75 năm - những mốc son lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 4 tháng sau khi nước nhà giành độc lập, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh 78/SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết (NCKHKT) - tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hiện nay. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành KH&ĐT. Báo Đấu thầu điểm lại những mốc son lịch sử nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành KH&ĐT.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ảnh: Lê Tiên
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ảnh: Lê Tiên

Người sáng lập vĩ đại

Thật vinh dự và tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người sáng lập và đứng đầu Ủy ban NCKHKT, tiền thân của Bộ KH&ĐT ngày nay. Ngay trong lời mở đầu Sắc lệnh số 78/SL có đoạn viết: “Xét rằng ngay khi lo việc kháng chiến, Chính phủ đã bắt đầu công việc kiến quốc, nhưng sự kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng…”.

Nhiệm vụ của Ủy ban NCKHKT được xác định rõ tại “Điều thứ nhất” của Sắc lệnh số 78/SL: “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban NCKHKT vào ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm, mong muốn cán bộ của Ủy ban: “đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết” để làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành…

Ngày 14/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 68/SL thành lập Ban Kinh tế Chính phủ (thay cho Ủy ban NCKHKT), đánh dấu một mốc lịch sử mới của ngành KH&ĐT trước những yêu cầu của công cuộc kháng chiến và kiến quốc trong thời kỳ đó.

Điểm lại, có thể thấy, trong giai đoạn 1945 - 1954, ngành KH&ĐT với công cuộc bảo vệ chính quyền, giữ nước và đấu tranh giải phóng miền Bắc đã ghi dấu ấn, phát huy vai trò trong việc nghiên cứu, soạn thảo, đệ trình Chính phủ những đề án về chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những kế hoạch quan trọng về kinh tế nhằm động viên sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Đơn cử như: Kế hoạch “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến 9 năm với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”... Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, các kế hoạch đều được xây dựng xoay quanh hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến và kiến quốc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, đất nước ta bước vào thời kỳ mới: 1955 - 1975. Trong giai đoạn này, ngành KH&ĐT đã có những đóng góp lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tăng cường khả năng chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có nhiều dấu mốc quan trọng đã diễn ra trong 20 năm đó.

Cụ thể, ngày 8/10/1955, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Lệnh số 18/LCT công bố Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ II, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 14/7/1960. Theo đó, Ủy ban Kế hoạch Quốc gia được đổi tên thành Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và trở thành một trong 24 bộ và cơ quan ngang bộ của nước ta thời bấy giờ. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ra đời đã cùng với các cơ quan hữu quan thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Kế hoạch chuyển hướng thời chiến (1965 - 1975).

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hệ thống ngành KH&ĐT đã được hình thành trong cả nước. Ngay sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ngành KH&ĐT bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) - kế hoạch 5 năm đầu tiên khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thống nhất. Tiếp đó là Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 - 1985).

Giai đoạn 1986 - 2020, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trải qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều thành tựu to lớn, hội nhập ngày càng sâu rộng. Ngành KH&ĐT tự hào đóng góp một phần rất ý nghĩa trong thành tựu này với những dấu ấn của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 4 (1986 - 1990); Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1990 - 2000); Kế hoạch 5 năm lần thứ 5 (1991 - 1995); Kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1996 - 2000); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010; Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (2001 - 2005); Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (2006 - 2010); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (2011 - 2015), Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2016 - 2020)…

Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Cơ quan tham mưu tổng hợp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng

Trong lịch sử phát triển, các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành KH&ĐT đã nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, xứng đáng với sự mong mỏi của Bác Hồ: “đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ” để “lo cho dân”.

Chặng đường 75 năm mà ngành KH&ĐT đã trải qua gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và gắn với vận mệnh dân tộc trong từng thời kỳ. Ra đời trong bối cảnh đất nước vừa độc lập nhưng thế cuộc “ngàn cân treo sợi tóc”; vừa phải chống thù trong, giặc ngoài, vừa phải chống giặc đói, giặc dốt...

Từ Kế hoạch “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” với ngân khố trống không... đến Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980), cũng là kế hoạch 5 năm đầu tiên kể từ sau ngày đất nước thống nhất, với vốn đầu tư trong thời kỳ là 30 tỷ đồng và kết quả thực hiện tổng sản phẩm xã hội năm 1980 đạt 25,9 tỷ đồng… đến hôm nay, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 - 2020 dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP tăng từ 116 tỷ USD năm 2010 lên hơn 340 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên gần 3.500 USD năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người cao của thế giới. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được đánh giá là điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục và tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030…

Những con số đó cho thấy cả một bước tiến dài trong sự phát triển của đất nước; phần nào nói lên những thành quả mà ngành KH&ĐT đóng góp trên chặng đường 75 năm phát triển.

Nhìn lại 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành KH&ĐT đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp phục vụ lãnh đạo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Ảnh: Lê Tiên

Ảnh: Lê Tiên

Đánh giá về những đóng góp và sự phát triển của ngành KH&ĐT, trong Thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành KH&ĐT nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành, Thủ tướng Phan Văn Khải viết: “Gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc qua các chặng đường lịch sử, ngành KH&ĐT đã có những đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đề ra, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ KH&ĐT ngày 22/12/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp có quá trình phát triển lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn và đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong công tác kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lịch sử phát triển kinh tế thị trường thế giới đã chứng minh vai trò và vị trí của công tác kế hoạch, quy hoạch trong phát triển đất nước, ngăn chặn, hạn chế những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc kết hợp linh hoạt, uyển chuyển giữa bảo đảm cơ chế thị trường với vai trò quản lý của Nhà nước để phát triển đất nước theo mục tiêu Cương lĩnh đã đề ra có ý nghĩa quan trọng. Từ đó đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, có nghệ thuật lãnh đạo, trong đó Bộ KH&ĐT là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư