Những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm cho các DN tập trung sản xuất, tăng tốc xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục có những diễn biến khó lường, tăng trưởng XK có thể gặp một số lực cản rất cần được lưu ý.
Tăng trưởng xuất khẩu chững lại
Thông tin về tình hình XK hàng hóa 8 tháng năm 2019, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. “Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 và 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%), nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp”, Bộ Công Thương đánh giá.
Đáng chú ý, có 26 mặt hàng đạt giá trị XK trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch XK. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất; tiếp đó là điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; giày dép…
Về cơ cấu hàng XK, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng XK chung, chiếm 83,9% tổng kim ngạch XK, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018. Hầu hết các mặt hàng XK chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,3%; giày dép các loại tăng 13,1%...
Tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam đã ký kết và đang thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng tốt, nhất là thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặc dù vậy, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động cũng tác động đến XK của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước, tiêu biểu là khiến cho lượng đơn hàng XK của doanh nghiệp (DN) dệt may kém khả quan so với năm 2018.
Đối với ngành thép, ông Đặng Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện dư thừa nguồn cung thép trên thế giới đang gây ra sự bất ổn của thị trường thép, cộng thêm xu hướng bảo hộ gia tăng trong thời gian gần đây… ít nhiều tác động đến tình hình XK của DN thép Việt Nam. “Những khó khăn này ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường XK thép của Việt Nam và gián tiếp gây sức ép lên thị trường nội địa”, ông Nguyên đánh giá.
Bên cạnh đó, kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản trong 8 tháng năm 2019 cũng giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Thuận lợi, thách thức đan xen
TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, trong những tháng cuối năm 2019, XK tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lý do là XK của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc. “Nếu DN Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động nắm bắt thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu, thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn”, ông Khôi gợi ý.
Phân tích các yếu tố thuận lợi có thể hỗ trợ tăng trưởng XK, Bộ Công Thương cho biết, những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm cho các DN tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các dòng sản phẩm điện thoại của Samsung dự kiến ra mắt vào quý III/2019 sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại và linh kiện tăng trưởng.
Cũng theo Bộ Công Thương, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ. 31 DN của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá XK vào thị trường Mỹ, giúp tăng số lượng đơn hàng trong thời gian tới.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, ông Khôi lưu ý, những yếu tố cản trở đà tăng trưởng XK thời gian tới vẫn còn không ít. Đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng có thể khiến các ngành hàng (thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử…) chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.
Bộ Công Thương cũng lo ngại rằng, việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng tới hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới.
Trước những thách thức này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả nhằm hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTA; đồng thời khuyến nghị các DN XK tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.