Ba gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học phát sinh kiến nghị tại Thanh Hóa: Nhà thầu nào được trao hợp đồng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa (Chủ đầu tư) vừa công bố trao hợp đồng 3 gói thầu thuộc Kế hoạch Mua sắm trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 3 gói thầu thu hút các nhà thầu lớn trong lĩnh vực thiết bị học đường.
Trong quá trình mời thầu, 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tại Thanh Hóa đều phát sinh kiến nghị xoay quanh một số yêu cầu được cho là có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh tại cuộc thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trong quá trình mời thầu, 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tại Thanh Hóa đều phát sinh kiến nghị xoay quanh một số yêu cầu được cho là có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh tại cuộc thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

3 gói thầu nêu trên lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, lần lượt được mở thầu trong ngày 3 và 5/10/2022, do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Sake (Thanh Hóa) làm bên mời thầu.

Kết quả, tại Gói thầu số 04 (giá dự toán 27,606 tỷ đồng), Công ty TNHH Á Châu Thanh Hoa được phê duyệt trúng thầu với giá 26,849 tỷ đồng, giảm giá 2,7% sau đấu thầu. Nhà thầu còn lại là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Thanh Hoa - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thiết bị trường học Thiên Kim - Công ty CP Tân Nam JSC đề xuất giá dự thầu 27,021 tỷ đồng.

Tại Gói thầu số 05 (giá dự toán 27,592 tỷ đồng), nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xuất bản giáo dục - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Sơn - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đại Phát với giá 26,182 tỷ đồng, giảm 5,1% so với dự toán.

Gói thầu số 06 (giá dự toán 27,487 tỷ đồng) thu hút sự tham gia cạnh tranh của 2 nhà thầu. Trong đó, Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục TSV Việt Nam - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Gia Khang trúng thầu với giá 26,208 tỷ đồng, tiết kiệm 4,6% sau đấu thầu. Liên danh Công ty TNHH Thiết bị công nghệ Sun Edu - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Sơn đề xuất giá dự thầu 27,05 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, phần lớn các nhà cung cấp kể trên từng tham dự và trúng những gói thầu mua sắm tập trung thiết bị giáo dục quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư và Xuất bản giáo dục vừa được công bố trúng Gói thầu Mua sắm thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho lớp 6 các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2022, tổng giá trị hợp đồng trên 35 tỷ đồng.

Tháng 7/2022, Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Sơn - Công ty TNHH Thiết bị công nghệ Sun Edu được Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao hợp đồng Gói thầu số 04 Trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 trên địa bàn Tỉnh với giá 20,626 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau lựa chọn Liên danh Công ty TNHH Á Châu Thanh Hoa - Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Thanh Hoa là nhà cung cấp tại Gói thầu Mua sắm thiết bị lớp 2 thuộc Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, giá trị 50,536 tỷ đồng...

Trong quá trình mời thầu, 3 gói thầu đều phát sinh kiến nghị xoay quanh một số yêu cầu được cho là có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh tại cuộc thầu. Cụ thể, đối với hợp đồng tương tự, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu “có tính chất tương tự là hàng hóa có cùng mã Chương, mã Nhóm (tương ứng với 4 số đầu tiên của bộ mã) trong Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS - Harmonized Commodity Description and Coding System) theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phát hành (gọi chung là mã HS). Mã HS căn cứ theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính”. Theo phản ánh của nhà thầu, việc dùng mã HS trong xác định, đánh giá tính chất tương tự của hàng hóa là một điểm mới tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT. Tuy nhiên, 3 gói thầu nêu trên được mời thầu trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, các hợp đồng tương tự mà nhà thầu thực hiện trước đó chỉ đáp ứng tính tương tự ở phạm vi rộng hơn về chủng loại và tính chất. Do đó, đây là yếu tố giới hạn sự tham dự của nhà thầu tại 3 gói thầu này.

Ngoài ra, HSMT yêu cầu nhà thầu “có giấy phép bán hàng/giấy chứng nhận là nhà phân phối hoặc đại lý sản phẩm của nhà sản xuất/thư hỗ trợ của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối hoặc đại lý sản phẩm của nhà sản xuất đối với hàng hóa có tính chất đặc thù như là cảm biến lực, cảm biến nhiệt độ, bộ thu nhận số liệu. Tất cả các thiết bị trên phải có catalogue của nhà sản xuất”. Theo nhà thầu, những hàng hóa kể trên không phải là hàng hóa đặc thù, do đó, việc HSMT yêu cầu những dạng tài liệu (bản gốc) tương đương giấy phép bán hàng là làm khó nhà thầu.

Trong khi đó, Bên mời thầu khẳng định, các thiết bị cảm biến lực, cảm biến nhiệt độ, bộ thu nhận số liệu không phải là những hàng hóa thông dụng (qua tham khảo và tìm hiểu trên thị trường tỉnh Thanh Hóa không có bán các sản phẩm trên), nên yêu cầu như tại HSMT là hoàn toàn phù hợp với quy định.

Chuyên đề