2016, có nên đầu tư vàng?

Trái với sự “ghẻ lạnh” liên tục bị các quỹ đầu tư bán tháo năm ngoái, năm nay, vàng trở nên hấp dẫn kỳ lạ. Trong lúc chứng khoán, đồng đô la xanh và các loại hàng hóa khác giảm mạnh thì giá vàng tưng tửng lội ngược dòng tăng tới 16% và hứa hẹn còn tăng tiếp.
Giá vàng đã tăng 16% từ đầu năm đến nay.
Giá vàng đã tăng 16% từ đầu năm đến nay.

Giá vàng tăng 16%

Theo CNN Money, từ đầu năm đến nay, giá vàng vật chất nhảy vọt 16%. Nhu cầu vàng như một khoản đầu tư đã tăng 8% trong năm 2015 và có bằng chứng cho thấy xu hướng này sẽ tăng tốc trong năm nay. Các quỹ ETF giao dịch trên các sàn chứng khoán đã mua 54 tấn vàng trong tháng 1/2016. Theo báo cáo định kỳ thường niên của WGC, điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể so với năm 2015 khi các quỹ ETF bán ra 133 tấn vàng trong cả năm. Được biết, trong năm 2014, vàng thậm chí còn bị bán mạnh hơn với 185 tấn kim loại quý bị các quỹ ETF “bán tống bán tháo”.

Hiện vàng đang giao dịch quanh mốc 1,250 USD/oz, mức cao nhất trong một năm trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc và giá dầu giao dịch tại đáy 13 năm.  Động lực khiến vàng nhảy vọt là do thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu và Mỹ đồng loạt giảm mạnh vì sự không chắc chắn về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Nhà đầu tư trở nên căng thẳng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào ngày thứ Tư cho biết nỗi lo sợ về thị trường tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết vốn đầu tư và nhu cầu của ngân hàng trung ương về vàng ngày càng tăng, qua đó tác động tích cực đến kim loại quý.

Trung Quốc âm thầm mua vàng

Theo số liệu mới nhất từ Hồng Kông, lượng vàng mà Trung Quốc nhập khẩu đã tăng vọt hơn 700% kể từ năm 2010. Trung Quốc hiện đang tiêu thụ khoảng 40% lượng vàng được khai thác mỗi năm.  Riêng số liệu của Hồng Kông cho thấy từ việc chỉ nhập hơn 100 tấn vàng trong năm 2010, đến nay Trung Quốc đã nhập gần 1.000 tấn trong năm 2015.

Ngoài việc nhập khẩu nhiều vàng, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết Trung Quốc còn là quốc gia khai thác vàng lớn nhất thế giới. Vì thế, mỗi năm nước này đều mua và khai thác rất nhiều vàng.

Được biết, từ năm 1950 đến 2004, các cư dân Trung Quốc bị cấm sở hữu vàng. Hiện nhu cầu kim loại quý đang rất cao, theo báo cáo phân tích chuyên sâu của WGC. Theo tổ chức này, một trong những đối tượng mua nhiều vàng tại Trung Quốc là chính phủ nước này.

Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, chính phủ Trung Quốc có thể có hơn 3.500 tấn vàng tại thời điểm đó.  Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ công bố khoảng 1.700 tấn. Hiện Trung Quốc công bố dự trữ vàng hàng tháng nhờ sự khuyến khích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).  Vào tháng 1/2016, nước này công bố có 1.778 tấn vàng trong kho dự trữ, nhảy vọt so với tháng 12/2015.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã và đang áp dụng các biện pháp bất thường để ổn định giá trị của đồng Nhân dân tệ. Việc mua vàng giúp gia tăng niềm tin vào giá trị của đồng tiền này. Đó cũng là một cách để người dân Trung Quốc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối ngoài đồng USD.

Dù vậy, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ. Cho tới nay, Mỹ vẫn là nước có kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới với hơn 8.000 tấn.

2016 có nên tiếp tục chơi vàng?

Vàng sẽ đi về đâu trong năm 2016? Có nên tiếp tục “chơi vàng”? HSBC cho rằng, giá vàng cuối cùng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2016 sau nhiều lần phá đáy nhiều năm.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi. Trong khi giá vàng thế giới ở ngưỡng 1.158 USD/oz, quy đổi ra tiền đồng Việt Nam tương đương 31,2 triệu đồng/lượng (đây cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2015) thì tại phiên giao dịch cuối tuần trước khi nghỉ Tết Bính thân, giá vàng SJC trong nước tiếp tục được niêm yết ở mức cao, vượt xa mức 33 triệu đồng/lượng.

Cho đến thời điểm khép lại năm 2015, sau một năm giằng co, giá vàng thế giới đánh mất 130 USD/oz, khiến giá vàng trong nước cũng đã giảm hơn 2 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, sau 1 năm “đánh bạc” với vàng, hầu hết các nhà đầu tư đều phải chịu lỗ nặng.

Tuy nhiên, một đúc kết từ giới buôn chuyên nghiệp, “chơi” vàng lỗ chủ yếu rơi vào những nhà đầu tư “tay mơ”, theo phong trào, hoặc những người ôm vàng dài hạn theo kiểu tích trữ. Còn với những người có khả năng tính toán, đầu tư vàng có chiến lược, thì những cơn sóng vàng chính là cơ hội để kiếm lời. Sóng càng lớn, khả năng kiếm lãi càng cao.

Với lợi thế về giá trị được chia nhỏ, phù hợp với cả người nhiều tiền cũng như người ít tiền, ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của đầu tư vàng là thanh khoản cực cao: tay trái mua, tay phải có thể bán ngay kiếm lời hoặc cắt lỗ mà không hề lo bị “ngâm” vốn, nên vàng rõ ràng vẫn là một kênh đầu tư đầy mạo hiểm nhưng thú vị đối với những người “có gan làm giàu”.

Mở cửa đầu ngày 15/2, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI mua bán vàng miếng SJC ở 34,05-34,13 triệu đồng, giảm so với phiên đóng cửa tuần trước 220.000 đồng. Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)  cũng giao dịch vàng miếng ở ngưỡng 33,50-34,40 triệu đồng.

Sáng 15/2, dù vàng quốc tế giảm hơn 15 USD, xuống 1.223 USD nhưng quy đổi ra tiền Việt, mỗi lượng tương đương 32,97 triệu đồng và chỉ còn rẻ hơn giá trong nước 1-1,4 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch thấp nhất gần hai năm qua kể từ tháng 3/2014. Dẫu vậy, với nhiều người dân trong nước vàng vẫn đang có sức hấp dẫn lớn. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư