Ảnh Internet |
Cơ hội kết nối kinh doanh cho DN Việt Nam
Tại buổi họp báo giới thiệu các hoạt động của DN trong năm APEC Việt Nam 2017 diễn ra ngày 12/1 tại Hà Nội, ông Lộc cho rằng, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017 là cơ hội vàng cho DN Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2017 trong hợp tác kinh tế. Nhưng không chỉ có vậy, đây còn là cơ hội để tăng thêm những giá trị gia tăng khác cho DN Việt Nam, thúc đẩy đầu tư, gia tăng giao lưu thương mại...
Do đó, theo ông Lộc, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ có nhiều sự kiện và hoạt động liên quan đến DN được tổ chức do VCCI chủ trì như: Hội nghị Thượng đỉnh các lãnh đạo DN APEC (APEC CEO Summit 2017); Hội nghị Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC 4 (ABAC 4); Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với thành viên ABAC; Diễn đàn khởi nghiệp APEC...
“Đây sẽ là diễn đàn để cho DN đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC, tiếp cận với những xu hướng kinh doanh mới trên toàn cầu, môi trường đầu tư kinh doanh, mô hình tổ chức kinh doanh và những đổi mới sáng tạo trong hoạt động DN”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhận định về các cơ hội cho DN Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng, các sự kiện của APEC 2017 cũng là cơ hội quảng bá các thế mạnh của Việt Nam. Đối với các DN, đây là các cơ hội quan trọng để mở rộng hợp tác kinh doanh trong khu vực, mở rộng tầm nhìn, xây dựng ý tưởng kinh doanh, tìm kiếm và ký kết các thỏa thuận, hợp đồng...
Vai trò của APEC ngày càng tăng
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục cùng với các thành viên APEC thúc đẩy tự do thương mại và phát triển bền vững.
Sở dĩ cơ chế APEC nhận được nhiều quan tâm như vậy, theo ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017, bởi vì đây là diễn đàn hội tụ các nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada... cho tới những nền kinh tế mới nổi, năng động như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, New Zealand... Tiềm lực kinh tế của các nền kinh tế APEC rất lớn, chiếm 60% GDP thế giới, 40% dân số thế giới, 60% thương mại thế giới, 50% đầu tư trực tiếp nước ngoài... Đây còn là một trong những cơ chế hợp tác có sự tương tác chặt chẽ giữa kênh chính phủ và DN, từ lãnh đạo cấp cao đến cấp chuyên gia, công và tư. APEC cũng là cơ chế đi đầu thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Vì thế, nhiều tập đoàn đa quốc gia và hàng đầu khu vực mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nền kinh tế trong khu vực này, trong đó có Việt Nam. APEC được xem như là một cứu cánh của các nền kinh tế trong khu vực này trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và phát triển bền vững.