6 tháng: Thu 15.222 tỷ đồng nợ thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu vừa được Tổng cục Thuế công bố ngày 8/7 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng số tiền thuế nợ 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được là 15.222 tỷ đồng, bằng 36% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành thuế phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% theo như Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Internet
Ngành thuế phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% theo như Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Internet

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 đến từng cục thuế.

Tổng cục Thuế cũng đã giao cụ thể tổng số tiền thuế nợ, tổng số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đến thời điểm 31/12/2020; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2019 chuyển sang; giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2019 trước ngày 30/6/2020.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thông báo danh sách doanh nghiệp nợ tiền thuế có khả năng thu lớn, người nộp thuế có tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, người nộp thuế có tiền thuế nợ đang xử lý, thực hiện rà soát cũng như triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin để thu hồi nợ vào ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành thuế ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu Tổng cục Thuế cần phải thống kê, đánh giá các khoản nợ, các hồ sơ xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện trong 6 tháng cuối năm và một số năm tiếp theo. Phấn đấu trong vòng một vài năm tới phải xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng mà Quốc hội đã cho phép, giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 5% theo như Nghị quyết của Quốc hội.

"Ngành Thuế phải rà soát kĩ thông tin, triển khai thực hiện việc xử lý nợ với quy trình rõ ràng, minh bạch dựa trên căn cứ pháp lý và phòng ngừa rủi ro. Đây là rủi ro với công chức làm công tác quản lý nợ", lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý.

Chuyên đề