Bản tin thời sự sáng 10/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vàng miếng lên sát 70 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu SCB; 3 phương án gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng; Hà Nội cần 888.000 tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị; hơn 1.600 hộ đã xây nhà ở khu tái định cư sân bay Long Thành…

Giá vàng miếng lên sát 70 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng ngày 9/10 tăng gần nửa triệu đồng, lên 69,7 triệu đồng, mức cao nhất 14 tháng qua.

Mỗi lượng vàng miếng ngày 9/10 tăng gần nửa triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng ngày 9/10 tăng gần nửa triệu đồng

Lúc 16h ngày 9/10, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 68,8 - 69,7 triệu đồng, tăng 400.000 đồng một lượng so với cuối tuần. Chênh lệch giữa giá mua và bán lên 900.000 đồng một lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý SJC cũng tăng 300.000 đồng cả hai chiều, lên 68,9 - 69,6 triệu đồng một lượng. Giá vàng nhẫn - mặt hàng được nhiều người dân quan tâm - cũng tăng 350.000 đồng một lượng, lên 56,1 - 57,15 triệu đồng.

Giá vàng miếng trong nước đang ở xu hướng tăng ba tháng trở lại đây và hiện ở mức cao nhất 14 tháng.

Đà tăng của giá trong nước cũng tương đồng với quốc tế. Mở cửa đầu tuần, giá vàng thế giới tăng 18 USD một ounce so với cuối tuần trước, tương đương mức tăng 500.000 đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank. Hiện, giá vàng thế giới tương đương 54,8 triệu đồng một lượng, thấp hơn 14,8 triệu đồng so với trong nước, chưa kể thuế phí.

Ngân hàng Nhà nước tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu SCB

Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn (SCB), để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương.

Khách hàng giao dịch tại một phòng giao dịch của SCB tại TP.HCM

Khách hàng giao dịch tại một phòng giao dịch của SCB tại TP.HCM

Thông tin này vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai những giải pháp để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, an toàn cho hoạt động của SCB.

"Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định", báo cáo Chính phủ nêu.

SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.

Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.

Cũng theo báo cáo, với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Ba phương án gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

TP.HCM đưa ra 3 cách gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, trong đó ủy thác ngân sách để nhà đầu tư vay và thi công hoàn thành công trình được cho khả thi nhất.

Cống ngăn triều Phú Định - một trong 6 cống ngăn triều lớn của dự án

Cống ngăn triều Phú Định - một trong 6 cống ngăn triều lớn của dự án

Các phương án trên nêu trong công văn vừa được UBND TP.HCM gửi Tổ công tác Chính phủ về Dự án ngăn triều, chống ngập do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Khởi công giữa năm 2016, dự án chống ngập 10.000 tỷ mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 90% nhưng bị vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên đã chậm trễ 5 năm so với kế hoạch. Mới đây, Chính phủ quyết định thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng nhằm tìm cách gỡ vướng để Dự án sớm về đích.

Theo đó, TP.HCM sẽ ủy thác ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố (HFIC) để đơn vị này cho nhà đầu tư vay. Sau khi công trình được nghiệm thu, Thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT và các phụ lục. Nhà đầu tư sau đó thanh toán nợ với HFIC và đơn vị này hoàn lại ngân sách thành phố khoản vốn đã nhận ủy thác.

Phương án trên được đánh giá thuận lợi vì ngân sách thành phố không tạm ứng trực tiếp cho nhà đầu tư mà ủy thác để HFIC cho vay theo quy định đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương. Điều này có cơ sở pháp lý thực hiện nên được xem là khả thi nhất.

Ngoài giải pháp nói trên, Thành phố cũng đề xuất phương án thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành bằng cả đất và tiền. Tuy nhiên, cách này khó thực hiện vì Nghị định 69 của Chính phủ không quy định thanh toán các hợp đồng BT bằng tiền theo tiến độ khối lượng hoàn thành, chỉ cho trả bằng tiền tại thời điểm công trình được quyết toán.

Phương án còn lại, HFIC sẽ cho nhà đầu tư vay để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Nhưng đối chiếu các quy định, HFIC cho biết, dự án này chưa đáp ứng các điều kiện để thẩm định, quyết định cho vay từ nguồn vốn hoạt động của đơn vị.

Hà Nội cần 888.000 tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị

Hà Nội cần 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh, 888.000 tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội cần 888.000 tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Ảnh minh họa

Hà Nội cần 888.000 tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó nêu thực trạng 9 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác, 4 tuyến có cam kết về vốn, những tuyến còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.

Bộ này đánh giá khả năng cân đối, bố trí vốn ngân sách xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt đô thị của Hà Nội còn hạn chế, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, khu đô thị mới. Nhu cầu về vốn đầu tư nói trên là thách thức lớn cho ngân sách khi Thành phố cần phân bổ cho nhiều hạng mục phát triển kinh tế xã hội khác. Hiện nay, Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được khoảng 46% tổng nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo quy định hiện nay, một tuyến đường sắt đô thị và các dự án đô thị, trung tâm thương mại trong khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt sẽ bị chia thành nhiều dự án độc lập để đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Nhiều dự án với thủ tục xây dựng và phê duyệt khác nhau dẫn đến kéo dài thời gian.

Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi cần đặt ra giải pháp phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành tuyến quốc lộ, cao tốc, vành đai, kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch. Hà Nội phải từng bước tạo ra chùm đô thị, đô thị vệ tinh theo định hướng giao thông (TOD); sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường sắt đô thị; khuyến khích thành phần kinh tế tham gia vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị và vận tải hành khách khối lượng lớn.

Dự thảo luật mới nhất đã đề ra nhiều giải pháp thu hút nguồn vốn, trong đó có khuyến khích UBND TP. Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD. Tiền thu được từ đấu giá các quyền này được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga…

Hơn 1.600 hộ đã xây nhà ở khu tái định cư sân bay Long Thành

UBND huyện Long Thành cho biết, đến nay tại khu tái định cư sân bay Long Thành (Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn) đã có hơn 1.600 hộ dân xây dựng nhà cửa và chuyển tới sinh sống ổn định.

Hơn 1.600 hộ dân đã xây dựng nhà cửa ở khu tái định cư sân bay Long Thành

Hơn 1.600 hộ dân đã xây dựng nhà cửa ở khu tái định cư sân bay Long Thành

Theo đó, việc triển khai Dự án sân bay Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có gần 4.600 hộ dân thuộc diện phải bố trí tái định cư.

Tính đến tháng 9/2023, các cơ quan chức năng đã xét duyệt tái định cư cho gần 4.300 hộ dân. Khoảng 300 hộ dân còn lại cũng đang được huyện Long Thành xét duyệt và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2023.

Sau khi được xét duyệt tái định cư và cấp đất, theo thống kế của UBND huyện Long Thành, hiện nay đã có hơn 1.600 hộ dân xây nhà, chuyển đến sinh sống ổn định tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Tuy vậy, hiện nay tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, việc triển khai các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng còn gặp khó khăn.

Đề xuất làm đường 10 làn, cầu dài hơn 4 km ven vịnh Cửa Lục

UBND TP. Hạ Long vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Tuyến đường nối từ nút giao cầu Tình Yêu đến đường dẫn cầu Cửa Lục 3, TP Hạ Long. Tuyến đường này sẽ nằm song song với Quốc lộ 279.

Cầu Tình Yêu bắc qua vịnh Cửa Lục được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022

Cầu Tình Yêu bắc qua vịnh Cửa Lục được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022

Theo UBND TP. Hạ Long, nhằm tạo động lực phát triển khu vực, phát huy vai trò của những cây cầu bắc qua vịnh Cửa Lục, UBND Thành phố đang tổ chức nghiên cứu Dự án Tuyến đường nối từ nút giao cầu Tình Yêu đến đường dẫn cầu Cửa Lục 3, TP. Hạ Long.

Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường là khoảng 8,11 km, trong đó phần đường dài khoảng 4,01 km và một cây cầu dài khoảng 4,1 km vượt qua các khu rừng ngập mặn. Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án 4.319 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh.

Đoạn 1 nối từ nút giao cầu Tình Yêu đến nút giao cầu Cửa Lục 2 (chưa xây dựng) với chiều dài khoảng 2,31 km. Đoạn 2 từ nút giao cầu Cửa Lục 2 đến nút giao cầu Cửa Lục 3 với chiều dài khoảng 5,8 km.

Quy mô mặt cắt ngang 10 làn xe (6 làn xe cơ giới, 4 làn xe đường gom 2 bên), dải phân cách giữa rộng 3 m, dải phân cách 2 bên đường gom rộng mỗi bên 1,5 m, vỉa hè 2 bên mỗi bên rộng 2x1,5 m. Tổng bề rộng mặt cắt ngang là 54,5 m.

UBND TP. Hạ Long kiến nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương, giao cho UBND TP. Hạ Long thực hiện nghiên cứu lập Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và đầu tư dự án.

Trong đó, phân kỳ đầu tư thành 2 đoạn tuyến. Trước mắt giai đoạn 1: Đầu tư tuyến đường từ nút giao cầu Tình Yêu đến nút giao cầu Cửa Lục 2 với chiều dài khoảng 2,31 km, tổng mức đầu tư khoảng 507 tỷ đồng. Giai đoạn 2: Đầu tư đoạn còn lại từ nút giao cầu Cửa Lục 2 đến đường dẫn cầu Cửa Lục 3 với chiều dài khoảng 5,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.812 tỷ đồng. Giao UBND TP. Hạ Long lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Hoàn thành mở rộng Quốc lộ 31 đoạn qua vùng vải Lục Ngạn

Quốc lộ 31 đoạn qua vùng vải Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, dài 39 km đã được nâng cấp, mở rộng với hơn 860 tỷ đồng vốn ngân sách.

Đoạn quốc lộ 31 được cải tạo nâng cấp

Đoạn quốc lộ 31 được cải tạo nâng cấp

Chiều 9/10, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức khánh thành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đi qua tỉnh Bắc Giang. Điểm đầu tuyến là nút giao với Quốc lộ 1 ở TP. Bắc Giang, điểm cuối tại nút giao với Tỉnh lộ 290, huyện Lục Ngạn.

Tuyến đường được cải tạo từ cấp 4 thành cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m với hai làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/h. Các đoạn qua khu đông dân cư, đô thị được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố, tốc độ 60 km/h.

Trên tuyến có 10 cầu xây mới và mở rộng 2 cầu. Các hạng mục thoát nước, công trình phòng hộ, hệ thống an toàn giao thông được đầu tư đồng bộ. Dự án được khởi công ngày 4/8/2022.

Quốc lộ 31 dài 158 km, nối Bắc Giang với Lạng Sơn, đoạn qua Bắc Giang dài 99 km. Đây là tuyến huyết mạch thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, là trục đường bộ chính yếu vận chuyển vải thiều Lục Ngạn.

Khách Việt có thể tự lái xe 600 km vào Trung Quốc

Tour du lịch bằng ôtô tự lái qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) dự kiến được triển khai từ ngày 30/10 và khách Việt có thể di chuyển đến TP. Nam Ninh, Trung Quốc.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch hai quốc gia được chính quyền TP. Móng Cái và TP. Đông Hưng đề xuất triển khai từ tháng 3 năm nay, theo UBND TP. Móng Cái.

Theo dự kiến, khách Trung Quốc có thể tự lái xe đến TP Hạ Long (cách Móng Cái 150 km) và khách Việt Nam có thể đi vào TP. Nam Ninh, cách Móng Cái 600 km.

Năm 2016, xe tự lái từ Trung Quốc vào Quảng Ninh được thí điểm với hoạt động giới hạn trong thành phố Móng Cái. Một lần nhập cảnh tối thiểu 5 xe và tối đa 20 xe mỗi đoàn. Tổng lượng xe tự lái Trung Quốc tại Việt Nam không quá 100 chiếc một ngày và không quá 3 ngày một lần cấp phép.

Sau một năm thực hiện, có 93 xe với 256 du khách từ Trung Quốc qua Móng Cái. Ở chiều ngược lại, có 38 xe với 110 khách từ Việt Nam sang TP. Đông Hưng.

Đến năm 2018, Chính phủ đồng ý cho Quảng Ninh mở rộng phạm vi hoạt động xe tự lái của Trung Quốc đến TP. Hạ Long. Du khách Việt lái xe sang Trung Quốc được vào thành phố Quế Lâm. Theo thống kê, từ tháng 6 - 11/2018, phía Trung Quốc có 44 đoàn khách vào Hạ Long bằng ôtô, tổng cộng 289 xe và 988 khách. Phía Việt Nam có 35 xe với 108 khách vào Trung Quốc.

Bắt quả tang 2 công ty in lậu hơn 15 tấn sách, lịch bloc ở TP.HCM

Hai công ty tại TP.HCM tổ chức in lậu hơn 15.000 ấn phẩm gồm sách và lịch bloc năm 2024, với khối lượng hơn 15 tấn vừa bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Cơ quan chức năng bắt quả tang lượng sách in lậu lớn tại TP.HCM ngày 9/10

Cơ quan chức năng bắt quả tang lượng sách in lậu lớn tại TP.HCM ngày 9/10

Ngày 9/10, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại bao bì Kiến Á (xưởng sản xuất tại huyện Củ Chi, TP.HCM) bị Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, Công an TP.HCM, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM bắt quả tang khi đang tổ chức in lậu sách.

Tổng khối lượng hơn 10 tấn sách bán thành phẩm, gồm 3.000 bản "Kinh Trường Thọ diệt tội" (ghi Nhà xuất bản Tôn giáo); 9.000 bản ấn phẩm "Sherlock Holmes" (ghi Nhà xuất bản Hội Nhà Văn).

Tất cả đều không có quyết định xuất bản của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi đã tạm giữ toàn bộ tang vật để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, Công ty TNHH In ấn và dịch vụ thương mại Siêu Tốc (xưởng sản xuất tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng tổ chức in vượt quá số lượng hơn 3.000 bản lịch bloc 2024, với khối lượng hơn 5 tấn bán thành phẩm.

Vụ việc được Cục An ninh chính trị nội bộ phát hiện, bàn giao cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM lập biên bản vi phạm, niêm phong toàn bộ tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề