7 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2016

(BĐT) - 7 giải pháp cụ thể nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ nêu rõ trong Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
 
7 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2016. Ảnh Internet
7 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2016. Ảnh Internet

Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu đã đạt kết quả đáng khích lệ; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể; hoạt động của doanh nghiệp trong nước có chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao, nhất là từ khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành (tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký).

Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá. Năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014; vốn đăng ký ước đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5%; số dự án cấp mới tăng 26,8%; số dự án bổ sung vốn tăng 37%.

Về tiền tệ, tín dụng, tính đến ngày 21/12/2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 13,59% so với cuối năm 2014; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 17,17%; tổng phương tiện thanh toán ước tăng 13,55%.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt được trong năm 2016. Theo đó, GDP tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu là dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%...

Để đạt được các mục tiêu nêu trên trong năm 2016, Chính phủ đã đưa ra 9 nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong nhóm giải pháp này, Chính phủ cũng có 7 giải pháp cụ thể. Thứ nhất là, Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả. Thứ hai là, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba là, đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Thứ tư là, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thứ năm là, tăng cường quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước. Thứ sáu là, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Thứ bảy là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tạo khung khổ pháp lý đồng bộ cho sản xuất, kinh doanh.    

Chuyên đề