Bản tin thời sự sáng 10/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là rà soát nhà thầu chuyển nhượng trái phép gói thầu cao tốc Bắc Nam; thực phẩm Hữu Nghị bị xử phạt vi phạm thuế 1,1 tỷ đồng; TP.HCM sắp kiểm tra loạt doanh nghiệp xăng dầu lớn; Hà Nội phát hiện vụ đấu trộm nước sạch sông Đà lớn nhất từ trước tới nay; cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng…

Rà soát nhà thầu chuyển nhượng trái phép gói thầu cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ rà soát các nhà thầu và xử lý nghiêm nếu có việc chuyển nhượng trái phép gói thầu theo khuyến cáo của Bộ Công an.

Công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh minh họa

Công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh minh họa

Đại diện Bộ GTVT cho biết trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thanh tra, kiểm tra, xử lý các nhà thầu chuyển nhượng trái phép tại Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020).

Theo người này, khi triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, Bộ GTVT đã có văn bản gửi cơ quan chức năng như Kiểm toán Nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra để phối hợp giám sát dự án ngay từ đấu thầu đến thi công. Bộ cũng giao Thanh tra kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công an nêu có một số nhà đầu tư, nhà thầu khi dự thầu dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 đã đưa ra hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, vì nhà thầu tham gia nhiều dự án cùng lúc, đến khi thi công phải dàn trải nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc nên không đảm bảo thực hiện gói thầu, dẫn đến phải thuê thầu phụ núp bóng.

Một số nhà thầu không đáp ứng tiến độ đã bị chủ đầu tư điều chuyển khối lượng cho đơn vị khác trong liên danh, hoặc bổ sung nhà thầu khác làm chậm tiến độ, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng Dự án cao tốc Bắc Nam.

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) dài 652 km, gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án PPP, 8 dự án đầu tư công. Trong 4 dự án được Thủ tướng yêu cầu hoàn thành trong năm 2022, chỉ có Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, còn 3 dự án là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết chỉ thông xe kỹ thuật, dự kiến 30/4/2023 mới hoàn thành.

Thực phẩm Hữu Nghị bị xử phạt vi phạm thuế 1,1 tỷ đồng

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị (mã chứng khoán: HNF) do các vi phạm về kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cục Thuế Hà Nội vừa xử phạt Thực phẩm Hữu Nghị vi phạm thuế 1,1 tỷ đồng

Cục Thuế Hà Nội vừa xử phạt Thực phẩm Hữu Nghị vi phạm thuế 1,1 tỷ đồng

Công ty bị truy thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp với giá trị 881,2 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh là 24,7 triệu đồng. Tổng số tiền truy thu, chậm nộp và tiền phạt mà Công ty phải nộp là 1,108 tỷ đồng.

Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị tiền thân là Nhà máy Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị, thành lập năm 1997, là nhà sản xuất bánh, mứt, kẹo lớn trong nước với các thương hiệu: Staff, Tipo, Gold Daisy, Suri delight…

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2022, Công ty đạt 1.318 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 90,3 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Kết quả trên tương ứng thực hiện được 68,5% kế hoạch doanh thu năm và vượt 45 tỷ đồng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

TP.HCM sắp kiểm tra loạt doanh nghiệp xăng dầu lớn

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023 của đơn vị. Trong đó, có 91 địa điểm kinh doanh của hơn 50 doanh nghiệp xăng dầu nằm trong kế hoạch kiểm tra của cơ quan này.

Hơn 90 cơ sở xăng dầu của hơn 50 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch kiểm tra của cơ quan QLTT TP.HCM năm 2023

Hơn 90 cơ sở xăng dầu của hơn 50 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch kiểm tra của cơ quan QLTT TP.HCM năm 2023

Cụ thể, theo danh sách của cơ quan quản lý thị trường một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn tại Thành phố thuộc diện kiểm tra gồm: Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC); Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (Cagico); Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco); Công ty CP Vật tư - xăng dầu (Comeco); Công ty CP Xăng dầu dầu khí Sài Gòn (PV Oil Sài Gòn); Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Phúc Lộc Thọ; Công ty TNHH Một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro); Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn)...

Theo đó, cơ quan quản lý cho biết sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh; điều kiện, hoạt động kinh doanh theo giấy phép; quy định về niêm yết giá bán; quy định về đăng ký, mua, bán, xăng dầu theo hệ thống phân phối; quy định về giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu; hợp đồng mua, bán xăng dầu...

Cuối tháng 12/2022, Thanh tra Bộ Công Thương mới công bố một loạt sai phạm của 11 thương nhân đầu mối phía Nam khi kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả thiếu sót của cơ quan quản lý.

Hà Nội phát hiện vụ đấu trộm nước sạch sông Đà lớn nhất từ trước tới nay

Ngày 9/1, đại diện Công ty CP Viwaco cho biết, đơn vị vừa phát hiện một vụ việc nhà dân đấu nối trái phép vào đường ống phân phối nước sông Đà để sử dụng. Vụ việc xảy ra tại địa chỉ 17 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội).

Đường ống đấu nối trái phép đã được bàn giao cho cơ quan công an.

Đường ống đấu nối trái phép đã được bàn giao cho cơ quan công an.

Theo đó, ngày 29/12/2022, trong quá trình cải tạo mạng lưới cấp nước tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Công ty CP Viwaco phát hiện một đai nước nối từ ống phân phối gang DN200 ra ống HDPE 50 dẫn nước vào trong nhà khách hàng tại địa chỉ 17 Hồ Tùng Mậu.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Công ty đã trình báo Công an phường Mai Dịch và Công an quận Cầu Giấy. Cơ quan chức năng đã cử lực lượng xuống tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản, quay phim, chụp ảnh. Sau đó, Công ty CP Viwaco đã cắt bịt đoạn ống đấu nối trái phép trên và bàn giao tang vật vi phạm cho Công an phường Mai Dịch.

Theo đó, địa chỉ nhà trên có 3 số nhà từ 13 đến 17 Hồ Tùng Mậu, được cho thuê làm các dịch vụ khác nhau. Ngôi nhà có đăng ký sử dụng nước cho số nhà 17 Hồ Tùng Mậu nhưng lại đấu nối để cấp nước cho số nhà 13. Với nhà số 15 và 17, chủ nhà đã cho đấu nối trái phép từ đường cấp chính để sử dụng. Ống nước đấu trái phép không đi thẳng trực tiếp vào nhà mà đấu hướng sang phía bên đường rồi mới vòng vào nhà.

Hiện nay, đơn vị có 2 phương án để tính toán tổn thất. Phương án đầu tiên là tính từ thời điểm đơn vị tiếp nhận đường ống sông Đà năm 2009, mỗi giờ nước xả từ ống D200 ra ống 50 và nhà khoảng 4 m3, mỗi ngày tính sử dụng 8 tiếng là 24 m3 thì tổng thiệt hại của công ty là hơn 1 tỷ đồng.

Phương án thứ 2 là tính theo chỉ số nước của hộ gia đình đang sử dụng (theo đồng hồ là 3.817 m3), nhân ba lần (do đường ống đấu trộm lớn gấp 3) thì thiệt hại lên đến hàng trăm triệu.

Phố đi bộ Hồ Con Rùa tại TP.HCM bắt đầu hoạt động

Khu vực phố Hồ Con Rùa, Quận 3 (TP.HCM), trở thành phố đi bộ vào hai ngày cuối tuần, mỗi tháng sẽ có một chủ đề gắn với quá trình phát triển của Thành phố.

Khu vực Hồ Con Rùa nhìn từ trên cao

Khu vực Hồ Con Rùa nhìn từ trên cao

Kế hoạch trên được UBND Quận 3 xây dựng khi mở phố đi bộ ở khu vực Hồ Con Rùa vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần (18 - 22h). Việc triển khai nhằm phát triển khu vực thành không gian văn hoá công cộng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, phát triển kinh tế đêm. Các sự kiện diễn ra tại đây nhằm thông tin người dân, du khách về lịch sử, ngày lễ lớn của đất nước.

Theo đó, đường Phạm Ngọc Thạch gần khu vực hồ sẽ được tổ chức không gian văn hoá, mỗi tháng có một chủ đề riêng. Ngoài ra tại khu vực sẽ thường xuyên diễn ra triển lãm ảnh; không gian đọc với các kệ sách đặt cố định trên vỉa hè; khởi nghiệp, hình thành sân chơi, sức sáng tạo cho người trẻ... Quận 3 đang tính toán mở không gian văn hoá ẩm thực ở trên đường Trần Cao Vân hoặc Võ Văn Tần. Kinh phí vận hành phố đi bộ chủ yếu từ xã hội hóa, một phần ngân sách.

Năm ngoái, gần 1,3 km vỉa hè các đường xung quanh Hồ Con Rùa như Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần đã được nâng cấp tổng đầu tư 15 tỷ đồng, góp phần chỉnh trang đô thị khu trung tâm. Đây là một phần của kế hoạch phát triển khu vực này thành nơi đi bộ ở địa phương. Riêng phần lõi Hồ Con Rùa, sắp tới được triển khai để đồng bộ cảnh quan cho khu vực.

Khu vực Hồ Con Rùa có tên Công trường Quốc tế, là nút giao của đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần. Xung quanh hồ có nhiều nhà hàng, quán bar, cà phê... Đây là một trong địa điểm được nhiều người dân, du khách đến vui chơi, giải trí.

Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng

Ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB), bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng trong vụ án thứ tư vướng lao lý.

Ông Trần Phương Bình trong lần ra tòa vụ án trước

Ông Trần Phương Bình trong lần ra tòa vụ án trước

Ông Trần Phương Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo Điều 206 Bộ luật Hình sự, ngày 6/1.

Đây là vụ án thứ tư liên quan ông Bình, trong ba vụ án trước (đều liên quan sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB), ông Bình đang phải thi hành hình phạt chung là tù chung thân.

7 người bị xác định là đồng phạm với ông Bình trong vụ án này, bị truy tố cùng tội danh là: Nguyễn Đức Tài (cựu Giám đốc DAB Sở Giao dịch), Nguyễn Thị Ngọc Vân (cựu Phó Tổng giám đốc DAB), Vũ Thị Thanh Hoa (cựu Trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB), Nguyễn Văn Thuận (cựu Phó giám đốc DAB Sở Giao dịch), Phùng Ngọc Khánh (cựu chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C), Châu Thị An Bình (cựu Phó giám đốc Phòng sản phẩm dịch vụ, Hội sở DAB).

Theo kết luận, ông Bình giữ cương vị Tổng giám đốc DAB trong 17 năm (1998 - 2015). Bốn tháng cuối năm 2012, dưới sự tổ chức, chỉ đạo của ông Bình, DAB Sở Giao dịch đã cho 5 công ty Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc và Minh Quân vay 5 khoản, tổng cộng 1.680 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo chung cho 5 khoản vay trên là một phần quyền sử dụng đất, diện tích hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha ở phường An Phú, Quận 2, TP.HCM, trị giá 2.100 tỷ đồng.

Theo nhà chức trách, khoản vay của các công ty trên không được sử dụng đúng mục đích mà chủ yếu dùng để trả nợ hoặc chuyển cho một số đơn vị khác. Đến nay 5 công ty đã ngừng hoạt động dẫn đến không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó gần 3.700 tỷ đồng là lãi. Tài sản được thế chấp cho các khoản vay này được định giá tại thời điểm khởi tố vụ án (24/5/2022) lại chỉ gần 185 tỷ đồng.

C03 kết luận, hành vi của 8 bị can đã gây thiệt hại cho DAB hơn 5.500 tỷ đồng.

Kỷ luật khiển trách Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk

Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKT) Đắk Lắk sau khi xem xét, đánh giá tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm trong thời gian qua của Đảng uỷ Sở Y tế đã quyết định thi hành kỷ luật đơn vị này.

Một góc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Một góc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 9/1, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, cơ quan này đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 20 và xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Cụ thể, Đảng uỷ Sở Y tế Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chưa bám sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh để kịp thời ban hành nghị quyết, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ đảng viên cơ quan phát huy vai trò thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sở Y tế Đắk Lắk còn thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, đảng viên có sai phạm quy định nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phòng, chống Covid-19 làm thất thoát tài sản của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật về Đảng và pháp luật.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm, UBKT Tỉnh uỷ Đắk Lắk thi hành kỷ luật Đảng uỷ Sở Y tế bằng hình thức khiển trách.

Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra tại 9 đơn vị gồm Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc lẫn UBND một số huyện, thành phố. Trong đó, cơ quan chức năng phát hiện trong 2 năm qua, Sở Y tế đã mắc phải nhiều khuyết điểm, tồn tại trong công tác đấu thầu thiết bị, vật tư y tế... để phòng chống dịch Covid-19.

Riêng tại 4 gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị và vật tư y tế tiêu hao, kít xét nghiệm Covid-19 và tủ đông lạnh do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh làm chủ đầu tư, Thanh tra Tỉnh đã phát hiện những sai phạm đối với các gói thầu này có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, quản lý, sử dụng ngân sách.

Do vậy, Thanh tra Tỉnh đề nghị chuyển hồ sơ 4 gói thầu trên sang Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Lắk để điều tra, xử lý theo quy định.

TP.HCM đề xuất xây cầu dây văng Phú Mỹ 2 kết nối tỉnh Đồng Nai

Ngoài cầu Cát Lái đã có quy hoạch trước đó, TP.HCM đề xuất bổ sung xây cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2 kết nối với tỉnh Đồng Nai.

TP.HCM đề xuất xây cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2 kết nối với tỉnh Đồng Nai.

TP.HCM đề xuất xây cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2 kết nối với tỉnh Đồng Nai.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản về phương án quy hoạch xây cầu kết nối tỉnh Đồng Nai, trong đó đề xuất bổ sung xây dựng mới cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2.

Theo thiết kế, hướng tuyến cầu Phú Mỹ 2 sẽ từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe) và kết nối 2 làn xe vào đường Đào Trí (Quận 7), đi theo đường Hoàng Quốc Việt kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (Quận 7). Sau đó tiếp tục kết nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 làn xe).

Vị trí giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ đề xuất bố trí nút giao khác mức (dự kiến phần tuyến chính đường Nguyễn Hữu Thọ đi trên cao) để hạn chế ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch.

Mặt cắt ngang cầu chính Phú Mỹ 2 gồm 6 làn xe rộng 27,5m, dự kiến xây cầu dây văng. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (thông qua hướng đi từ đường Đào Trí).

Cùng với cầu Phú Mỹ 2 là cầu Đồng Nai 2, cầu này kết nối TP. Thủ Đức với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Theo phương án đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, điểm đầu cầu kết nối với đường Vành đai 3 tại vị trí giao 2 đường Gò Công - đường nhánh nối từ Vành đai 3 ra Xa lộ Hà Nội, thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức (TP.HCM); điểm cuối kết nối vào hướng tuyến dự kiến của tỉnh Đồng Nai. Đây là cầu vượt sông 6 làn xe, rộng khoảng 28m (4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Ngoài đề xuất xây 2 cầu trên, Sở GTVT TP.HCM đề xuất điều chỉnh quy mô cầu Cát Lái thành 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Hà Nội thông dòng sông Tích bổ sung nguồn nước tưới

Nước sông Đà đã chảy vào sông Tích qua cống đầu mối xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, bổ sung nguồn nước tưới cho 8 huyện phía tây và tây nam TP. Hà Nội.

Cống đầu mối tại xã Thuần Mỹ, Ba Vì đã cơ bản hoàn thành, đưa nước từ sông Đà qua kênh dẫn vào sông Tích

Cống đầu mối tại xã Thuần Mỹ, Ba Vì đã cơ bản hoàn thành, đưa nước từ sông Đà qua kênh dẫn vào sông Tích

Ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội) cho biết, cống lấy nước từ sông Đà đã vận hành toàn bộ, 5 xã đầu tuyến thuộc huyện Ba Vì có thể lấy nước tưới tiêu. 4 xã còn lại sẽ lấy nước trong quý I/2023.

Sông Tích dài 110 km, bắt nguồn từ vùng núi Ba Vì, chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, sau đó nhập vào sông Đáy tại ngã ba Ba Thá, huyện Chương Mỹ.

Năm 2010, Dự án Tiếp nước, khôi phục sông Tích được TP. Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Mục tiêu là cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; cải tạo môi trường sinh thái...

Những hạng mục chính của Dự án gồm: Cống lấy nước, kênh dẫn tại Lương Phú, xã Thuần Mỹ, để lấy nước từ sông Đà với lưu lượng 60 m3/s vào sông Tích; nạo vét, cải tạo lòng sông với tổng chiều dài 110,5 km; nắn chỉnh cục bộ tuyến sông, điều chỉnh kích thước, mặt cắt sông phù hợp với địa hình và lưu lượng thiết kế...

Hiện chủ đầu tư thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 (từ cống đầu mối Thuần Mỹ, Ba Vì, đến Cầu Trắng, thị xã Sơn Tây, dài 27,6 km) nhưng tiến độ nhiều lần bị điều chỉnh. Quyết định phê duyệt ban đầu tiến độ giai đoạn 1 từ 2010 - 2013; quyết định điều chỉnh phân kỳ đầu tư đoạn 1 giai đoạn 1 từ 2011 - 2020. Mốc thời gian hoàn thành sau đó lùi đến năm 2022 và gần đây nhất thành phố cam kết hoàn thành toàn bộ đoạn 1, giai đoạn 1 trong năm 2023.

Chuyên đề