“Đất vàng” rộng hơn 6,2 ha của Công ty CP Cao su Sao Vàng tại 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia địa ốc. Ảnh: Lê Tiên |
Theo giới đầu tư, một trong những tài sản đáng giá nhất của SRC là dự án bất động sản trên khu đất đắc địa 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Những ai đang sát cánh cùng SRC tại dự án này?
Cái tên mới - Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Phát
Kế hoạch đầu tư xây dựng một dự án bất động sản cao cấp trên khu đất “đắc địa” 231 Nguyễn Trãi của SRC “nóng” lên từ năm 2010 khi có chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.
Từ nhiều năm nay, khu đất rộng hơn 6,2 ha này đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia địa ốc. Năm 2012, SRC đã trình các cổ đông phương án 2 nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP Bất động sản Việt Hưng có chủ trương đầu tư. Thế nhưng, phương án này đã vấp phải sự phản đối từ các cổ đông, với lý do là chưa định giá rõ khu đất và năng lực đối tác. Do vậy, sau nhiều năm, Dự án vẫn án binh bất động.
Đến năm 2016, SRC và Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư để cùng góp vốn thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại 231 Nguyễn Trãi. Hai bên đã thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Hoành Sơn góp 74%, còn SRC góp 26%.
Tại sao lại là con số 26%?
Khoản 2, Điều 8 Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ) quy định: “Trường hợp doanh nghiệp phải di dời liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất thì pháp nhân mới phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, đồng thời doanh nghiệp phải di dời phải có phần vốn góp không thấp hơn 26% trong vốn điều lệ của pháp nhân mới”.
Vì vậy, ngay cả khi Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn tăng vốn điều lệ thì SRC vẫn sở hữu 26% - tỷ lệ tối thiểu đủ để 6,2 ha đất tại 231 Nguyễn Trãi không bị đấu giá hay thu hồi.
Cụ thể, đầu năm 2017, Sao Vàng - Hoành Sơn đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Trong đó, SRC vẫn nắm giữ 26% (tương đương 130 tỷ đồng), còn Hoành Sơn sở hữu 44,5% (tương đương 222,95 tỷ đồng). Đáng chú ý, tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn còn có Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Phát với tỷ lệ sở hữu 29,4% (tương đương 147 tỷ đồng).
Sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới
Trước thời điểm thoái vốn, “ghế” nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của SRC cũng có thay đổi. Cụ thể, 1 thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS - được cho là người của Vinachem - đã có đơn từ nhiệm. 1 thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Công Tuấn (đại diện cho cổ đông Công ty CP Đầu tư Cao Su Quảng Nam) cũng được đề nghị miễn nhiệm.
Bên cạnh đó, một nhóm cổ đông đại diện cho 19,02% cổ phần SRC đã có đơn đề cử 2 thành viên vào HĐQT và 1 thành viên vào BKS.
Kết quả, đơn đề cử của nhóm cổ đông trên đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, gồm: ông Nguyễn Văn Hùng, ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Hồng Phượng. Được biết, ông Hùng là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Phát. Vì vậy, không ngoại trừ khả năng cả ba cá nhân này đều có liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Phát.
Trong một diễn biến khác, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của SRC, số lượng cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 22.427.980 cổ phần trên tổng số 28.063.368 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 79,9272%. Trong đó, chỉ riêng Vinachem đã đại diện cho 14.313.915 cổ phần, chiếm tới 63,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Đại hội. Với ảnh hưởng lớn như vậy, nhóm cổ đông đại diện cho 19,02% cổ phần SRC muốn đề cử người vào “ghế nóng”, dĩ nhiên phải nhận được sự đồng thuận từ Vinachem.
Đã có những lo ngại việc Vinachem cho phép nhóm cổ đông nắm giữ 19,02% cổ phần góp mặt vào 2/5 ghế trong HĐQT và 1/3 ghế trong BKS sẽ làm giảm sức hút của đợt bán vốn nhà nước tại SRC, vì cổ đông mới vào mua với tỷ lệ 15% rất khó có một ghế trong HĐQT. Và do vậy, cổ đông mới cũng khó có thể “chạm” vào tài sản quý giá nhất của SRC là Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở trên khu đất 6,2 ha tại 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên bán đấu giá cổ phần SRC.