ANZ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,4% trong năm 2017. |
Bà Eugenia Fabon Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mekong và ASEAN của Ngân hàng ANZ nhận định, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có thể tiếp tục được kiềm chế trong thời gian tới là căn cứ để đưa ra dự báo về lãi suất.
“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ thiên hướng tăng trưởng và lãi suất thấp là một trong những biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế”, bà Eugenia Victorino cho biết tại buổi họp báo chiều 24/2 về triển vọng kinh tế năm 2017.
Lý giải về dự báo trái ngược giữa lạm phát và lãi suất trong năm nay khi ANZ cho rằng CPI của Việt Nam sẽ tăng 4,8%, cao hơn so với năm 2016, chuyên gia của ANZ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến lạm phát tiếp tục tăng là dư âm của hai đợt điều chỉnh giá y tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng, song lạm phát lõi của Việt Nam vẫn còn thấp.
“Nguyên nhân của lạm phát sẽ được triệt tiêu vào cuối năm 2017 khi dư âm của đợt điều chỉnh giá không còn. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn có đủ dư địa để duy trì lãi suất ở mức thấp”, bà Eugenia Victorino nhận định.
“ANZ đã thực hiện nhiều cuộc trao đổi với các khách hàng của ngân hàng và các chuyên gia, đa phần các ý kiến đều cho thấy góc nhìn tích cực về khu vực nông nghiệp trong năm 2017”, chuyên gia của ANZ nhận định.
Cũng theo đánh giá của ANZ, việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua sẽ không mang quá nhiều tác động tiêu cực đến Việt Nam. Ông Khoon Goh - Trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á thuộc ANZ cho rằng, khi Mỹ rút ra khỏi TPP, xu hướng toàn cầu hóa cũng sẽ không vì thế mà kết thúc. Trọng tâm của các quốc gia trong TPP sẽ thay đổi, thay vào đó các quốc gia này sẽ chú trọng hơn vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác, có thể kể đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
“Với việc đẩy nhanh quá trình đàm phán và ký kết RCEP trong thời gian tới, ngoài ra là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), khi đó Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, ông Khoon Goh nhận định.
Theo bà Eugenia Victorino, mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro với tiến trình toàn cầu hóa nhưng Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia dẫn đầu làn sóng công nghiệp hóa cuối cùng tại Đông Nam Á.
“Việt Nam đã đa dạng được các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, đây là bước đệm quan trọng giúp quốc gia tránh được những cú sốc từ thị trường bên ngoài, khi một thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng”, bà Eugenia Victorino cho biết.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro về dòng vốn nước ngoài có thể bị tác động, đặc biệt khi chính phủ mới dưới thời tổng thống Donald Trump có dấu hiệu thắt chặt thương mại và làm chậm lại quá trình toàn cầu hóa. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của ANZ, việc dòng vốn bị rút ra tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sẽ tác động chính đến giá cả tài sản như chứng khoán, trái phiếu hay tỷ giá, nhưng không tác động đến sản xuất và nền kinh tế thực.
Một trong những dự báo của ANZ năm 2017 là tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 2% cũng một phần do nguyên nhân này. Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á, ông Khoon Goh nhận định, với triển vọng kinh tế Mỹ sẽ tốt lên, ANZ dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm tới, và khi đồng USD mạnh lên sẽ tác động đến chính sách tỷ giá của Việt Nam.
“Dự báo về tỷ giá USD/VND sẽ tăng vượt 23.200 vào tháng 12/2017 của ANZ không phải dự báo tiêu cực hay rủi ro cho Việt Nam. Đây đơn thuần là do đồng USD mạnh lên nhờ việc tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ”, ông Khoon Goh cho biết.