Ảnh Internet |
ZTE cho biết họ đã đệ trình một yêu cầu gửi tới Bộ Thương mại Mỹ về việc hoãn lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ bán bộ phận công nghệ và cung cập dịch vụ cho ZTE. Công ty Trung Quốc bán sản phẩm di động thông minh và các thiết bị viễn thông toàn cầu này đang bị đứng giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã áp lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 7 năm lên ZTE do công ty này nói dối giới chức Mỹ về việc trừng phạt các nhân viên đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran. Mặc dù vậy, động thái này của Mỹ được xem như một phần nỗ lực nhằm ngăn chặn tham vọng về công nghệ của Trung Quốc.
ZTE không chính thức là doanh nghiệp đứng giữa tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng “đại diện cho cùng một vấn đề về an ninh quốc gia và công nghệ Mỹ”, chuyên gia Evan Medeiros thuộc Eurasia Group cho biết.
Bắc Kinh đặc biệt đã nhắc tới việc hạn chế đối với ZTE trong các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung vào tuần trước.
ZTE cho biết lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Chủ tịch ZTE Yin Yimin cho rằng lệnh cấm của Mỹ là không công bằng và không thể chấp nhận được. ZTE cho biết trong tuyên bố mới nhất được trình vào cuối tuần trước, rằng công ty đã gửi thêm thông tin theo yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.
Mối lo ngại của Mỹ về công nghệ Trung Quốc và an ninh quốc gia đã khiến ZTE và Huawei – ông lớn công nghệ Trung Quốc khác chuyên sản xuất thiết bị di động và viễn thông – lao đao. Hồi tháng Hai, cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo người dân nước này không nên mua điện thoại ZTE và Huawei, và cho rằng các hãng này đang đe doạn an ninh cho người tiêu dùng Mỹ.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Technology, năm ngoái, ZTE chiếm 10% thị trường điện thoại thông minh của Mỹ, và trở thành nhà cung cấp lớn thứ 4 tại đây.
Cổ phiếu ZTE được giao dịch tại Hong Kong và Thâm Quyến (Trung Quốc) đã bị đình chỉ giao dịch kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra lệnh cấm hồi tháng trước.