7 tháng năm 2020, 737 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng trong 7 tháng năm 2020, công tác phát triển đối tượng của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn đạt được những kết quả tích cực với 15,271 triệu người tham gia. Đáng chú ý là số người tham gia BHXH tự nguyện tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Người dân phấn khởi khi được tuyên truyền, tư vấn về chính sách BHXH
Người dân phấn khởi khi được tuyên truyền, tư vấn về chính sách BHXH

Thông tin này vừa được BHXH Việt Nam cho biết trong báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Điểm sáng” trong khó khăn chung

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, ước đến ngày 31/7/2020, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,271 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,534 triệu người (giảm 655 nghìn người so với năm 2019, đạt 90,6% kế hoạch). Số người tham gia BHXH tự nguyện là 737 nghìn người, tăng 163 nghìn người so với năm 2019, đạt 61,4% kế hoạch. Số người tham gia BHTN là 12,725 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của Ngành. Số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch của Ngành, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.

Như vậy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019 cho thấy tác động không nhỏ của dịch bệnh đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng. Đây là “điểm sáng” đáng ghi nhận trong công tác phát triển đối tượng của ngành BHXH trong thời gian qua.

Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN

Ước đến hết tháng 7/2020, BHXH Việt Nam cho biết, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 01 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu.

Qua thanh, kiểm tra 3.465 đơn vị (trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.478 đơn vị, kiểm tra tại 1.796 đơn vị, thanh tra kiểm tra liên ngành tại 191 đơn vị), toàn Ngành đã phát hiện 3.651 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31.534,2 triệu đồng; 11.563 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53.806,6 triệu đồng. Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là 487.578 triệu đồng, trong đó, đã nộp trong thời gian thanh tra là 112.231,9 triệu đồng). Toàn ngành cũng đã ban hành 108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phải thu là 7.576,6 triệu đồng (số tiền xử phạt đã thu là 4.897,3 triệu đồng, đạt 64,6%).

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, DN đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, DN do ảnh hưởng của dịch COVID-19, BHXH Việt Nam cho biết là đã tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gần đây nhất, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2533/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương về việc tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 12/2020 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ. Điều này cũng đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kết quả thực hiện chỉ đạo này, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, tính đến hết ngày 30/6/2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và với số tiền khoảng 475 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với sở y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm COVID-19. Chẳng hạn như thực hiện thanh toán chi KCB BHYT và sử dụng kinh phí từ quỹ KCB BHYT hỗ trợ chống dịch COVID-19; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch COVID-19 để đảm bảo giãn cách xã hội…

Đặc biệt, ngành BHXH đã phối hợp với cơ quan bưu điện triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 trong cùng một kỳ chi trả tháng 4 trên toàn quốc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa bùng phát trở lại, mới đây, BHXH Việt Nam tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người hưởng.

Ước đến ngày 31/7/2020, toàn Ngành đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH 1 lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BHTN (trong đó có 572.813 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 7.821 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề); thanh toán chi phí KCB (KCB) BHYT cho 92,490 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú.

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, cải cách TTHC

Có thể thấy, để đạt được những kết quả tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH trong thời gian qua như nêu trên là nhờ ngành BHXH đã vận dụng những giải pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp của ngành BHXH.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN rộng khắp với các nội dung phong phú, đi sâu phản ánh về lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT phù hợp với từng thời điểm, đặc biệt là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

BHXH Việt Nam cũng đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch truyền thông cao điểm “Ngành BHXH chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19”, trong đó, đặc biệt đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông, kịp thời cảnh báo, ngăn chặn tình trạng mạo danh cơ quan BHXH thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi bất chính trong đợt dịch COVID-19; phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức có hiệu quả 02 lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tại các địa phương trên toàn quốc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…, góp phần gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian qua.

Cùng với đó, công tác cải cách TTHC tiếp tục được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Việc rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình, mục tiêu tại Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ngành đã thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH cấp huyện để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nhờ triển khai các giải pháp kỹ thuật để kết nối, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho DN, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay Ngành đã cung cấp được 13 dịch vụ công. Ngoài ra còn tích hợp, cung cấp thêm 03 dịch vụ công để thực hiện hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Chuyên đề