quan chức năng sẽ đo đạc, xác định vị trí, diện tích, lập biên bản kiểm kê,... và bàn giao thửa đất cho UBND xã Dương Tơ quản lý. Đối với các trang thiết bị, tài sản đã kiểm kê, nếu chủ biệt thự từ chối nhận, chính quyền địa phương sẽ quản lý, bảo vệ và xử lý theo quy định.

79 căn biệt thự xây trái phép trên đất công từ 4 năm trước, khi Phú Quốc phát triển nóng, giá đất tăng cao. Mỗi căn được xây dựng trên diện tích 200 - 350 m2, tổng diện tích lấn chiếm gần 19 ha. Khi phát hiện, chính quyền địa phương nhiều lần mời chủ đầu tư lên làm việc song họ phớt lờ, đóng cửa biệt thự hàng tháng liền.

Khu biệt thự được quy hoạch khá chỉnh chu với đường bêtông rộng 6 - 8 m, kết nối trục đường lớn; đầy đủ hệ thống điện, nước. Một số căn nhà đã có người vào sinh sống. Trong khu vực này còn 140 nền trống chưa xây dựng.

Tạm đình chỉ vụ án tố cáo bố con ông chủ Tân Hiệp Phát

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ vụ án lừa đảo liên quan việc tố cáo bố con ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ vụ án tố cáo bố con ông chủ Tân Hiệp Phát. Ảnh minh họa

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ vụ án tố cáo bố con ông chủ Tân Hiệp Phát. Ảnh minh họa

Ngày 9/11, đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an cho biết, việc tạm đình chỉ điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm một số giám định về thiệt hại liên quan đơn tố cáo.

Trước đó hồi tháng 3/2021, vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được C01 khởi tố để điều tra khi nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Công ty Kim Oanh); ông Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty DCB) và Lâm Hoàng Sơn (TP.HCM).

Trong đơn tố cáo, ông Lâm cho rằng, ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát và con gái là bà Trần Uyên Phương cùng một số người liên quan đã có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Các ký kết giữa hai bên là hợp đồng giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác), bản chất là việc vay mượn tiền.

Theo đơn tố cáo của ông Lâm, hành vi của bà Uyên Phương và những người này gây thiệt hại cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai hơn 1.000 tỷ đồng.

Quá trình xác minh, C01 gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản đối với Công ty Minh Thành Đồng Nai, Dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.

C01 sau đó tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Phương tại các địa phương này.

Chuyên đề