Thủy điện A Vương đặt mục tiêu doanh thu 573 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 124 tỷ đồng năm 2017. Ảnh: Tường Lâm |
Đây là số cổ phần thuộc sở hữu của 5 “ông lớn” ngành điện: Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI), Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (HPPC) và Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (DNPC).
Nhà máy quy mô lớn
Thủy điện A Vương có vốn điều lệ hơn 750 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện; đầu tư xây dựng sản xuất và kinh doanh nguồn điện, dịch vụ cẩu tải, thiết bị thử tải, lọc dầu…
Doanh nghiệp này đang quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện A Vương thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 8/2003, phát điện Tổ máy 1 vào tháng 10/2008 và phát điện Tổ máy 2 vào tháng 12/2008. Nhà máy có tổng công suất 210MW, điện lượng bình quân hàng năm là 815 triệu kWh. Các hạng mục chính của công trình đều nằm ở vị trí hiểm trở, có địa chất đặc biệt. Dự án Thủy điện A Vương là một trong những dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vũ Gia - Thu Bồn. Do tiềm năng tích nước của hồ chứa nên dự án này có khả năng cung cấp điều tiết lượng điện hàng năm.
Ngoài dự án nêu trên, Thủy điện A Vương còn tham gia đầu tư tài chính vào Dự án Thủy điện Sông Bung 4A, Dự án Thủy điện Sông Bung 3A, Dự án Thủy điện Đăk Pring 2. Theo quy hoạch bổ sung, công trình Thủy điện Sông Bung 4A có khả năng phát điện với công suất lắp máy 49MW, điện năng trung bình năm khoảng 199,1 triệu kWh. Công trình Thủy điện Sông Bung 3A dự kiến xây dựng thuộc địa bàn xã Zuôih và Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Thủy điện Đăk Pring 2 dự định xây dựng trên sông Đăk Pring, vị trí tuyến công trình nằm tại khu vực địa giới xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Lợi nhuận đột biến
Theo Báo cáo tài chính quý I/2017, doanh thu của Thủy điện A Vương đạt 187 tỷ đồng, gấp 26 lần so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt gần 93 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2016 lỗ gần 59 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2017, tổng tài sản của Công ty là 2.300 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm 2017, trong đó nợ phải trả là 1.159 tỷ đồng (chiếm 50% tổng tài sản). Theo kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ 2017 thông qua, Thủy điện A Vương đặt mục tiêu sản xuất 600 triệu kWh điện, doanh thu 573 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 124 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chi trả 9%.
Thủy điện A Vương có vốn góp của 8 doanh nghiệp ngành điện và các cá nhân, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là Tổng công ty Phát điện 2 (sở hữu 87,45% vốn, tương ứng 656,302 tỷ đồng), Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (3,44% vốn, tương ứng 25,7 tỷ đồng), EVNGENCO 1 (sở hữu 2,43% vốn, tương ứng 18,23 tỷ đồng)…
Tới đây, EVNCPC, ngoài việc bán ra 1,9 triệu CP do mình sở hữu, sẽ làm đầu mối nhận ủy quyền từ EVNGENCO1 (thoái 1,8 triệu CP), EVN HANOI (thoái 586.664 CP), HPPC (thoái 390.402 CP), DNPC (thoái 911.292 CP) bán đấu giá tổng số 5,5 triệu CP Thủy điện A Vương.
Việc xác định giá khởi điểm bán đấu giá được đưa ra trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá số 1120/2016/ĐG-AC ngày 23/11/2016 do Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán Quốc tế ban hành về việc xác định giá trị thực tế cổ phần Thủy điện A Vương. EVNCPC, EVNGENCO1, EVN HANOI, HPPC, DNPC đã quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần Thủy điện A Vương là 17.000 đồng/CP.