Bán dự án thủy điện, sức khỏe Đức Long Gia Lai ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 30/12, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá Dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng do Công ty CP Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư theo các hợp đồng thế chấp đã ký kết giữa Công ty và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Gia Lai. Sở hữu 88% cổ phần tại Công ty CP Năng lượng Tân Thượng, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai mới chính là ông chủ của Nhà máy Thủy điện Tân Thượng.
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai nắm giữ 88% cổ phần Công ty CP Năng lượng Tân Thượng. Ảnh: Tường Lâm
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai nắm giữ 88% cổ phần Công ty CP Năng lượng Tân Thượng. Ảnh: Tường Lâm

Đây là lần thứ hai tài sản này được đưa ra bán đấu giá. Tại phiên đấu giá lần này, mức giá khởi điểm là hơn 412 tỷ đồng, giảm 46 tỷ đồng so với lần đấu giá trước. Tài sản bán đấu giá là toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thuộc Dự án; các tòa nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc trong phạm vi khu đất thực hiện Dự án theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CD 929612 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 16/1/2017, hợp đồng thuê đất và các giấy tờ khác liên quan đến việc cấp đất để thực hiện Dự án của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, tài sản đấu giá còn có máy móc, thiết bị, nội thất, đồ đạc và các động sản khác hình thành từ và liên quan đến Dự án.

Tài sản đưa ra bán đấu giá chưa bao gồm công nợ liên quan đến dự án của các khoản Chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu nhưng nhà thầu chưa thực hiện, các khoản nợ này được xác định là quyền đòi nợ của Chủ đầu tư đối với nhà thầu; các phương tiện vận tải, xe ô tô hình thành từ và liên quan đến Dự án.

Nhà máy Thủy điện Tân Thượng nằm tại xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có công suất thiết kế 27 MW, cung cấp 108 triệu kWh/năm. Dự án được khởi công đầu năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng do Công ty CP Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, tính đến hết quý III/2021, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 88% cổ phần Năng lượng Tân Thượng. Đức Long Gia Lai hoạt động trong 4 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Doanh nghiệp này vừa trải qua năm 2020 thua lỗ kỷ lục khiến tình hình tài chính trở nên tiêu cực.

Cụ thể, năm 2020, Công ty ghi nhận số lỗ kỷ lục gần 930 tỷ đồng, còn năm 2019 lỗ 7,4 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2021, Đức Long Gia Lai đã có lãi trở lại 24,8 tỷ đồng, tuy nhiên tính đến hết quý III/2021, Công ty vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 837 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh không khả quan ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Công ty. Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai ở mức 7.439 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 5.007 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, phần lớn là nợ vay ngắn hạn 1.395 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 2.063 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn hơn 226 tỷ đồng.

Với tình hình kinh doanh và tài chính như trên, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2021 của Đức Long Gia Lai - đặt ra nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán này cũng cho biết, Công ty có khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.808 tỷ đồng.

Ngoài khoản nợ với BIDV, báo cáo tài chính quý II/2021 của Đức Long Gia Lai cũng cho thấy, doanh nghiệp này có một số khoản nợ lớn khác với các tổ chức tín dụng như Sacombank (228,7 tỷ đồng) và VietinBank (211,6 tỷ đồng).

Chuyên đề