Chậm nhất là 20 ngày sau bầu cử, kết quả bầu cử sẽ chính thức được công bố. Ảnh: Thanh Quang |
Hơn 69 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu
Tính đến 19 giờ ngày 22/5, cả nước đã có hơn 69 triệu cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu bầu những người có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã. Thời gian bỏ phiếu diễn ra từ 7 giờ đến 19 giờ cùng ngày. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, các tổ bầu cử phải chờ đến 19 giờ mới bắt đầu tiến hành kiểm tra dấu niêm phong hòm phiếu và mở hòm phiếu để kiểm phiếu theo quy định.
Có những địa phương, ngay sau lễ khai mạc và 2 giờ đầu tiên tiến hành bầu cử, số lượng cử tri đi bầu cử đã tham gia bỏ phiếu đầy đủ, đạt tỷ lệ cao từ 90 - 100%. Có những địa phương như Bình Dương, số cử tri đi bầu cử buổi sáng khá thưa thớt (chỉ mới đạt 44,7%), nhưng đến đầu giờ chiều, số lượng cử tri đi bầu cử đã tăng nhanh, do nhiều công nhân tranh thủ nghỉ ca để đi bầu cử.
Nhìn chung, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao, đạt trên 90%. Có 47/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ từ 99 đến gần 100%, trong đó có 2 tỉnh đạt kết quả cao nhất là Thừa Thiên Huế, Yên Bái (99,99%). Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất là Nam Định, đạt 93,45%.
Công tác bầu cử có nhiều cải tiến
Trao đổi về tình hình bầu cử trên cả nước, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, trong suốt quá trình bầu cử, nhìn chung tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương được bảo đảm, không có vấn đề bất thường xảy ra. Điều kiện thời tiết, giao thông đi lại rất thuận lợi.
Theo ghi nhận của các địa phương, một trong những nguyên nhân làm cho cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi là công tác bầu cử đã có nhiều điểm mới được cải tiến như chỉ đạo nhanh và kịp thời của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cấp - đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Để tạo thuận lợi cho các cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo. Một số điểm bầu cử được bắt đầu khai mạc và bỏ phiếu từ 5 giờ - 5 giờ 30 phút như Hậu Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, các khu vực bỏ phiếu của lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ trong ngày bầu cử. Bên cạnh hòm phiếu chính thức, các địa phương đã linh động tổ chức các hòm phiếu phụ để tạo điều kiện cho những người ốm đau, già yếu, tàn tật không thể trực tiếp đếp khu vực bầu cử được nhận phiếu và trực tiếp bỏ phiếu thực hiện quyền công dân.
Các phóng viên báo, đài trong nước và quốc tế được tham gia đưa tin trực tiếp từ các khu vực bầu cử. Trong quá trình kiểm phiếu, ngoài các thành viên của Tổ bầu cử, Ban bầu cử, còn có sự tham gia chứng kiến của ít nhất 2 cử tri, đại diện các tổ chức đoàn thể xã hội, phóng viên báo, đài. Điều này đã góp phần tạo cơ sở cho cuộc bầu cử diễn ra công bằng, công khai, minh bạch.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, chậm nhất là 20 ngày sau bầu cử, kết quả bầu cử sẽ chính thức được công bố.