ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2016

Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới lo ngại về khả năng của Trung Quốc trong việc cắt giảm công suất các ngành than, thép...
Dự báo mà ADB đưa ra tương ứng với cận dưới của mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2016 - Ảnh: NYT/AP.
Dự báo mà ADB đưa ra tương ứng với cận dưới của mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2016 - Ảnh: NYT/AP.

Tình trạng dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm nay - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo ngày 30/3, đồng thời cắt giảm dự báo tăng trưởng 2016 của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất của ADB nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016, so với mức dự báo tăng 6,7% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, và mức tăng trưởng 6,9% mà nước này đạt được trong năm 2015.

Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới lo ngại về khả năng của Trung Quốc trong việc cắt giảm công suất các ngành than, thép và xi măng của nước này, cũng như quản lý quá trình cải tổ kinh tế không hề dễ dàng để dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng lấy tiêu dùng làm đầu.

“Nhu cầu của thị trường bên ngoài yếu, sự dư thừa công suất ở một số ngành, lực lượng lao động suy giảm, và tiền lương tăng tiếp tục là những nhân tố dẫn tới sự suy giảm từ từ tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế trưởng Shang Jin Wei của ADB nhận định.

Theo bản báo cáo, một sự “giảm tốc mạnh” trong đầu tư bất động sản sẽ là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, cho dù sự giảm tốc này sẽ được bù đắp một phần bởi hoạt động tiêu dùng và đầu tư mới.

Dự báo mà ADB đưa ra tương ứng với cận dưới của mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2016.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Bắc Kinh Jurgen Conrad cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần đẩy nhanh việc cắt giảm công suất dư thừa trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, mức nợ cao của các doanh nghiệp cũng được ông Conrad xem là một thách thức khác đối với kinh tế Trung Quốc.

“Cải cách nguồn cung là điều mà Trung Quốc cần và châu Á cũng cần”, ông Conrad phát biểu, nhấn mạnh thêm rằng Bắc Kinh không nên sử dụng “liệu pháp sốc” trong quá trình thực thi cải cách.

Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, trong đó có nhiều doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ, tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động ở nước này, nhưng ngày càng trở nên thiếu hiệu quả, thua lỗ triền miên và nợ nần chồng chất.

“Những gì mà Trung Quốc đang cố gắng làm để cải tổ nền kinh tế là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại”, Giám đốc ADB tại Trung Quốc Hamid Sharif phát biểu.

“Theo những gì mà chúng tôi chứng kiến ở các quốc gia khác, cải cách giống như một nghệ thuật hơn là một môn khoa học. Ở mỗi nước, các quyết định được đưa ra cần phải tính đến điều kiện thực tế, thay vì dựa trên lý thuyết mà các chuyên gia nói”.

Việc giảm quy mô hoặc đóng cửa các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả có thể gây ra nhiều thách thức lớn ở Trung Quốc, dẫn tới việc hàng triệu công nhân bị mất việc và giảm nguồn thu ngân sách cho cac chính quyền địa phương - ADB cảnh báo. Bản báo cáo vì vậy khuyến nghị Trung Quốc cải tổ từ từ để tránh tình trạng bất ổn xã hội. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư