2016: Kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh

(BĐT) - Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam với chủ đề “Những kỳ vọng lớn” vừa được Ngân hàng HSBC công bố cho thấy niềm tin và lạc quan vào triển vọng kinh tế năm nay. 
Samsung đã được đồng ý tăng vốn đầu tư một nhà máy điện tử tại TP.HCM lên 2 tỷ USD. Ảnh: Minh Thùy
Samsung đã được đồng ý tăng vốn đầu tư một nhà máy điện tử tại TP.HCM lên 2 tỷ USD. Ảnh: Minh Thùy

Với dự báo năm 2016 nền kinh tế sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh, HSBC khuyến nghị, để duy trì đà tăng trưởng này cần phải khéo léo hơn trong quản lý chính sách vĩ mô.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% chắc chắn khả thi

Theo nhận định của HSBC, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đã đặt ra “chắc chắn sẽ thực hiện được”. “Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi mức hai chữ số phản ánh ở các khoản đầu tư mới. Trong khi đó, nhu cầu nội địa sẽ vẫn mạnh nhờ vào chi tiêu cá nhân dồi dào do lãi suất vẫn còn thấp hỗ trợ. Tăng trưởng đã dịch chuyển vững chắc sang mức 6 - 7% nên chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại một cách rõ ràng trong nửa sau năm 2016 buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phải chuyển sang chính sách thắt chặt”, báo cáo của HSBC phân tích.

Cũng theo báo cáo này, chính sách quản lý vĩ mô nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn trong năm 2016, khi tăng trưởng tiếp tục mạnh, ảnh hưởng đến áp lực giá. Đứng trên quan điểm khách quan, HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ quay lại mức tăng trưởng hai chữ số ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu vẫn còn mờ nhạt. Trong năm 2016, các nhà kinh tế HSBC cho rằng, GDP toàn cầu sẽ tăng 0,1 điểm phần trăm, đạt mức 2,5%.

HSBC dự báo, dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay. Cơ sở cho dự báo này, theo HSBC là FDI thực hiện đã đạt kỷ lục 14,5 tỷ USD trong năm 2015, tăng 17,4% so với năm trước. “Chúng tôi hy vọng con số này sẽ còn tăng thêm trong năm 2016, phản ánh môi trường đầu tư cải thiện nhiều, bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế tiềm năng đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, các khoản đầu tư mới cùng với thị phần các mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng, chẳng hạn như điện tử, giày dép, dệt may và may mặc sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi nhu cầu toàn cầu vẫn còn ẩm ương”, HSBC giải thích.

Một ví dụ điển hình được đưa ra cho sự thành công của dòng vốn FDI góp phần hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu là những thành quả đạt được nhanh chóng của Việt Nam ở mảng điện thoại thông minh trong giai đoạn từ năm 2011 -2015. Theo HSBC, trong năm 2011, đây là loại sản phẩm hầu như không có trong dữ liệu hải quan trước năm 2011. Tuy nhiên, trong năm 2015, xuất khẩu công nghệ cao tăng thêm 34% đạt 48 tỷ USD nhờ vào hoạt động đầu tư ổn định của các tập đoàn đa quốc gia. Một ví dụ rõ nét khác là mới đây, một công ty con của Tập đoàn điện tử Samsung đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý tăng vốn đầu tư ở nhà máy điện tử tại TP.HCM lên 2 tỷ USD. 

Chủ động kiểm soát để tránh lạm phát vượt mục tiêu

Với mức tăng trưởng đã chuyển hẳn sang mức 6 - 7% một cách vững chắc, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa sau của năm 2016 mặc dù tình trạng không chắc chắn xung quanh triển vọng này còn khá cao do khó khăn trong việc dự báo đường đi của giá dầu. Bên cạnh đó, việc tăng năng suất có thể góp phần vào việc thiếu đà tăng lạm phát cơ bản. Theo dự báo mà báo cáo đưa ra, lạm phát sẽ vượt qua mức mục tiêu đề ra 5% của NHNN trong nửa sau năm 2016, đòi hỏi NHNN phải có chính sách thắt chặt.

HSBC cho rằng, một vài mức giá cả đã được giám sát như tiền học phí sẽ tăng trong năm nay. “Cùng với những hiệu ứng cơ bản từ việc ổn định giá dầu và lạm phát giá thực phẩm có thể quay lại, chúng tôi dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng 3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ và tăng 5,1% vào nửa cuối năm 2016, vượt mức mục tiêu do NHNN đề ra.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của HSBC, ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được giám sát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra và lạm phát cơ bản được kiềm chế do giá cả hàng hóa có mức lạm phát chậm hơn, NHNN vẫn nên thận trọng để bắt đầu thực hiện việc thắt chặt dần dần trong nửa cuối năm nay để giảm thiểu rủi ro của những vấn đề nóng bỏng khác. Điều này đặc biệt đúng trong việc xem xét những mất cân đối bên ngoài của Việt Nam mà dự báo trong năm nay sẽ còn mở rộng.

Theo tổ chức này, trong quá khứ, Việt Nam đã chủ trương áp dụng chính sách ủng hộ tăng trưởng mà kết quả là bùng nổ tín dụng và một nền kinh tế quá nóng. Hệ quả là Việt Nam đã đi đến tình trạng bất ổn tiền tệ và đòi hỏi chính sách thắt chặt mạnh để xoay chuyển tình thế. “Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ chuyển sang phương thức thắt chặt trong năm nay, áp dụng mức tăng đầu tiên 50 điểm trong quý III/2016”, HSBC khuyến nghị.

Tin tưởng vào tiềm năng còn rất lớn của Việt Nam, HSBC bày tỏ sự lạc quan về triển vọng ngắn hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề và trở ngại tiềm năng vẫn còn tồn tại nếu tăng trưởng được duy trì trong thời gian dài. Theo HSBC, cải cách khu vực tài chính cần phải được đào sâu thêm nữa và việc quản trị cần được củng cố để cải thiện việc phân bổ tín dụng; nếu không thì nguy cơ tăng trưởng nhanh hơn sẽ kích hoạt một chu kỳ bùng nổ và phá sản trong tương lai.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư