Ảnh Internet |
Điều này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, bởi nếu bỏ quy định này sẽ tiềm ẩn nguy cơ các trạm thu giá mọc lên dày đặc, còn nếu giữ nguyên quy định thì sẽ khó thu hút được nhà đầu tư.
Cần làm rõ cơ sở khoảng cách 70 km giữa các trạm
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, quy định về khoảng cách giữa 2 trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải bảo đảm cự ly 70 km là kế thừa quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013, phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở, song không phù hợp với các dự án thu kín theo quy định của Thông tư số 35/2016/TT-BTC.
Tại Văn bản số 177/BC-ĐGS ngày 11/8/2017 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đã nêu: Chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định về vị trí trạm thu phí tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu, làm rõ cơ sở quy định về khoảng cách giữa hai trạm thu giá tối thiểu là 70 km.
Góp ý cho Dự thảo Thông tư, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, Bộ GTVT cần làm rõ căn cứ tính toán để xác định khoảng cách giữa 2 trạm thu giá trên cùng 1 tuyến phải bảo đảm cự ly tối thiểu là 70 km.
Cùng chung quan điểm này, Vụ Tài chính của Bộ GTVT cũng nêu ý kiến, tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định cụ thể. Ngoài ra, các trạm thu giá trên tuyến đường cao tốc có áp dụng theo tiêu chí này không, đề nghị quy định rõ tại Dự thảo Thông tư.
Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư cho biết, tiếp thu ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương, Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khoảng cách 70 km giữa các trạm thu giá trong Dự thảo Thông tư lần 2.
Nhiều quan ngại về khoảng cách đặt trạm thu phí
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia về cầu đường cho biết, mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở khoa học để đưa ra quy định về khoảng cách giữa 2 trạm thu phí là 70 km chưa rõ ràng, nhưng nếu bỏ quy định này thì người dân và xã hội sẽ quan ngại về việc các trạm thu phí có nguy cơ “mọc” lên dày đặc, vốn dĩ đã gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nếu xét theo chiều ngược lại, các dự án BOT phải là các tuyến đường mới theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội, thì để đầu tư 1 tuyến đường mới với chiều dài 70 km, tổng mức đầu tư sẽ rất lớn, lãi suất biến động, thời gian thi công kéo dài… Do đó, nếu quy định khoảng cách 70 km giữa các trạm thu phí thì sẽ khó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư. Hơn nữa, quy định này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu hoàn vốn của dự án.
Theo ý kiến của Sở GTVT Khánh Hòa, Dự thảo Thông tư cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về khoảng cách giữa 2 trạm thu giá trên 2 tuyến đường gần kề nhau thuộc 2 dự án được đầu tư bằng hình thức BOT để tránh trường hợp khoảng cách giữa 2 trạm này đặt quá gần nhau, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân lân cận trạm khi lưu thông qua trạm, tránh gây bức xúc dư luận.
Còn Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị, Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư nghiên cứu thêm trường hợp trong phạm vi 70 km, nếu có đầu tư thêm cầu đường bộ, hầm đường bộ, cần tổ chức thu 1 lần với mức giá phù hợp với việc đầu tư đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ. Điều này sẽ bảo đảm được tốc độ lưu thông, nếu tách riêng từng dự án qua nhiều lần thu sẽ tạo nên ùn tắc giao thông không cần thiết.