Yêu cầu cấp bách về tái cơ cấu nợ công

Nợ công đang tăng nhanh nhưng điểm sáng là đang được cơ cấu lại theo hướng giảm dần nợ nước ngoài.
Yêu cầu cấp bách  về tái cơ cấu nợ công

Nợ công đang tăng nhanh nhưng điểm sáng là đang được cơ cấu lại theo hướng giảm dần nợ nước ngoài.

IMG

Trong 5 năm trở lại đây, năm 2015 dự kiến sẽ là năm có nợ công cao nhất, 61,3% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo mục tiêu về nợ công thì nợ công không quá 65% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%. Nhìn lại 5 năm thì năm 2015 là cao nhất, dự kiến là 61,3%. Như vậy vẫn trong giới hạn an toàn. Đối chiếu lại với các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công thì 1 chỉ tiêu không đạt đó là bội chi ngân sách nhà nước. 

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế tăng trưởng chậm lại, giá dầu thô giảm, Chính phủ đã miễn giảm, giãn thu cho sản xuất, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu dẫn đến nguồn thu bị ảnh hưởng phần nào. 

“Một điều rất may là tốc độ tăng thu chậm lại nhưng quy mô thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 bằng gần gấp đôi của giai đoạn 2006 - 2010” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Nhu cầu chi ngân sách tăng mạnh, dẫn đến bội chi cao, làm tăng nợ công. Quyết định bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ làm tổng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 395 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần của giai đoạn 2006 - 2010, gây áp lực rất lớn lên nợ công.

Điểm sáng là nợ công tăng nhưng đã cơ cấu lại được một bước. Vay trong nước từ 39% trong tổng số nợ công của năm 2001 đã lên 57,1% năm 2015. Như vậy, vay nước ngoài đã giảm đi, chỉ còn có hơn 42%. Giai đoạn 2011 - 2013 vay khoảng 64 nghìn tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,5%/năm, có những món cao lên đến 13,2%/năm, món thấp 8,4%/năm. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đây là những vấn đề cần phải báo cáo với Quốc hội, phải nhanh chóng tái cơ cấu lại những khoản nợ mà chúng ta phải trả từ hôm nay đến hết quý I năm 2016. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã báo cáo với Chính phủ để có các giải pháp mềm dẻo hơn, từng bước tái cơ cấu lại nợ và đảm bảo an toàn nợ công như đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu, phát hành thêm trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu lại nợ nước ngoài của Chính phủ và phần nợ trong nước của Chính phủ. Dù theo dõi diễn biến thị trường vốn, lãi suất hàng ngày nhưng thời điểm này phát hành chưa thuận lợi.

“Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng vừa qua là quá cao, 20%/năm và chúng ta tập trung cho đầu tư phát triển, bên cạnh đó những việc phân bổ, sử dụng vốn cũng có chỗ nọ chỗ kia chưa thực sự hiệu quả” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 

Đối với quản lý nợ công thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tổng kết, đánh giá lại Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như Luật Quản lý nợ công, cần thiết sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa trong thời gian tới. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, dùng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng thiết yếu theo quy hoạch; tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình theo đúng quy định. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng tỷ trọng vay trong nước, đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với Danh mục nợ công, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy thị trường trái phiếu chính phủ. Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện và chắt lọc có mục tiêu để ưu tiên.

Đối với vay về cho vay lại thì quản lý theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại và giảm dần tỷ lệ cấp phát, đây là hướng quan trọng; rà soát lại các thể chế, xây dựng chính sách văn bản pháp luật có liên quan. 

Nếu chúng ta làm tốt như thế thì đỉnh nợ vào năm 2017 là 64,3% và nợ công đến năm 2020 chỉ còn khoảng 58,5%. Việt An

Chuyên đề