1. Hà Nội kêu gọi được hơn 400 nghìn tỷ đồng tại hội nghị xúc tiến đầu tư
Hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 27/6.
Trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án |
Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh, công viên, giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị; logistics; công viên phần mềm.Tại Hội nghị, TP. Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.458 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD), trong đó, số vốn tăng thêm là 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn lần lượt tăng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016.
TP. Hà Nội cùng các nhà đầu tư đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD. Trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD), 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).
2. Nhiều phi công Pakistan tại Việt Nam bị dừng bay để xác minh nghi vấn bằng giả
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: “Cục Hàng không đã dừng bay 17 phi công mang quốc tịch Pakistan đang làm việc tại Việt Nam từ cách đây 2 ngày”.
Hàng ngàn phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng bay Việt Nam |
Theo ông Thắng, số phi công bị dừng bay tạm thời đều là phi công được cấp bằng lái tại Pakistan. Tại Việt Nam hiện không có phi công nước ngoài (không phải Pakistan) lấy chứng chỉ từ Pakistan.
Hiện Cục Hàng không đang đợi kết quả rà soát từ nhà chức trách hàng không Pakistan để xác định xem những phi công này có sử dụng bằng giả hay không. Các trường hợp có bằng lái hợp pháp sẽ được tiếp tục bay trở lại.
Được biết, tại Việt Nam có hàng nghìn phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng bay trong nước.
Ngày 27/6, trước những thông tin về việc nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công Pakistan dùng bằng lái máy bay giả mạo, để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.
3. Giá xăng tiếp tục tăng lên gần 15.000 đồng/lít kể từ 15h chiều 27/6
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu kế từ 15h00 chiều 27/6.
Xăng dầu đồng loạt tăng giá từ chiều ngày 27/6 |
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 868 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 893 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu tăng ở mức nhẹ hơn. Cụ thể, dầu diesel tăng 599 đồng/lít; dầu hỏa tăng 428 đồng/lít; dầu mazut tăng 581 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 14.258 đồng/lít; xăng RON 95 là 14.973 đồng/lít; dầu diesel 12.114 đồng/lít; dầu hỏa 10.038 đồng/lít; dầu mazut 10.903 đồng/kg.
Tại kỳ này, nhà điều hành thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 50 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), xăng RON 95 trích lập ở mức 200 đồng/lít (bằng kỳ trước), dầu diesel ở mức 600 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (bằng kỳ trước) và dầu mazut trích lập ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước 100 đồng/kg).
Đồng thời tiến hành chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 900 đồng/lít (kỳ trước chi 800 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 550 đồng/lít (bằng kỳ trước), không tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut (kỳ trước chi ở mức 200 đồng/kg).
Như vậy, giá xăng dầu đã có 4 lần tăng liên tiếp sau chuỗi giảm sâu do Covid-19.
4. Trung Quốc "qua mặt" Nhật Bản, Hàn Quốc, đổ 1,58 tỷ USD vào Việt Nam
Vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc, Nhật Bản về số vốn rót vào Việt Nam.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay của Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ đầu năm đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cả nước có hơn 1.400 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký của các dự án trên là 8,4 tỷ USD.
6 tháng qua, cả nước chứng kiến hơn 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn điều chỉnh trong 6 tháng qua tăng do có Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.
Qua nửa năm, trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Vốn của Trung Quốc, Thái Lan đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng qua đã vượt Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Đáng nói, 6 tháng qua, lượng vốn của các nhà đầu tư đến từ châu Âu rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Kỳ vọng việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ khuyến khích thúc đẩy đầu tư của EU vào Việt Nam.
5. 73 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
Tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ ngày 28/6, đã 73 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và hiện có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Các công nhân về hai khu cách ly của Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
Bản tin lúc 18h ngày 27/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã phát hiện thêm 2 ca mắc Covid-19 từ Kuwait trở về, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 355 ca mắc Covid-19.
Tính đến 6 giờ ngày 28/6, Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.048, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 107 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.051 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 890 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 5 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 5 ca.