AI: Cơ hội và thách thức cho báo chí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh khó khăn dường như bất tận, sự kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) khiến ngành tin tức/báo chí như được gieo thêm hy vọng, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên nhiều lo ngại.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Các nền tảng mạng xã hội tiếp tục là cánh cửa tin tức

Báo cáo mới nhất về thế giới tin tức kỹ thuật số của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho thấy, nền tảng mạng xã hội tiếp tục thay đổi cách người dùng tiếp cận với thông tin mới, đặc biệt là khi hệ thống nhà sản xuất nội dung, bao gồm cả báo chí chính thống đã “hòa nhập” cùng xu hướng khi thành lập các kênh chính thức trên mạng xã hội.

Facebook tiếp tục là nền tảng mạng xã hội quan trọng nhất với tin tức, dù có thể nhận thấy sự suy giảm so với thời kỳ đỉnh cao. Hiện tại, chỉ 28% người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng Facebook để đọc tin tức, thay vì con số 42% năm 2016.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là việc các nền tảng mạng xã hội tập trung vào video như YouTube và TikTok đã thu hút sự chú ý của giới trẻ, tranh giành thị phần với Facebook. Người dùng tại các nền tảng như TikTok, Instagram và Snapchat có xu hướng theo dõi người nổi tiếng và KOL, ít chú ý hơn tới báo chí và tin tức. Trong khi đó, tại Facebool và Twitter, sự hiện diện của các tổ chức báo chí truyền thống vẫn mạnh mẽ.

Nhìn chung, các nền tảng mạng xã hội tiếp tục củng cố vị trí như “cánh cửa” mở ra thế giới tin tức, trong khi tỷ lệ người dùng trực tiếp truy cập trang tin của các tòa soạn tiếp tục đi xuống. Chỉ 22% người tham gia khảo sát cho biết họ bắt đầu đọc tin bằng cách vào các trang báo (giảm 10% so với năm 2018) và 30% cho biết họ thích sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức.

Cùng với xu hướng này, các tòa soạn còn chịu thêm áp lực từ tình trạng khó khăn của nền kinh tế. Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho biết, nhiều tòa soạn truyền thống đang nỗ lực tái cấu trúc, tập trung hơn vào doanh thu tới từ người đọc trả phí và các loại phí thành viên.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ doanh thu từ người đọc có xu hướng đi xuống. Dựa trên số liệu thu thập từ 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển, tỷ lệ trung bình người đọc trả tiền cho tin tức online chỉ đạt 17%, con số này duy trì trong 2 năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, người dùng cũng tiết chế việc chi trả cho tin tức. 23% đối tượng tham gia khảo sát đã hủy gói thành viên tại các trang tin tức trong năm 2023, trong khi 23% khác cân nhắc tìm tới lựa chọn rẻ hơn.

Khi được hỏi lý do khiến người đọc sẵn sàng trả tiền cho các trang báo, 22% cho biết khi chất lượng nội dung phù hợp, 32% trả lời khi giá rẻ hơn và 13% sẽ trả tiền nếu trang tin không xuất hiện quảng cáo. Tuy nhiên, phần lớn (42%) cho biết, không có lý do gì đủ thuyết phục họ trả tiền để đọc tin tức.

Cũng theo báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, việc người đọc “từ chối tiếp cận tin tức”, “không có hứng thú đọc tin” tiếp tục là thử thách lớn với các tòa soạn truyền thống. Nhìn chung, 36% người tham gia khảo sát cho biết họ cố tránh đọc các tin tức bằng cách đọc ít các thông tin xuất hiện (để tránh bị gợi ý khi lướt mạng xã hội) hoặc tránh một số chủ đề nhất định.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, dễ hiểu khi nhiều tòa soạn truyền thống phải đóng cửa. Theo số liệu từ The State of Local News, 1/3 số tòa soạn tại Mỹ đã đóng cửa trong giai đoạn từ 2005 - 2023, 43.000 nhà báo mất việc. Hiện tại, nhiều tòa soạn lớn chỉ còn chưa tới 1/5 lực lượng nhân sự so với năm 2005. Sau nhiều năm tiến hành mua bán - sáp nhập các tờ báo nhỏ, hiện nhiều tập đoàn truyền thông lớn đã dừng lại và bắt đầu đóng cửa bớt các tòa soạn.

Bắt tay với AI

Sự bùng nổ của AI mang tới niềm hy vọng cho các tòa soạn trong bối cảnh khó khăn, dù đi kèm với nó là nhiều thử thách chưa thể lường hết.

Dustin Dwyer, phóng viên tại Michigan Radio đã phát triển và đưa vào sử dụng rộng rãi một công cụ thu thập tin tức mang tên Minutes. Với sự kết hợp của AI, Minutes có thể theo dõi mọi thông tin công bố từ chính quyền địa phương, tìm kiếm các video online và tự chèn phụ đề/lời dịch cho các video này.

“Mọi chuyện bắt đầu từ chính nhu cầu của tôi. Tôi theo dõi hoạt động tại 15 khu vực xung quanh mình, có những cuộc họp kéo dài tới 2 tiếng. Tôi không thể có mặt tại tất cả các cuộc họp và đưa tin nhanh chóng. Tôi cần một cách nhanh hơn để phát hiện vấn đề quan trọng tại các cuộc họp và xử lý thông tin”, Dustin Dwyer cho biết.

Minutes có thể thu thập tài liệu, thực hiện phụ đề cho các thông tin liên quan tới hơn 100 cộng đồng tại 7 bang ở Mỹ. Ứng dụng này sẽ gửi thông báo tới phóng viên về các chủ đề quan trọng, thu hút hoặc thú vị liên quan tới các từ khóa được cài đặt. “Minutes làm việc rất hiệu quả. Nó giúp tôi tốn ít thời gian đọc tài liệu hơn và dễ dàng có ý tưởng để viết bài”, Dwyer cho biết.

Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, AI có thể giúp các tòa soạn xác định đâu là nội dung quan trọng, liên quan nhiều nhất tới các độc giả nhất định và thu hút người đọc trẻ. Chẳng hạn, tờ The Times and The Sunday Times đang sử dụng ứng dụng mang tên JAMES để cá nhân hóa các nội dung thông tin gửi tới người đọc dựa trên phân tích hành vi và mối quan tâm của độc giả. Với việc cá nhân hóa nội dung, The Times and The Sunday Times có thể giảm lượng độc giả rời bỏ tờ báo của mình.

“Đây là một cơ hội lớn. AI giúp các tòa soạn kết nối hoặc tái kết nối với cộng đồng. Điều này cũng dẫn tới doanh thu quảng cáo sẽ tốt hơn”, Joy Jenkins, trợ lý giáo sư tại Trường Báo chí Missouri chia sẻ.

Một số tòa soạn đã ứng dụng AI để giúp phóng viên viết lại nội dung thông tin cho từng đối tượng độc giả khác nhau, điều chỉnh nội dung tin phù hợp với từng nền tảng mạng xã hội, chuyển ngữ, chuyển từ dạng văn bản sang video, âm thanh… và nhiều hơn thế.

Tất nhiên, đi kèm với tính ứng dụng cao, việc sử dụng AI cũng dấy lên nhiều tranh cãi. Trong đó, ngành truyền thông lo ngại nhất về rủi ro sai lệch thông tin khi sử dụng AI trong tác nghiệp và khả năng AI có thể thay thế con người trong ngành công nghiệp báo chí vốn đang khủng hoảng.

“Câu hỏi về sự thay thế luôn được đặt ra kể từ khi tự động hóa xuất hiện. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở việc làm”, Vincent Berthier, người đứng đầu Tổ chức Báo chí xuyên biên giới nói và cho biết, một số hãng tin phụ thuộc vào AI, cùng với một số kênh chỉ chuyên chia sẻ, dẫn tin từ các nguồn chưa được xác định tạo nên những “tòa soạn ma”. Điều này càng làm giới truyền thông lo ngại về tính chân thực, chính thống.

Bản quyền cũng là một vấn đề cần được xác định. Liệu các công ty công nghệ có đòi hỏi bản quyền hoặc đưa ra các mức phạt đối với đơn vị xuất bản nội dung dựa trên các ứng dụng AI của họ? Ví dụ, gần đây, The New York Times đã tiến hành khởi kiện OpenAI và Microsoft với luận điểm cho rằng sản phẩm AI tạo sinh của các doanh nghiệp này “hoạt động chủ yếu dựa trên việc vi phạm bản quyền nội dung đại chúng”. Trường hợp tương tự cũng có thể xảy ra khi đơn vị cung cấp công nghệ đòi hỏi bản quyền khi bài báo/bản tin sử dụng công cụ AI.

Tất cả những vấn đề này đều chưa có hồi kết, nhưng trong bối cảnh nhiều khó khăn, AI vẫn là công cụ đắc lực giúp các tòa soạn thích ứng tốt hơn với thị trường tin tức và củng cố sức mạnh của mình.

Chuyên đề