Tiền giấy mệnh giá 10.000 - 100.000 đồng theo cử tri có chất lượng thấp, cần được thay thế. |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có tân Thống đốc tuổi 46, và có nhiều kiến nghị của cử tri đang chờ ông trả lời.
Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội phát hành mới đây cho thấy khá nhiều "bài toán" dành cho Thống đốc mới - người sẽ phải ký văn bản trả lời những kiến nghị đó.
Trong 13 kiến nghị cụ thể thì có hai nội dung được gửi đến từ cử tri của tỉnh Đồng Nai.
Một là kiến nghị thay thế chất liệu đồng tiền giấy vì tiền giấy (mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành chất lượng thấp, tuổi thọ trong lưu thông không cao.
Cử tri Đồng Nai còn phản ánh về việc người nông dân chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi vốn Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp (theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP), đa số nông dân vẫn phải vay lãi suất cao từ ngân hàng thương mại do việc tiếp cận chính sách này rất khó khăn, phải đáp ứng đầy đủ chứng từ, áp lực trả nợ và lãi suất rất lớn, thời gian đáo hạn nhanh (chỉ được vay vốn lưu động, ngắn hạn sáu tháng), trong khi người nông dân sản xuất hiện nay cần vốn trung, dài hạn với số lượng lớn.
Cử tri kiến nghị nghiên cứu, sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho người nông dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi trên để đầu tư, phát triển sản xuất.
Đề nghị đến từ cử tri Sóc Trăng là cần tiếp tục có giải pháp thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ vì thực tế còn gặp nhiều khó khăn như thủ tục còn rườm rà, khó tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng đặc biệt là đối với đóng tàu vỏ gỗ người dân phải đối ứng 30%.
Phản ánh từ cử tri Tp.HCM là hiện nay các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Bởi những doanh nghiệp này luôn vượt trội so với doanh nghiệp trong nước cả về năng lực quản trị, vốn lẫn những ưu đãi chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế nhờ mức lãi vay ở các nước khá thấp (chỉ dao động 3-5%/năm).
Trong khi đó, lãi suất của ngân hàng trong nước cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vay luôn dao động ở mức cao, từ 7-10%, các doanh nghiệp xuất khẩu phải vay bằng Việt Nam đồng với mức lãi suất cao.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực hiện nay đầu tư không hiệu quả như nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nên các ngân hàng rút dần vốn ra khỏi lĩnh vực này càng gây khó khăn cho doanh nghiệp và càng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội.
Ngành ngân hàng quan tâm có các chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, cử tri Tp.HCM đề nghị.
Theo cử tri Bình Dương thì Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu giảm bớt việc giao dịch, thanh toán tiền mặt, tiến tới thực hiện các giao dịch, thanh toán kinh tế qua hệ thống thẻ của ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đang thu quá nhiều các loại phí đối với chủ thẻ ATM (có khoảng 20-25 loại phí đối với thẻ ATM: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí SMS banking, internet banking, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí duy vấn số dư, in hóa đơn, phí rút tiền mặt tại các trụ ATM,…) và tổng các khoản phí trên sẽ là một số tiền không nhỏ khi các ngân hàng thu phí đối với chủ thẻ, làm cho đa số người dân không ủng hộ thanh toán qua thẻ.
Cử tri đề nghị ngành ngân hàng nên bãi bỏ bớt các khoản phí, chỉ nên thu các khoản phí dịch vụ cần thiết đối với thẻ ATM để khuyến khích người dân tham gia sử dụng và thanh toán qua thẻ.
Bên cạnh các vấn đề về chính sách, cử tri một số nơi cũng thể hiện sự bất bình trước trình trạng nhiều chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở nhiều tỉnh, thành phố xảy ra nhiều vụ tham ô, tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Cử tri Ninh Thuận cho rằng để xảy ra hậu quả này phần lớn là do cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hệ thống Ngân hàng này còn lỏng lẻo. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần phải rà soát lại các quy định hiện hành để tăng cường hiệu quả quản lý đối với ngân hàng này. Cần nghiên cứu, xem xét cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả.
Theo thông lệ, phần trả lời những kiến nghị của cử tri tại kỳ họp 11 sẽ được tập hợp tại kỳ họp tiếp theo, tức là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14, cuối tháng 7/2016.