Nhiều khoản nợ có tài sản bảo đảm là bất động sản được các ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công. Ảnh: Tiên Giang |
Ngày 23/3, Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu tiếp tục tổ chức đấu giá các sản phẩm thuộc Dự án Xi Grand Court (256 - 258 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP.HCM). Các sản phẩm đấu giá gồm 870 m2 tầng 5 có giá khởi điểm 41 tỷ đồng, 13.258 m2 diện tích sàn hầm B1 (220 tỷ đồng), 2.243,96 m2 diện tích thương mại dịch vụ tầng 7 (104 tỷ đồng) và 19 căn hộ (77 tỷ đồng). Tại lần đấu giá thứ 30 này, mức giá khởi điểm của các sản phẩm đã thấp hơn khá nhiều so với lần đầu tiên. Đơn cử giá khởi điểm của 19 căn hộ thấp hơn 18%, hay giá của 13.258 m2 diện tích sàn hầm B1 đã giảm tới 40%.
Tài sản đấu giá trên thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Sơn đã ủy quyền cho Sacombank. Theo chia sẻ từ một cán bộ Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu, các đợt đấu giá trước không thành do không có người tham gia đấu giá.
Cũng trong ngày 23/3, Sacombank dự kiến bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại số 28 - 30 Nguyễn Biểu, Phường 1, Quận 5, TP.HCM (diện tích 1.774 m2, đất ở đô thị có thời gian sử dụng lâu dài). Đây là lần thứ 12 tài sản này được rao bán, mức giá khởi điểm lần này là 282,2 tỷ đồng, bằng 60% mức giá khởi điểm lần đấu giá đầu tiên vào tháng 7/2022.
Thời gian qua, có những khoản nợ sau nhiều lần hạ giá khởi điểm nhưng vẫn không bán được. Đơn cử trường hợp VietinBank đấu giá khoản nợ 1.422 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà với giá khởi điểm chỉ 148 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể thành công. Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này gồm 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh tài sản trên, VietinBank cũng đang rao bán lần thứ 18 toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Giấy BBP có giá trị tạm tính đến 30/6/2022 là 389,2 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm đưa ra lần này chỉ còn gần 65 tỷ đồng; tài sản bảo đảm gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị xây dựng, lắp đặt tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Công ty Đấu giá hợp danh Đông Nam cho biết, ngoài nguyên nhân tình hình kinh tế khó khăn, việc đấu giá các khoản nợ bất thành còn có lý do khác. Ví dụ, khi mua khoản nợ, người mua sẽ trở thành chủ nợ thay ngân hàng chứ không có quyền sở hữu tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản sau đó cần căn cứ vào hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và người đi vay trước đó.
Ngoài ra, theo một cán bộ thuộc OceanBank, trong nhiều trường hợp, tài sản bảo đảm của các khoản nợ là quyền phát triển, khai thác dự án, tài sản hình thành trong tương lai chứ không phải là bất động sản, ô tô… để có thể thu giữ. Việc sang tên đầu tư một dự án cũng cần phải có sự phối hợp của bên nợ.
Giới chuyên gia phân tích, trong bối cảnh hiện nay, không dễ tìm được nhà đầu tư mua lại các khoản nợ có quy mô lớn. Bên cạnh đó, quy định thủ tục pháp lý trong xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn tồn tại những rào cản khiến nợ xấu rất khó thanh lý. Mặt khác, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tăng “bộ đệm” phòng thủ nợ xấu tiềm ẩn, nhưng áp lực nợ xấu vẫn tăng trong năm 2023 do nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.