Theo phản ánh của nhiều Sở Y tế, bệnh viện trên cả nước, tình trạng vi phạm trong đấu thầu, cung ứng thuốc vẫn xảy ra thường xuyên. Ảnh: Tiên Giang |
Theo báo cáo của Bộ Y tế tổng hợp từ các Sở Y tế (SYT) trên cả nước đến ngày 7/9/2020, Công ty CP Dược liệu Trung ương (TW) 2 vi phạm 14 mặt hàng, trong đó không giao/không cung cấp được mặt hàng đã trúng thầu và ký hợp đồng 13 mặt hàng (tại SYT tỉnh Ninh Thuận, SYT Đăk Nông, SYT tỉnh Đăk Lăk, SYT tỉnh An Giang); không cung cấp đủ số lượng trúng thầu 1 mặt hàng thuốc (tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ). Công ty CP Dược phẩm TW CODUPHA vi phạm 11 mặt hàng, trong đó cung cấp gián đoạn, không cung cấp đủ số lượng với các bệnh viện tới 9 mặt hàng thuốc đã trúng thầu và ký hợp đồng (Bệnh viện TW Thái Nguyên, SYT tỉnh Hà Giang, SYT tỉnh Bến Tre); không giao hàng với 2 mặt hàng (SYT tỉnh Hà Giang)...
Một số trường hợp mặc dù đã tham dự và được lựa chọn trúng thầu, nhưng không thương thảo hợp đồng, không tiến hành ký kết hợp đồng. SYT tỉnh Ninh Thuận nêu rõ các nhà thầu vi phạm như: Công ty CP Dược phẩm 3/2, Công ty CP Dược phẩm Mặt Trời Mới, Công ty TNHH Dược phẩm Khương Duy; Công ty TNHH Hạnh Nhật; Công ty TNHH Thương mại dược phẩm - thiết bị y tế Thanh Minh. Báo cáo của Bệnh viện Lão khoa TW có trường hợp của Công ty CP Hóa dược Việt Nam; báo cáo của SYT tỉnh Điện Biên có trường hợp của Công ty TNHH MTV Dược liệu TW2…
Lý giải nguyên nhân không thương thảo, ký kết hợp đồng, một số nhà thầu cho rằng, do không có thuốc cung ứng (Công ty CP Hóa dược Việt Nam), do bị đứt hàng, do chưa công bố biệt dược gốc đối với số đăng ký mới... Riêng Nhà thầu liên danh Sao Mai - Hà Tây cung cấp gián đoạn và ngưng hẳn 5 mặt hàng đã trúng thầu và ký hợp đồng tại SYT tỉnh An Giang là do bị bảo hiểm xã hội chấm dứt thỏa thuận khung theo Thông báo số 01/TB-GĐB ngày 2/1/2020 với các mặt hàng như Ceftazidime Kabi 2g, Ceftazidime Kabi 0,5g... Công ty CP Thương mại dược phẩm Sao Mai bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong 6 tháng, vì đã có hành vi vi phạm pháp luật về bán buôn thuốc thành phẩm với quy mô lớn cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc.
Để xử lý hành vi vi phạm của nhà thầu, mỗi chủ đầu tư lại áp dụng những hình thức khác nhau. Đối với hành vi không thương thảo hợp đồng của Công ty CP Dược Vật tư y tế Đăk Lăk tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, SYT tỉnh Đăk Lăk không thực hiện hoàn trả bảo đảm dự thầu đối với phần mà nhà thầu không thương thảo. Đối với hành vi không cung cấp được thuốc đã trúng thầu và ký hợp đồng của Công ty CP Dược liệu TW 2 tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, SYT tỉnh Đăk Lăk chấm dứt phần hợp đồng không thực hiện và phạt tiền để bồi thường thiệt hại.
Đối với hành vi không giao đủ số lượng hàng trúng thầu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, SYT tỉnh Tiền Giang xử lý theo hình thức phạt tiền. Cụ thể, Công ty CP PYMEPHARCO bị phạt 3% bảo lãnh thực hiện hợp đồng giá trị chưa mua (13.804 triệu đồng). Công ty CP Dược phẩm Việt Hà bị phạt 20% giá trị phần hợp đồng chưa mua (792.000 đồng). Công ty CP Dược phẩm TW CPC1 bị phạt 3% giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng mặt hàng không thực hiện và 3% giá trị chưa mua...
Theo phản ánh của nhiều SYT, bệnh viện trên cả nước, tình trạng vi phạm trong đấu thầu, cung ứng thuốc như trên thường xảy ra. Về phía nhà thầu, có những nguyên nhân khách quan từ phía nhà sản xuất... dẫn đến không thể ký hợp đồng dù được chọn trúng thầu, hoặc không thể cung cấp dù hợp đồng đã ký, hoặc cung cấp gián đoạn. Về phía bệnh viện, việc dự trù thuốc không chính xác hoặc yêu cầu tiến độ cung ứng thuốc quá gấp gáp gây khó khăn cho nhà thầu trong việc chuẩn bị sẵn sàng, cung ứng kịp thời.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, dù nguyên nhân gì, nếu không điều phối kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị và người bệnh là người phải gánh chịu. Để hạn chế xảy ra tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho rằng, các cơ sở y tế phải chủ động rà soát, tính toán trước thời hạn, từ đó có giải pháp kịp thời, đúng và đủ số thuốc phục vụ cho công tác điều trị, chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”. Luật Đấu thầu đã nêu rõ các hình thức mua sắm tương ứng với quy trình, thẩm quyền, kể cả hình thức chỉ định thầu trong tình huống cấp bách.