Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Đình Đông |
Theo đó, sau gần 5 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện cả nước có khoảng 19.569 hợp tác xã. Doanh thu của Hợp tác xã và thu nhập của người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng… Tuy nhiên, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 5 năm qua mới đạt trên 4%.
Để Luật Hợp tác xã 2012 tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả và thực sự phát huy hiệu lực trong thực tiễn, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện một số nội dung như: nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các HTX (Bộ Tài chính), xây dựng Kế hoạch xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX với các DN (Bộ NN&PTNT)... Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác xã; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã…
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho phát triển hợp tác xã; xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”.