Xuất siêu lớn, mừng và lo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư cao trong 7 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục xu hướng như vậy trong những tháng còn lại của năm. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là nhu cầu từ thị trường quốc tế giảm có thể gây khó cho nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời làm giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước 7 tháng đầu năm 2020 đạt 286,82 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Tường Lâm
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước 7 tháng đầu năm 2020 đạt 286,82 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Tường Lâm

Nhập siêu của doanh nghiệp trong nước giảm mạnh

Số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước 7 tháng đầu năm 2020 đạt 286,82 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 147,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 139,2 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư cán cân thương mại hàng hóa trong 7 tháng đầu năm đạt gần 8,4 tỷ USD.

Đáng chú ý, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 113,96 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 9,5 tỷ USD, thấp hơn hẳn con số hơn 15,1 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, tương ứng mức giảm khoảng 37%.

Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, xuất siêu được coi là một mảng sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay, song không nên quá lạc quan. Thực tế, xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng yếu trong khi nhập khẩu lại giảm tương đối mạnh.

“Khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu là hàng tư liệu sản xuất. Do đó, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh cho thấy sản xuất có hiện tượng chậm lại. Tuy nhiên, vẫn có điểm tích cực là xu hướng nhập siêu của doanh nghiệp trong nước giảm khá mạnh”, ông Phương nói.

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm, Báo cáo xu hướng vĩ mô tháng 8 của Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước với nguyên nhân đáng chú ý là do nhu cầu tiêu thụ yếu tại thị trường Mỹ. Tương tự, hoạt động nhập khẩu trong tháng 7 cũng ở trạng thái trì trệ khi kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng như máy móc và thiết bị, điện thoại di động và linh kiện, vải, nhựa... tiếp tục giảm.

Nỗ lực tận dụng EVFTA

Dự báo về xu hướng trong những tháng còn lại của năm, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán KIS cho rằng: “Những lo ngại về việc kiểm soát dịch bệnh, triển vọng kinh tế, cũng như các gói hỗ trợ kinh tế cho người dân đang chuẩn bị hết hạn tại Mỹ phần nào sẽ khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Mặt khác, đợt bùng phát Covid-19 gần đây tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất một số mặt hàng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong tháng tới. Ở hướng tích cực, niềm tin tiêu dùng ở một số thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu cải thiện ở thời điểm hiện tại, phần nào sẽ bù đắp lại mức giảm từ thị trường Mỹ”.

Còn theo Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 8 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây thiệt hại cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ sau 18 tháng giảm. Yếu tố hỗ trợ chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực cùng với sự tăng giá của đồng EUR sau khi quỹ phục hồi của châu Âu được thông qua. Báo cáo này cho rằng, thặng dư thương mại sẽ cao kỷ lục, vượt qua kết quả ấn tượng của năm 2019 (gần 11 tỷ USD). Thặng dư thương mại lớn sẽ phần nào bảo vệ nền kinh tế với những biến động trên thế giới.

Còn theo ông Lê Quốc Phương, những năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu thường tăng khá mạnh trong 5 tháng cuối năm, song năm nay chưa hẳn đã được như vậy bởi tình hình dịch bệnh vẫn khó lường.

“Những tháng còn lại của năm, xuất khẩu nông sản có thể khả quan nhờ mặt hàng gạo, nhưng vẫn không đủ sức đẩy mạnh tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhu cầu hàng hóa từ các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn thấp. Dù EVFTA có hiệu lực nhưng kinh tế các nước thuộc khối EU dự báo sẽ tăng trưởng rất yếu hoặc tăng trưởng âm. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày cho biết không nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Do đó, kim ngạch nhập khẩu có thể vẫn giảm nên xuất siêu sẽ vẫn ở mức cao”, ông Phương nói.

Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng vẫn cần nỗ lực tận dụng lợi thế từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay và tạo tiền đề cho giai đoạn hồi phục sau dịch.

Chuyên đề