Áp lực tăng tỷ giá vẫn đang tiềm ẩn

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố chưa tăng lãi suất và sẽ không quá gay gắt trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm tới, sau khi tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn dự báo. 
Trong 2 quý cuối năm, việc duy trì ổn định tỷ giá sẽ khó khăn hơn, bởi khả năng tăng lãi suất đồng USD của FED đã rõ ràng
Trong 2 quý cuối năm, việc duy trì ổn định tỷ giá sẽ khó khăn hơn, bởi khả năng tăng lãi suất đồng USD của FED đã rõ ràng

Đồng USD cũng vì thông tin này mà tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ mạnh.

Trước thông tin này, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nhận định, quyết định của FED có lẽ là một tin tốt cho thị trường ngoại hối Việt Nam khi tỷ giá trên thị trường bắt đầu giảm xuống, dao động trong biên độ 22.305 - 22.310 VND/USD. Tỷ giá xuống thấp nên rất nhiều khả năng thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục mua ngoại tệ từ doanh nghiệp thông qua các ngân hàng, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng sẽ thực hiện mục tiêu hạ lãi suất VND.

Một quan chức của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho biết: “Nhu cầu mua USD của doanh nghiệp khá thấp, nên NHNN sẽ dễ dàng mua về ngoại tệ và điều này cũng phần nào thể hiện trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa có nhiều cải thiện".

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, nếu FED tăng lãi suất, giá trị của đồng đô-la Mỹ sẽ tăng lên khiến tỷ giá có thể chịu áp lực tăng, nhưng khi không tăng lãi suất, thị trường ngoại hối Việt Nam có cơ hội ổn định thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, không thể chủ quan, bởi FED có thể tăng lãi suất vào bất cứ thời điểm nào từ nay đến cuối năm và điều này có nghĩa, thị trường ngoại hối vẫn tiềm ẩn biến động giá mạnh.

"Nhu cầu mua USD của doanh nghiệp khá thấp, nên NHNN sẽ dễ dàng mua về ngoại tệ và điều này cũng phần nào thể hiện trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa có nhiều cải thiện".
“Đó chỉ là một phía, còn vấn đề nữa đó là đồng Nhân dân tệ hiện vẫn đang tiếp tục mất giá và điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Theo hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc, ngày 6/6, tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ đã tăng 296 điểm cơ bản, lên 6,5497 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Đây là mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ hôm 29/4, khi tỷ giá tham chiếu tăng 365 điểm cơ bản.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB phân tích, lãi suất USD tăng sẽ tác động toàn cầu, chứ không riêng Việt Nam. Nếu xét về yếu tố bên ngoài nào tác động đến đồng tiền Việt Nam, chỉ có quyết định của FED đối với việc tăng lãi suất và sự biến động của đồng Nhân dân tệ là rõ ràng nhất. Đương nhiên, FED tăng lãi suất thì đồng USD tăng giá, các đồng tiền khác sẽ bị mất giá và đồng tiền Việt Nam nằm trong rổ tiền tệ nên sẽ không là ngoại lệ. Còn tại sao lại là đồng Nhân dân tệ mà không phải là các đồng tiền khác, bởi tỷ trọng giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 30%, nên Trung Quốc phá giá 1% thì đồng Việt Nam mất giá vào khoảng 3%.

“Tuy nhiên, tác động sâu rộng của đồng Nhân dân tệ lên đồng Việt Nam theo tôi là không có, bởi điểm căn cơ nhất là yếu tố nội tại của Việt Nam hiện đang rất tốt, nên không có lý do để bị mất giá nhiều. Cụ thể, dòng vốn FDI tiếp tục tăng như số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015, và ước tính đến ngày 20/5/2016, các dự án FDI đã giải ngân được 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015…, tức là dòng tiền về rất dồi dào. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối cũng đang tăng mạnh. Đó là những điểm cộng để đồng tiền Việt Nam ổn định”, ông Trung cho biết.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 của UBGS cho rằng, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do vẫn được giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm (22.290 - 22.320 VND/USD). Tính đến 20/5/2016, tỷ giá trung tâm có điều chỉnh tăng nhẹ 0,4% so với đầu tháng 5, nhưng chỉ tăng 0,1% so với đầu năm.

Chỉ số CDS (chỉ số đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu chính phủ) và tỷ giá kỳ hạn NDF (chỉ số đánh giá kỳ vọng của thị trường vào tỷ giá) đều có xu hướng giảm nhẹ, cho thấy kỳ vọng vào tỷ giá hiện đang khá ổn định. Thị trường ngoại hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào (cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá) đã tạo điều kiện giúp NHNN mua được lượng lớn dự trữ ngoại tệ.

“Dù vậy, việc duy trì ổn định tỷ giá trong 2 quý cuối năm sẽ khó khăn hơn do: thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu tăng; thứ hai, khả năng tăng lãi suất của FED dần rõ ràng hơn; thứ ba, những bất ổn và rủi ro đến từ nền kinh tế Trung Quốc khiến đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá”, Báo cáo của UBGS nhấn mạnh.

Chuyên đề