1,4 triệu m3 cát từ nạo vét sông Cổ Cò (Quảng Nam): Đấu giá 2 lần vẫn ế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được khởi công tháng 7/2020 với thời hạn hoàn thành tháng 7/2022, nhưng đến nay, Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hoàn tất. Đặc biệt, sản phẩm từ quá trình nạo vét là gần 1,4 triệu m3 cát qua 2 lần đấu giá vẫn chưa có người mua.
Đoạn chưa được nạo vét đang gây tắc nghẽn dòng sông Cổ Cò, lục bình phủ kín và người dân tận dụng trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Minh Nguyệt
Đoạn chưa được nạo vét đang gây tắc nghẽn dòng sông Cổ Cò, lục bình phủ kín và người dân tận dụng trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Minh Nguyệt

Vướng mặt bằng, mất vốn

Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò có tổng vốn đầu tư 1.230 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần. Cụ thể, Dự án thành phần 1 được tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. Khối lượng thực hiện gồm nạo vét đoạn sông từ Km0 - Km14 đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Nguyễn Duy Hiệu, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng công trình giá trị 434,715 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Đạt Phương - Công ty TNHH Phúc Nam thi công, thời hạn 705 ngày, hợp đồng có hiệu lực từ 15/6/2020.

Dự án thành phần 2 (HA/W3) được phê duyệt năm 2020 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, Gói thầu xây dựng thuộc dự án này trị giá 273,729 đồng, do Công ty CP Đạt Phương thi công, gồm: xây dựng cầu Thôn 3 và nạo vét 5,46 km lòng sông.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông Quảng Nam (Chủ đầu tư), Dự án thành phần 1 thi công đạt khối lượng 778 nghìn m3/1,4 triệu m3 (khoảng 55%). “Do vướng mặt bằng, bố trí tái định cư, Dự án thành phần 1 bị chậm tiến độ nên Tỉnh đã gia hạn đến năm 2025. Hiện Chủ đầu tư đã đề xuất các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng thi công trong quý II - III/2024”, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Quảng Nam cho biết.

Trong khi đó, Dự án thành phần 2 mới hoàn thành hạng mục cầu Thôn 3, phần nạo vét đã dừng kỹ thuật do vi phạm tiến độ. Tại hiện trường, những đoạn sông chưa được nạo vét khơi thông dày đặc bèo lục bình, người dân tận dụng canh tác, xây dựng các công trình tạm khiến lòng sông tắc nghẽn. Để có chi phí hoàn thành dự án này, Chủ đầu tư đang đề nghị cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Nam xem xét tiếp tục bổ sung danh mục thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2026 - 2030; chuyển khối lượng còn lại cho thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 168 tỷ đồng.

Hai lần đấu giá, không có người mua cát

Trong 2 dự án thành phần trên, Dự án Thành phần 1 có khối lượng cát tận thu trong quá trình nạo vét gần 1,4 triệu m3. Khối lượng cát này sau khi được nạo vét, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Quảng Nam đã phối hợp với Sở Tài chính lập phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt năm 2021 với giá khởi điểm từ 144.000 đồng/m3.

Tuy nhiên, qua 2 lần thông báo đấu giá, không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia. Nguyên nhân do khối lượng đấu giá một lần quá lớn, sau khi trúng đấu giá phải nộp ngay một khoản tiền lớn (gần 200 tỷ đồng), khó có người mua đáp ứng.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn tại 2 dự án trên và yêu cầu Chủ đầu tư tiếp tục thúc đẩy thi công. “Nguồn lực bỏ ra rất lớn, nếu bỏ dở sẽ rất lãng phí. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, không thể vì khó mà không tiếp tục”, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Được biết, qua hơn 2 năm đấu giá bất thành, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Quảng Nam đã kiến nghị UBND Tỉnh giao Sở Tài chính làm đầu mối tổ chức đấu giá; xem xét hạ giá khởi điểm và điều chỉnh một số phương án đấu giá, Ban có trách nhiệm phối hợp, nhưng chưa được UBND Tỉnh chấp thuận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, UBND Tỉnh đã giao QLDA ĐTXD các công trình giao thông tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện việc bán đấu giá khối lượng cát trên. Đồng thời, khẩn trương rà soát các nội dung chưa phù hợp trong phương án đấu giá đã duyệt trước đây để hoàn chỉnh thủ tục liên quan; nghiên cứu có thể chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa, hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá bảo đảm tính khả thi.

“Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam giao Chủ đầu tư làm việc với đơn vị tư vấn khảo sát thị trường, xác định lại mức giá khởi điểm và ban hành chứng thư thẩm định giá đúng quy định hiện hành, gửi Sở Tài chính chủ trì, mời Hội đồng Thẩm định giá nhà nước họp để thẩm định, trình UBND Tỉnh phê duyệt để tổ chức đấu giá”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh. Liên quan đến việc đấu giá số cát này, Tỉnh uỷ Quảng Nam đề nghị cơ quan chức năng cần cân nhắc vấn đề giá, có phương án làm lại giá mới, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị tư vấn, không để mức giá trần như hiện nay.

Chuyên đề