Ảnh Internet |
Thuộc Bộ Công Thương nhưng phải đảm bảo tính độc lập
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu các ý kiến về việc quy định địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung một chương (Chương VII dự thảo Luật) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia. Ủy ban này trực thuộc Bộ Công Thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội nhằm thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức; đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, Dự thảo Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Ủy ban thực hiện nhiệm vụ tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập, tạo điều kiện thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh, khắc phục những bất cập hiện nay.
Đồng tình với đề xuất, Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, Ủy ban là cơ quan thuộc Bộ Công Thương là phù hợp. Cơ quan này không chỉ là đơn vị hành chính trực thuộc Bộ Công Thương mà còn là cơ quan bán tư pháp nên sẽ tương đối độc lập, vừa có quyền hạn, nhiệm vụ tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương, vừa giải quyết các vụ việc tố tụng cạnh tranh.
Dù đồng tình với việc Ủy ban là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, song Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, đặt trong Bộ nhưng phải đảm bảo tính độc lập bằng những quy định pháp lý.
Độc lập bằng cách nào?
Bên cạnh các đại biểu đồng tình với đề xuất Ủy ban cạnh tranh Quốc gia sẽ là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương thì Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) lại băn khoăn với địa vị pháp lý này. Theo Đại biểu Nguyễn Thành Công, cách xác định địa vị pháp lý như Dự thảo Luật là không phù hợp với tính chất quốc gia như tên gọi Ủy ban cạnh tranh Quốc gia. Hơn nữa, kinh nghiệm thế giới trong việc đảm bảo thực thi pháp luật cạnh tranh đều cho thấy, cần thiết phải đảm bảo tính độc lập của cơ quan cạnh tranh nhằm đảm bảo tính độc lập trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh kinh tế. Đây cũng là yêu cầu tiên quyết trong việc xem xét, giải quyết hành vi của DN có vi phạm cạnh tranh hay không, việc áp dụng chế tài mà không chịu áp lực…”. Để đảm bảo tính độc lập của Ủy ban trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh khách quan, công bằng thì không nên quy định Ủy ban thuộc Bộ Công Thương”, đại biểu Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhận xét, việc hình thành Ủy ban cạnh tranh Quốc gia như đề xuất là cồng kềnh, làm phình to bộ máy quản lý Nhà nước, đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng giao quá nhiều quyền cho cơ quan này dễ dẫn đến cơ chế xin-cho, do đó không có gì chắc chắn là không nảy sinh tiêu cực, tham nhũng về mặt chính sách. Đại biểu Sơn đề nghị Ban soạn thảo nên giao chức năng điều tra vụ việc cạnh tranh cho lượng lượng cảnh sát kinh tế hoặc công an; giao xử lý vụ việc cho tòa án.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, đề xuất Ủy ban thuộc Bộ Công thương là phương án tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Một mặt đáp ứng yêu cầu thực thi theo đúng chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tiếp tục tinh giản biên chế…. Mặt khác, Dự thảo Luật cũng định danh cụ thể riêng 1 chương thì cho dù thuộc Bộ Công Thương nhưng sẽ độc lập do là cơ quan bán tư pháp. Cùng với đó, vị trí Chủ tịch Ủy ban và các thành viên đều do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn thông qua các quy trình, tiêu chí; thủ tục tố tụng cạnh tranh cụ thể và chặt chẽ như trong Dự thảo Luật sẽ đảm bảo cho Ủy ban có đủ điều kiện thực thi pháp luật về cạnh tranh. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước một số ý kiến đề nghị vị trí Chủ tịch Ủy ban phải do Chủ tịch nước phê chuẩn trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng cũng như các thành viên, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng, quy định này có những điều khoản phức tạp nên cần xem xét lại tính pháp lý để phù hợp.