5 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân hơn 15.000 tỷ đồng các dự án đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện tại, Bộ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (QLDA) qua 4 đợt với tổng số 45.343 tỷ đồng trong 50.328 tỷ đồng được giao, đạt 90,1% kế hoạch. Số vốn còn lại sẽ được giao khi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt đầu tư (dự kiến ngày 30/6/2022).
Khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông vận tải từ nay đến cuối năm còn hơn 35.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng - ảnh internet
Khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông vận tải từ nay đến cuối năm còn hơn 35.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng - ảnh internet

Theo Bộ GTVT, dự kiến trong tháng 5/2022, các dự án thuộc Bộ giải ngân được 3.880 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 5/2022, toàn ngành dự kiến giải ngân được 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết.

Bộ GTVT cho biết, trong số 35 đơn vị trực thuộc được giao kế hoạch vốn lớn (trên 50 tỷ đồng), chỉ có 17 đơn vị giải ngân vượt mức 33,3% (mức tối thiểu theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT), một số đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai công tác đấu thầu.

Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua của Bộ GTVT gặp một số khó khăn như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; mùa mưa năm nay đến sớm, cường độ lớn trên diện rộng; tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các Chủ đầu tư, Ban QLDA và các nhà thầu...

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân cho các dự án đầu tư công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các Ban QLDA cần tập trung tối đa cho công tác thẩm tra, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhóm B, C.

Riêng đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Được biết, thời gian qua, các Ban QLDA cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp như: tăng ca, tăng cường máy móc thiết bị để bù đắp khối lượng khi đã giải quyết được khó khăn về vật liệu đất đắp hoặc do ảnh hưởng của những ngày mưa lớn kéo dài; cắt giảm và điều chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm… Trong đó, Ban QLDA 7 đã thực hiện cắt chuyển khối lượng 16,5 km và tiếp tục cắt chuyển khối lượng 4,5 km của nhà thầu chậm tiến độ thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Bộ GTVT cho biết, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, các Ban QLDA, chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở từng dự án, tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng, từng dự án, không để tập trung vào cuối năm...

Chuyên đề