Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Những số liệu mới nhất được xem như báo hiệu về một sự giảm tốc của hoạt động sản xuất công nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong nửa sau của năm 2021.
Nhờ kiểm soát tốt sự lây lan của Covid-19, Trung Quốc - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - đã có sự phục hồi kinh tế ấn tượng kể từ sau đợt sụt giảm do đại dịch trong những tháng đầu năm 2020. Năm nay, chiến dịch tiêm chủng với tốc độ cao của nước này tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sự bùng dịch trở lại trong tháng 7, chủ yếu do biến chủng Delta, đã khiến số ca nhiễm mới trong cộng đồng xuất hiện tại hàng chục thành phố của Trung Quốc. Để chống dịch, các địa phương có ca nhiễm phải tiến hành phong toả, hàng triệu người phải xét nghiệm Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất-kinh doanh phải tạm ngưng.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/8 cho thấy xuất khẩu tháng 7 của nước này tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 32,2% trong tháng 6. Mức tăng này thấp hơn so với dự báo tăng 20,8% mà các chuyên gia kinh tế được hãng tin Reuters khảo sát đưa ra trước đó.
“Tình hình dịch bệnh đã xấu đi tại nhiều nước đang phát triển ở châu Á, và lẽ ra phải dẫn tới dịch chuyển hoạt động thương mại về phía Trung Quốc. Nhưng các chỉ báo hàng đầu lại cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc có thể suy yếu trong những tháng sắp tới”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang thuộc PinPoint Asset Management nhận xét.
Các ổ dịch Covid tại miền Đông và miền Nam Trung Quốc, vốn là những trung tâm xuất khẩu chính của nước này, đã khiến sản lượng của các nhà máy suy yếu. Mưa lũ và thời tiết xấu trong tháng 7 cũng ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp ở một số khu vực thuộc miền Trung của Trung Quốc.
Ngoài dịch bệnh và thời tiết cực đoan, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc còn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thiếu linh kiện bán dẫn trên phạm vi toàn cầu, những nút thắt cổ chai về logistic, giá nguyên vật liệu thô tăng cao, và chi phí vận tải leo thang.
“Lượng đơn hàng vẫn đang phục hồi, nhưng có quá nhiều bấp bênh trong nửa sau của năm nay, chẳng hạn dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào và giá nguyên vật liệu sẽ ra sao. Ngoài ra, sản lượng công nghiệp của các quốc gia khác đang tăng dần”, một nhà quản lý xuất khẩu họ Ye thuộc một công ty ở Tô Châu lo lắng.
Nhập khẩu tháng 7 của Trung Quốc tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì tăng 33% như dự báo mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 36,7% đạt được trong tháng 6. Trong những tháng gần đây, nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép, đã giảm xuống.
Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng trở lại sau khi chạm đáy nửa năm trong tháng 6, do các nhà máy lọc dầu quốc doanh tăng sau lượng trở lại sau một thời gian giảm hoạt động để bảo trì.
Không chỉ xuất khẩu giảm tốc, các số liệu gần đây cũng cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 7 tăng chậm lại do giá vật liệu đầu vào tăng, hoạt động bảo trì trang thiết bị, và thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, theo Reuters, xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc còn phản ánh sự suy yếu trong hoạt động kinh tế ở Mỹ trong tháng 7 do các nút thắt về nguồn cung. Đây là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm tốc trong nửa sau của năm 2021.
Thặng dư thương mại tháng 7 của Trung Quốc là 56,58 tỷ USD, so với dự báo thặng dư 51,54 tỷ USD, và mức thặng dư 51,53 tỷ USD của tháng 6.
Thặng dư thương mại tháng 7 của Trung Quốc với Mỹ là 35,4 tỷ USD, tăng từ mức thặng dư 32,58 tỷ USD trong tháng 6.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6% trong năm nay, trong khi giới phân tích dự báo mức tăng trên 8%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhu cầu bị dồn nén do Covid-19 đã bung hết, và tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vì thế sẽ bắt đầu chậm lại.