“Ẩn số” giá vàng

(BĐT) - Thị trường vàng trong nước tiếp tục “dậy sóng” với các bước tăng giá rất lớn, thiết lập kỷ lục mới. Lực đẩy mạnh nhất của giá vàng là diễn biến của dịch bệnh Covid -19. Sự khó lường của dịch bệnh cũng khiến giá vàng càng trở nên khó dự đoán trong thời gian tới. Đáng chú ý, mặc dù tăng mạnh, giá vàng quốc tế vẫn chưa vượt qua mốc lịch sử.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng. Ảnh: st
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng. Ảnh: st

Chỉ trong một ngày, giá vàng trong nước đã tăng đến hơn 2,6 triệu đồng/lượng. Mở đầu phiên giao dịch sáng 24/2, giá vàng SJC phổ biến ở mức 46,25 - 46,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Đến 17 giờ chiều cùng ngày, giá vàng cùng loại tăng vọt lên mức 47,8 - 49,4 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 2,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, giá vàng trong nước đã tăng đến gần 16%. Như vậy, giá vàng trong nước đã vọt qua mức đỉnh 48 triệu đồng/lượng xác lập từ tháng 9/2011.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay cũng tăng mạnh lên mức 1.686,9 USD/oz vào 17 giờ chiều 24/2. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 11%. Tuy nhiên, giá vàng thế giới vẫn chưa vượt qua mức đỉnh 1.900 USD/oz xác lập tháng 9/2011.

Giới chuyên gia thị trường vàng thế giới cho rằng, diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh và bất ổn địa chính trị thế giới khiến vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn, nhiều khả năng có thể vượt các mốc giá lịch sử.

Còn theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nếu diễn biến dịch Covid-19 không quá bất thường như những ngày gần đây thì giá vàng khó có thể tăng vọt như vậy.

Trong ngắn hạn, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới giá vàng chính là diễn biến dịch bệnh. Qua cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa biết dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, vẫn còn rất nhiều yếu tố khó lường.

Đáng chú ý, dịch bệnh bùng phát từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, còn được gọi là “công xưởng” của thế giới và có dân số hơn 1,4 tỷ người. Do đó, khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc tạm thời chậm lại do dịch bệnh lập tức ảnh hưởng đến cung và cầu của cả thế giới. Do đó, nếu GDP của Trung Quốc không tăng hoặc giảm chắc chắn tác động đến GDP toàn cầu.

“Hơn nữa, khi kinh tế khó khăn, nhiều nước sẽ tính đến và triển khai các gói kích cầu tài khóa và tiền tệ, đây cũng là miếng “mồi ngon” cho giá vàng”, ông Hải nhấn mạnh. Bởi khi lượng tiền lớn được bơm ra tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao và vàng sẽ được lựa chọn là nơi “trú ẩn”.

Hiện tại, mức tăng của giá vàng trong nước đã vượt mức tăng của giá vàng thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Lý giải về mức chênh lệch quá lớn này, ông Hải cho rằng, nếu đầu tư vào vàng từ đầu năm thì tỷ lệ sinh lời ở mức rất cao so với các kênh đầu tư khác, do đó nhiều người có tâm lý đầu cơ. Về phía các công ty kinh doanh vàng, dự báo khả năng vàng còn tiếp tục tăng giá nên họ “ra tay” trước để phòng trường hợp họ bán vàng ra mà không mua lại được.

Về diễn biến giá vàng trong thời gian tới, ông Hải cho rằng, không thể dự đoán được bởi thị trường này bị tác động mạnh từ diễn biến dịch bệnh. Do đó, thời điểm này có thể lựa chọn cách đầu tư đánh nhanh rút nhanh, chốt lời hoặc cắt lỗ triệt để. “Nếu dịch bệnh được khống chế, hoặc có chuyển biến tích cực từ việc chế ra vaccine thì nhiều khả năng giá vàng quay đầu giảm và ngược lại. Thế nên, nhà đầu tư vàng cần hết sức thận trọng chọn thời điểm giao dịch”, vị chuyên gia của VGB nhấn mạnh.

Chuyên đề