Ấn tượng với nhà đầu tư F0

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong một quán café tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, nhóm nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu ngồi tất niên trong tiếng nói cười rổn rảng. Những tưởng 2020 là năm bỏ đi với dân “cổ cánh” khi Covid-19 tàn phá nhiều lĩnh vực kinh doanh, thì thật bất ngờ, đây lại là năm thành công “không tưởng”. Cả cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp (DN)… đều có thể bật champagne nâng cốc ăn mừng. Liệu “bữa tiệc” này còn kéo dài trong năm 2021?
Chứng khoán không phải là nơi dễ kiếm tiền, đặc biệt là đối với những “tay mơ”. Ảnh: Tiên Giang
Chứng khoán không phải là nơi dễ kiếm tiền, đặc biệt là đối với những “tay mơ”. Ảnh: Tiên Giang

Thiết lập nhiều kỷ lục

Năm 2020, thị trường chứng khoán chứng kiến tốc độ hồi phục đáng kinh ngạc kể từ khi thành lập (năm 2000) đến nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12 chỉ số VN-Index đạt 1.103 điểm, tăng 67% so với đáy thiết lập ngày 24/3 và cao hơn 14,9% so với cuối năm 2019 (năm 2019 mức tăng trưởng của VN-Index chỉ là 7,67% so với cuối năm 2018).

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp tăng điểm vào tháng 9 và tháng 10/2020 với mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Lần đầu tiên hệ thống công nghệ của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị “lag” (lệnh mua bán của nhà đầu tư vào hệ thống chậm, thậm chí không vào được) do thanh khoản tăng lên đột biến. Kỷ lục thanh khoản trong năm 2020 thuộc vào ngày 15/6 với tổng giá trị 3 sàn đạt hơn 23.500 tỷ đồng nhờ giao dịch thỏa thuận hơn 201 triệu cổ phiếu VHM và hơn 897 triệu cổ phiếu được sang tay. Nếu hệ thống giao dịch suôn sẻ, việc giá trị giao dịch cán mốc 1 tỷ USD/phiên trong năm 2020 không phải là điều gì quá khó khăn.

Số nhà đầu tư mở tài khoản phá mọi kỷ lục thuộc về tháng 12/2020 khi nhà đầu tư trong nước đã mở mới 63.243 tài khoản. Trong đó, riêng nhà đầu tư cá nhân mở mới 63.075 tài khoản, tăng hơn 53% so với tháng 11/2020 và cũng là tháng có con số mở mới tài khoản cao nhất từ trước đến nay. Khép lại năm 2020, tài khoản giao dịch trong nước chiếm 2,73 triệu tài khoản, trong đó tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm 99,5%. Số tài khoản giao dịch nước ngoài đạt 35.071 tài khoản.

Điểm số, thanh khoản, nhà đầu tư mới tham gia thị trường… tăng vọt đã giúp chứng khoán Việt Nam năm 2020 có được vốn hóa cao nhất từ trước đến nay. Đến 31/12/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.

Ấn tượng dòng vốn giá rẻ và những nhà đầu tư F0!

Có thể nói, thành tựu đạt được của thị trường chứng khoán năm qua là sự hội tụ của các yếu tố: nhà đầu tư mới, sự kỳ vọng mới và mấu chốt là dòng vốn giá rẻ.

Nhà đầu tư F0 - tiếng “lóng” chỉ nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường - xuất hiện ồ ạt trên thế giới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020. Dịch bệnh khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa trên diện rộng. Các kênh kinh doanh, đầu tư bị thu hẹp và người dân phải ở nhà, phần lớn giao dịch qua mạng. Từ đây vô tình hình thành một lớp nhà đầu tư chứng khoán mới được đánh giá là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên tại nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, nhằm chống chọi sự ảnh hưởng ghê gớm của dịch bệnh, chặn đà suy thoái của nền kinh tế, hàng loạt gói kích thích quy mô lớn chưa từng có được các quốc gia bung ra. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm thông qua các kênh truyền dẫn chính sách. Trong khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn như: bất động sản (đòi hỏi vốn lớn, không phải ai cũng đầu tư được), vàng trồi sụt với biên độ lớn, rất rủi ro; ngoại tệ cũng tương đối ổn định thì chứng khoán được ưu tiên lựa chọn do thanh khoản tốt. Sức nóng của kênh đầu tư cổ phiếu lại càng thôi thúc nhiều người tham gia.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, động lực hỗ trợ thị trường đi lên mạnh mẽ ngoài câu chuyện dòng vốn rẻ (trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất cơ bản khiến lãi suất tiền gửi giảm kỷ lục), nhà đầu tư F0 đông đảo, phải kể tới việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã biến Việt Nam trở thành một “ốc đảo” bình yên trên thế giới. Điều này giúp Việt Nam duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh… và hấp dẫn nhà đầu tư toàn cầu.

2020 là một trong những năm các tổ chức quốc tế dành nhiều đánh giá tích cực đối với Việt Nam. Đây không phải là những nhận xét mang tính xã giao, màu hồng mà nó phản ánh thực tế những nỗ lực Việt Nam làm được. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đau đầu với chống dịch thì Việt Nam duy trì trạng thái “bình thường mới”, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra.

“Bữa tiệc” liệu có kéo dài?

Thị trường chứng khoán nửa đầu tháng 1/2021 qua đi như mơ khi tăng điểm liên tục 7 phiên.

Tuy nhiên, cơn “sóng thần” ập tới làm choáng váng cả thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư F0. Chứng khoán rõ ràng không phải là nơi dễ kiếm tiền, đặc biệt là đối với những tay mơ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1, chỉ số VN-Index giảm 60,94 điểm, có thời điểm trong phiên, chỉ số này rơi “tự do” 74,71 điểm.

Không có tin tức gì xấu từ cả góc độ vĩ mô lẫn DN, từ trong nước đến ngoài nước…, nhưng chỉ số VN-Index lại giảm điểm kỷ lục. Nhà đầu tư cố đi tìm căn nguyên nhưng không có bất cứ câu trả lời nào rõ ràng. Người thì cho rằng thị trường đã tăng khá nóng, sau vài phiên chinh phục bất thành đỉnh 1.200 điểm thiết lập năm 2018 thì quay đầu giảm mạnh. Có ý kiến khẳng định việc hệ thống công nghệ của HOSE quá tải, nhà đầu tư không thể mua bán như dự định dẫn đến tâm lý hoảng loạn, bán tháo nhằm bảo toàn thành quả.

Cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào, việc thị trường giảm mạnh khiến nhà đầu tư nhận ra rằng chứng khoán là kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro! Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để lo ngại rằng sau những cú sốc kể trên, nhà đầu tư sẽ rút tiền ra khỏi thị trường. Bởi việc lựa chọn kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn vào lúc này là không dễ dàng. Mặt khác, đầu tư chứng khoán là kinh doanh kỳ vọng. Xét từ yếu tố kỹ thuật và các yếu tố nội tại của nền kinh tế và DN, việc thị trường tiếp tục tăng trưởng và chinh phục đỉnh cao mới trong năm 2021 là dự báo được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức tài chính trung gian đưa ra.

Cho dù có nhiều tin tốt hỗ trợ cùng các nhận định lạc quan nhưng không ai nói trước được điều gì bởi bất ngờ luôn xảy ra trên thị trường chứng khoán. Chỉ biết rằng, lãi suất, lạm phát có tăng hay không, dòng tiền có rút ra hay không và việc kiểm soát dịch bệnh ra sao là những chỉ báo quan trọng hàng đầu tác động đến việc ra quyết định của nhà đầu tư trong năm nay.

Chuyên đề