Ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế đều suy giảm

Mặc dù các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, song tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện dấu hiệu chững lại, lạm phát có tín hiệu tăng lên.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,9% trong quý I, kém xa cùng kỳ năm ngoái
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,9% trong quý I, kém xa cùng kỳ năm ngoái

Đây là những nhận định không mấy lạc quan về bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra, cùng với những cảnh báo về nhiều thách thức mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong các quý tới.

Ba trụ cột tăng trưởng đều suy giảm

Đánh giá về tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011; chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 5 năm vừa qua.

Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh (-4,8%) so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng chậm, giá trị xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 4,1%, trong đó xuất khẩu dầu thô, nguồn thu chính của Ngân sách Nhà nước giảm mạnh tới 52,8%.

Cả ngành nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng đều tăng trưởng âm, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp chủ lực là khai khoáng sụt giảm khá mạnh.
Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, so với mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch Quốc hội đề ra cho năm 2016 là 6,7%, trong khi năm 2015 đạt 6,68%, mức tăng trưởng quý I là không cao.

Ông Tuyến đã chỉ ra những khó khăn chính tác động mạnh tới 3 trụ cột tăng trưởng khiến nền kinh tế quý I suy giảm và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng cả năm.

Theo đó, cả ngành nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng đều tăng trưởng âm, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp chủ lực là khai khoáng sụt giảm khá mạnh, chỉ đạt 98,8% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái, tương đương với giai đoạn khó khăn năm 2014, do sản lượng dầu thô khai thác chỉ đạt 96,3% so với cùng kỳ 2015. Cùng với đó, ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 7,9%, kém xa so với mức tăng 9,7% của quý I/2015.

“Ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm nay tăng trưởng thấp chủ yếu do các ngành dệt may, giày da, sắt đúc sẵn, sản xuất ô tô hầu hết có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân là vì đơn đặt hàng, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào đều giảm sút mạnh trong 3 tháng đầu năm. Mặt khác, một số ngành sản xuất quan trọng như ô tô và sản phẩm khác đều đang chờ đợi việc chuẩn bị triển khai các hiệp định thương mại vừa ký kết nên đều chững lại”, ông Tuyến phân tích.

Hợp sức thúc nền kinh tế 9 tháng tới

Trước những tín hiệu sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, các quý còn lại của năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn cả từ chủ quan và khách quan. Đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Bên cạnh đó, mặc dù giá dầu thô gần đây có xu hướng tăng trở lại, song dự báo vẫn ở mức thấp, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, khiến thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan giảm đi. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, không kích thích sản xuất, làm giảm tăng trưởng kinh tế…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2016, theo ông Hà Quang Tuyến, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp để vực dậy tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo cân đối các trụ cột kinh tế.

Cụ thể, theo ông Tuyến, ngành nông nghiệp cần có giải pháp quyết liệt để chống hạn hán và xâm nhập mặn. Chính phủ cần chỉ đạo khôi phục sản xuất ngành khai thác dầu khí, đặc biệt là các mỏ có hiệu suất cao để tận dụng cơ sở vật chất của ngành và lao động hiện có. Nếu 9 tháng còn lại khai thác được thêm 2 triệu tấn dầu so với kế hoạch 14 triệu tấn đã đề ra, thì sẽ có đóng góp nhiều cho tăng kinh tế cuối năm.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nếu có sự chỉ đạo quyết liệt về chính sách phát triển, đảm bảo nhập nguyên liệu tốt, để có thể duy trì mức tăng 12-13%/năm thì cũng sẽ đóng góp nâng mức tăng trưởng cuối năm.

Về dịch vụ, hiện có điểm sáng về vận tải là đã có đơn hàng vận chuyển ra nước ngoài, dịch vụ hàng không, du lịch đều có lượng khách khá lớn, cần giữ được đà tăng trưởng này. Kết hợp tất cả các yếu tố kể trên mới có thế đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2016.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư