Bác bỏ kiến nghị hỗ trợ các loại thuế với sản xuất, lắp ráp ô tô điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đã đề nghị bỏ kiến nghị về trợ cấp 1.000 USD khi mua xe điện, đồng thời bác bỏ nhiều kiến nghị hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc xe điện.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại Văn bản số 8084 gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã đề nghị bỏ kiến nghị hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, lắp ráp tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc cho xe ô tô điện.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn vừa qua, luật về thuế, phí, lệ phí đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của đất nước từng thời kỳ cũng như các yêu cầu về phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Trong số đó, đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghệ hỗ trợ ô tô, bao gồm cả các sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao.

Liên quan đến các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải đề xuất có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu xe ô tô điện, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề xuất không điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các dòng xe điện nguyên chiếc.

Theo Bộ Tài chính, việc đặt vấn đề miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô điện nguyên chiếc như kiến nghị của một số doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện trong nước, gây áp lực lên hạ tầng giao thông và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Về các ưu đãi miễn, giảm thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về thuế hiện hành đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất lắp ráp xe ô tô điện trong nước và pin xe điện, không chỉ ưu đãi đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sản xuất xe ô tô điện mà còn có ưu đãi thuế có thời hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ôtô điện, pin xe điện.

Các chính sách ưu đãi thuế này vẫn đang trong quá trình thực hiện. Bộ Tài chính cho rằng, cần có thời gian tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách ưu đãi thuế này qua quá trình thực hiện so với mục tiêu đề ra, trước khi đặt vấn đề bổ sung các chính sách mới để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của đất nước cũng như ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn tới đây.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị, Bộ Giao thông vận tải bỏ các đề xuất về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, nhập khẩu xe ôtô điện tại dự thảo báo cáo mà chỉ nên đề xuất theo hướng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ô tô điện đã được ban hành, đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá các chính sách này để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở Việt Nam ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

"Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, Nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp vì những người sử dụng ô tô, đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội", Bộ Tài chính nhận định.

Chuyên đề