Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại TP.HCM là tài sản lớn nhất của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy bị đưa ra bán đấu giá. Ảnh: NC st |
Nhiều tài sản lớn được rao bán
Tài sản có giá trị lớn nhất trong danh sách đưa ra bán đấu giá là quyền sử dụng đất (2.675 m2) và tài sản gắn liền với Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM), mức giá khởi điểm là 466,4 tỷ đồng. Được biết, Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace nằm trên đại lộ Nguyễn Lương Bằng, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thuộc sở hữu và được Tập đoàn Khải Vy đưa vào khai thác năm 2015.
Danh sách tài sản bán đấu giá còn bao gồm 8,75 triệu cổ phần Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang thuộc sở hữu của Tập đoàn Khải Vy. Giá khởi điểm của lô cổ phần này được BIDV Chi nhánh Phú Tài đề xuất ở mức 163,78 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV còn đem bán đấu giá một số tài sản khác như xe ô tô, rừng cây tại Đắk Nông, nhà xưởng và máy móc thiết bị tại Nhà máy ở Khu công nghiệp Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn, Bình Định.
Công ty CP Tập đoàn Khải Vy được vợ chồng doanh nhân Đoàn Văn Trang và Mai Thị Mai thành lập vào tháng 5/2000, tiền thân là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải. Theo giấy đăng ký kinh doanh vào cuối tháng 12/2010, Công ty có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, do vợ chồng ông Trang nắm giữ 98,5%.
Ngoài việc mở thêm các nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, đầu tư 3 triệu USD vào lĩnh vực trồng rừng ở Đắk Nông, Tập đoàn Khải Vy cũng cụ thể hóa mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành bằng việc thành lập các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và khách sạn như: Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh, Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang.
Quy mô vốn điều lệ của Khải Vy cũng nhiều lần thay đổi. Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 tới nay, vốn điều lệ của Công ty từ mức hơn 713,1 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 358,76 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Trang cũng thoái lui khỏi nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Khải Vy.
Diễn biến chuyển giao quyền lực tại Khải Vy
Đầu tiên phải kể đến chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật tại Công ty CP Tập đoàn Khải Vy đã được chuyển giao từ ông Trang cho ông Nguyễn Quốc Bảo.
Được biết trước đó, ông Bảo nắm giữ một lượng nhỏ cổ phần tại Tập đoàn Khải Vy cùng với ông Trang và bà Mai. Hiện ông Bảo cũng đảm nhiệm vai trò đại diện cho nhiều công ty khác của Khải Vy.
Còn tại Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang, vào tháng 12/2017, ông Trang rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT và chuyển giao cho ông Phạm Minh Nhựt.
Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang được thành lập vào tháng 10/2010, do Tập đoàn Khải Vy nắm giữ 82% vốn điều lệ, để đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa. Hiện Công ty có vốn điều lệ gần 643 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Trang cũng thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh (trước đây là thành viên của Tập đoàn Khải Vy) - chủ đầu tư Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM) có diện tích hơn 77.300 m2. Hiện đảm nhận vị trí người đại diện theo pháp luật và Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh là ông Trần Tựu - người có nhiều mối liên hệ với Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh (nhà phát triển bất động sản có tiếng ở khu vực phía Nam).