Đây là động thái mạnh mẽ của Chính phủ nhằm nắm rõ thực trạng, kiến nghị các chính sách quản lý phù hợp, tránh thất thoát trong lĩnh vực tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã chủ trì buổi công bố Quyết định. Đây là cuộc thanh tra theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo Quyết định, nội dung thanh tra gồm: thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; kiểm tra, xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế, địa phương. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này); thời hạn thanh tra là 80 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Phát biểu tại buổi công bố Quyết định thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm khẳng định, đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2019 của Thanh tra Chính phủ với 3 nội dung phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Ông Trần Ngọc Liêm yêu cầu Đoàn thanh tra thực hiện theo đúng kế hoạch, thực hiện nghiêm khắc tất cả các quy định, quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra. Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra cần thực hiện công khai, minh bạch, công tâm, tạo ra sự đồng thuận tốt nhất vì mục tiêu của Thanh tra Chính phủ là giúp Chính phủ thấy cơ chế bất cập cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp trong lĩnh vực liên quan đến người bệnh để làm sao có một cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, tránh thất thoát.
Nhiều Sở Y tế chưa thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong y tế, lĩnh vực dược là vấn đề rất lớn. Thị trường dược Việt Nam có quy mô tới 4,2 tỉ USD/năm, chi bảo hiểm y tế (BHYT) gần 40.000 tỉ đồng, chiếm 41% chi BHYT và 49,7% tổng chi y tế. Theo Phó Thủ tướng, đây là mặt hàng không mặc cả, nên giờ chỉ cần đấu thầu tập trung sẽ giúp tiết kiệm 10%.
Để ổn định giá thuốc, 5 năm qua, Việt Nam đã kiên trì đấu thầu thuốc tập trung. Đây là cuộc cọ xát rất lớn về lợi ích. Trước đây cho đấu thầu tại từng bệnh viện, sau đó Bộ Y tế yêu cầu đấu thầu tập trung ở các tỉnh. Rất nhiều nơi không hài lòng, nhưng bằng số liệu cho thấy trung bình mỗi năm giảm hơn 10%, 3 năm qua trị giá tiền mua thuốc đã giảm 35%.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đấu thầu thuốc tập trung do các Sở Y tế tổ chức đang tồn tại nhiều vấn đề và đã được chính cơ quan thanh tra chỉ rõ thời gian qua. Cụ thể như Thanh tra tỉnh Gia Lai mới đây chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu cung cấp thuốc, mua sắm vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Là đầu mối mua thuốc tập trung nhưng bệnh viện này không xây dựng giá kế hoạch dẫn tới không tổ chức lựa chọn nhà thầu với 133 danh mục thuốc, có biểu hiện hợp thức hóa hồ sơ, ban hành trên 1.000 quyết định chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu hàng trăm mặt hàng…
Trong khi đó, từ việc tham gia rất nhiều buổi mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật/hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXKT/HSĐXTC) các gói thầu mua thuốc do các Sở Y tế tổ chức, phóng viên Báo Đấu thầu buộc phải đặt ra nhiều câu hỏi về tính cạnh tranh, hiệu quả của các cuộc thầu này. Cụ thể, không ít Sở Y tế đang thực hiện việc đóng/mở thầu không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục. Việc lập biên bản mở thầu chưa đúng mẫu, không đầy đủ thông tin, không có sự tham gia ký tên xác nhận của tất cả các nhà thầu, thậm chí chỉ là biên bản đơn lẻ giữa 1 nhà thầu với bên mời thầu chứ không có sự tham gia của các nhà thầu còn lại. Nhiều Sở Y tế đang thụ động sử dụng phần mềm mở thầu thuốc khiến sự minh bạch thông tin buổi mở thầu chưa đạt. Đặc biệt, có không ít trường hợp đến tận thời điểm mở HSĐXTC, các Sở Y tế vẫn không công khai nội dung thư giảm giá của các nhà thầu… Tất cả những việc này đều dẫn tới dư luận xấu trong các nhà thầu về tính minh bạch, công khai trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Điều đáng quan ngại hơn là, không hiểu lý do tại sao rất nhiều nhà thầu khi tham gia đấu thầu thuốc tập trung tại các Sở Y tế lại không quan tâm đến việc ký xác nhận, giữ biên bản đóng/mở thầu theo quy định. Rất nhiều cuộc thầu thuốc chưa rõ tính cạnh tranh, bởi danh sách các nhà thầu tham gia “chiếm lĩnh” danh sách trúng thầu đều đặn, trùng lắp từ năm này qua năm khác.
Do đó, việc thanh tra toàn diện công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao này của Thanh tra Chính phủ sẽ giúp “nội soi” rất nhiều vấn đề cần khắc phục để việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thực sự hiệu quả, cạnh tranh.